Khả quan với tín dụng khối FDI
Phát biểu tại Diễn đàn DN Việt Nam - Singapore 2014 sáng 5/6, ông Tô Hải Anh, Trưởng phòng Khách hàng FDI của Vietcombank cho biết, các DN FDI từ năm 2009 - 2013 có mức tăng trưởng cao. Sự tăng trưởng của khối DN FDI kéo theo nhu cầu vốn gia tăng và các khách hàng này cũng dần mở rộng quan hệ với ngân hàng Việt Nam. Đó cũng là một trong những thuận lợi để ngân hàng mở rộng thị phần dịch vụ cũng như tăng trưởng tín dụng.
Tại Vietcombank, dư nợ tín dụng của khách hàng FDI chiếm tỷ lệ tương đối lớn, từ 17 - 20% tổng dư nợ của Ngân hàng. Trong đó, Bình Dương là nơi có nhiều DN FDI đang hoạt động, nhất là các DN đến từ Singapore. Vì thế, Vietcombank không ngừng mở rộng mạng lưới hoạt động trên địa bàn này để phục vụ tốt hơn các khách hàng DN.
Theo ông Anh, để mở rộng quan hệ tín dụng với các DN FDI cũng như phát huy được lợi thế cạnh tranh, sau khi hợp tác với đối tác chiến lược Nhật Bản, Vietcombank đã ký kết với 50 ngân hàng địa phương của Nhật Bản. Các ngân hàng này sẽ cung cấp L/C cho các DN Nhật đang hoạt động tại Việt Nam nên Vietcombank có cơ sở để cung cấp tín dụng, dịch vụ thanh toán, mở L/C cho các DN Nhật trên cơ sở bảo lãnh của các ngân hàng đã ký hợp tác. Tăng trưởng tín dụng của khối DN FDI rất tốt và hầu như cung cấp tín dụng dưới dạng tín chấp (không tài sản đảm bảo), ưu đãi lãi suất.
HDBank cũng cho DN FDI vay không tài sản đảm bảo, với lãi suất 5%/năm đối với USD và 12%/năm đối với tiền đồng. Theo đánh giá của lãnh đạo HDBank, nhu cầu vốn của các DN FDI rất lớn, song họ vẫn quen giao dịch với các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Tuy nhiên, mạng lưới hoạt động rộng khắp của ngân hàng nội được xem là lợi thế nên dễ dàng tiếp cận khách hàng và cung ứng dịch vụ ngày một tốt hơn. Vì thế, HDBank từng bước đẩy mạnh vốn hỗ trợ DN FDI, lãi vay cũng giảm dần.
Trong số 32 DN FDI bị thiệt hại trong các vụ gây rối tại tại Bình Dương và Đồng Nai vừa qua, có 17 đơn vị từng có dư nợ tín dụng với các NHTM trên địa bàn TP. HCM, với tổng dư nợ khoảng 132 tỷ đồng và 4,7 triệu USD. Hiện chỉ còn 5 DN FDI có dư nợ tín dụng, nhưng không có nợ xấu.
Các NHTM cho rằng, các đây 2 năm, ngân hàng “vật vã” với tín dụng, vì không thể giải ngân với một số ngành hàng do tính thanh khoản của DN không đảm bảo, nhưng đến nay tình hình đã khả quan hơn. Mặc dù vậy, vẫn có nhiều DN không tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, chủ yếu do khủng hoảng của thị trường địa ốc. Với tình hình kinh tế của Việt Nam hiện nay, khi thị trường địa ốc mới hồi phục 20 - 30%, trong khi ngành ngân hàng lại cần tài sản đảm bảo thì trước mắt chưa thể kỳ vọng dư nợ tín dụng tăng trưởng nhanh. Đáng chú ý, các DNVVN gặp khó khăn trong vấn đề thế chấp, vì DN “cạn” tài sản đảm bảo. Nhưng với các DN lớn, nhất là trong khối DN FDI, phía ngân hàng vẫn tiến hành giải ngân mà không quá lo ngại về rủi ro.
Theo ông Tô Hải Anh, các DN FDI rất cần thông tin nên Vietcombank đã thành lập bộ phận đầu tư để tư vấn cho khách hàng và sắp tới sẽ nhân rộng mô hình ra các chi nhánh của Ngân hàng. Hiện Vietcombank đã có một khối lượng tương đối lớn các DN FDI, trong đó các DN Nhật Bản và Singapore chiếm tỷ lệ cao.
Triển vọng tín dụng toàn ngành
Đánh giá về tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng Việt Nam, ông David C. Kadarauch, Giám đốc Trung tâm Phân tích CTCK ACBS cho rằng, có thể đạt mức kỳ vọng trong năm nay là 12 - 14%. Tuy nhiên, rủi ro nợ xấu của các ngân hàng vẫn ở mức cao, thậm chí có dấu hiệu gia tăng, kể cả với khối khách hàng DN FDI. Một phần là do tình hình xuất khẩu có những khó khăn nhất định trước khó khăn chung của nền kinh tế.
Vì thế, trong ngắn hạn, các ngân hàng khó có thể đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng. Thách thức lớn nhất đối với hoạt động tín dụng ngân hàng hiện nay là các khoản cho vay có thu hồi được đầy đủ hay không. Nợ xấu của ngành ngân hàng đang được cho là cao hơn con số công bố.
Ông Phùng Anh Tuấn, Giám đốc điều hành VCI Legal cho rằng, nhiều ngân hàng Việt Nam chưa có cơ cấu quản trị tốt, năng lực pháp lý tại phòng pháp chế ngân hàng còn hạn chế. Thực tế cho thấy, tại không ít ngân hàng xảy ra những vụ việc vi phạm pháp luật liên quan tới quy trình kiểm soát hoạt động, kiểm soát rủi ro nợ xấu.
Theo ông Tuấn, việc kiểm soát và giám sát quy trình vận hành cũng như đạo đức con người trong bộ máy hoạt động của ngân hàng là hết sức quan trọng. Để hạn chế rủi ro nợ xấu cũng như kiểm soát được bộ máy vận hành, trước hết ngân hàng phải kiểm soát được nhân sự và đạo đức của cán bộ tín dụng. Các ngân hàng phải chủ động kiểm soát thường xuyên 6 tháng một lần.
Một số chuyên gia tài chính nước ngoài đánh giá, hoạt động của ngành ngân hàng Việt Nam vẫn chịu ảnh hưởng lớn từ nợ xấu, nợ quá hạn, đặc biệt là nợ quá hạn trong lĩnh vực bất động sản và DNNN. Hướng mua lại nợ xấu của ngân hàng mà Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đang triển khai được xem là một biện pháp hữu hiệu. Tuy nhiên, VAMC vẫn chưa giảm được nợ quá hạn của các ngân hàng và chưa giải quyết được triệt để nợ xấu, mà mới chỉ “kéo giãn” thời gian. Điều này ảnh hưởng đến nguồn thu của các ngân hàng trong năm 2014 nên thách thức đối với lợi nhuận của ngành ngân hàng là khá lớn. Trong khi đó, 2 Thông tư 02 và 09 buộc các ngân hàng phải trích lập dự phòng lớn hơn so với trước đây.