Đầu ra cho các mặt hàng nông thủy sản đang rất khó khăn

Đầu ra cho các mặt hàng nông thủy sản đang rất khó khăn

Tiềm năng tăng trưởng đang giảm

(ĐTCK) Tăng trưởng GDP đang có xu hướng bật lên từ mức thấp vài năm qua, nhưng tiềm năng tăng trưởng dường như lại đang đi xuống. Đây là vấn đề rất đáng lưu tâm trong xu thế tăng trưởng kinh tế 2 quý đầu năm nay mà Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra trong Báo cáo kinh tế vĩ mô quý II/2015 vừa công bố.

Kinh tế phục hồi song tiềm năng tăng trưởng giảm

Theo số liệu công bố tại báo cáo, GDP quý II/2015 tăng 6,46%, trong 6 tháng đầu năm là 6,25%. Báo cáo nhận định, công nghiệp - xây dựng là điểm sáng trong tăng trưởng kinh tế thời gian qua. Ngoại trừ ngành khai khoáng có biến động, hoạt động sản xuất chuyển biến tích cực ở các phân ngành chính. PMI trong quý tăng ở mức cao, dù có chậm lại vào tháng 6. Tỷ trọng các ngành công nghiệp - xây dựng và nông nghiệp trong GDP tăng nhẹ. Tuy nhiên, khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng ở mức thấp, khu vực dịch vụ tăng trưởng tương đương với các quý trước. 

Về tình hình lạm phát, báo cáo nhận định, lạm phát được kiểm soát ổn định ở mức thấp, chỉ tăng 0,65% trong quý II/2015, chủ yếu do tác động của xu hướng giá bên ngoài. Lý giải nguyên nhân khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng trong quý II, báo cáo cho rằng, xuất phát chủ yếu từ một số nhân tố đẩy chi phí sản xuất. Gia tăng cầu tiêu dùng và cầu đầu tư cũng ảnh hưởng đến diễn biến CPI, dù chưa nhiều. Việc điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu và giá điện cũng ít nhiều tác động đến mặt bằng giá cả trong quý.

Theo ông Nguyễn Tú Anh, Trưởng Ban Kinh tế vĩ mô (CIEM), các nguyên nhân tạo ra lạm phát trong quý II khó có biến động mạnh trong thời gian tới và dự kiến, lạm phát trong nửa cuối năm vẫn nằm trong mục tiêu của Chính phủ đề ra. 

Hoạt động đầu tư trong quý II có sự gia tăng so với quý I, với tỷ trọng lớn và tăng nhanh nhất ở khu vực tư nhân và FDI. Tỷ lệ đầu tư so với GDP đạt 31,7%. FDI quý II mặc dù cao hơn so với quý I, nhưng không tăng đáng kể so với cùng kỳ năm 2014. Giải ngân FDI trong 6 tháng đầu năm khá ổn định và có phần cải thiện so với cùng kỳ năm 2014. Tuy nhiên, đáng chú ý là trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng thương mại của Việt Nam tiếp tục đà suy giảm, thâm hụt thương mại là 0,6 tỷ USD trong quý II và 3,07 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm.

Một điểm rất đáng lưu tâm về xu thế tăng trưởng của nền kinh tế, theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, là GDP của Việt Nam luôn chỉ tính phần cung mà chưa tính về phía cầu, do đó thực tế vẫn còn sự tranh cãi trong tính toán.

“Theo tôi, con số quá không quan trọng, mà xu hướng tăng trưởng mới là vấn đề cần quan tâm. Nhìn vào bức tranh kinh tế vĩ mô 2 quý đầu năm nay, có thể thấy xu hướng tăng trưởng đang đi lên từ đáy, nhưng tiềm năng tăng trưởng thì có vẻ lại đang đi xuống. Đây là nghịch lý rất đáng lưu ý trong tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm”, ông Cung nhận định. 

Nợ xấu có xu hướng tăng trở lại

Đánh giá về hoạt động tín dụng, báo cáo của CIEM cho biết, lãi suất huy động VND (kỳ hạn dưới 6 tháng) ổn định và thấp hơn trần quy định của Ngân hàng Nhà nước, tuy có sự gia tăng cục bộ ở một số NHTM trong tháng 5 - 6. Lãi suất cho vay cũng tương đối ổn định trong quý II, mức giảm là không nhiều.

Theo ông Tú Anh, lãi suất đi xuống, nhưng khoảng cách giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay rất cao. Bên cạnh đó, lạm phát xuống thấp nên lãi suất thực để DN tiếp cận vốn vẫn cao. Vì vậy, đây thực tế vẫn là rào cản lớn đối với DN trong tiếp cận tín dụng ngân hàng.

Trong quý II, tín dụng tăng 3,54% so với quý I, theo ông Tú Anh, do một số yếu tố chính như quá trình phục hồi kinh tế diễn ra vững chắc hơn; các DN tăng cường vay vốn để đầu tư nhằm đón đầu cơ hội từ các FTA mà Việt Nam đã ký kết hoặc đang đàm phán; nguồn vốn cho tín dụng dồi dào hơn; kỳ vọng lạm phát khó giảm thêm khiến các DN và nhà đầu tư mạnh dạn vay vốn. Tuy nhiên, đáng lo ngại là kết quả xử lý nợ xấu còn kém bền vững, tỷ lệ nợ xấu đã tăng trở lại trong thời gian qua.

“Điều này cho thấy, các biện pháp xử lý nợ xấu trước đó dường như chưa thực chất và chưa mang lại hiệu quả lâu dài”, ông Tú Anh nhận xét. 

Còn nhiều rủi ro hiện hữu

Đánh giá một cách tổng thể, báo cáo cho rằng, quý II chứng kiến xu hướng tăng trưởng kinh tế rõ nét hơn, cùng môi trường kinh tế vĩ mô ổn định và vững chắc. Tuy nhiên, một số rủi ro vẫn hiện hữu với quá trình điều hành kinh tế vĩ mô nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung, như những vấn đề về nợ công; duy trì đà cải cách đối với môi trường kinh doanh, DNNN và hệ thống NHTM; hay áp lực cải thiện khả năng cạnh tranh ở cả cấp sản phẩm, DN và quốc gia.

Báo cáo khuyến nghị, trong bối cảnh này, định hướng cải cách nền tảng kinh tế vi mô và điều hành các chính sách kinh tế vĩ mô cần theo hướng tạo dựng thêm động lực, đẩy nhanh việc thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia nhằm tạo đà cho các chuyển biến mạnh mẽ hơn về môi trường kinh doanh trong nửa cuối năm 2015 và các năm tiếp theo.           

“Nhiều nghịch lý đang tồn tại”

Tiềm năng tăng trưởng đang giảm ảnh 1

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
 

Bức tranh kinh tế nhìn bề ngoài thì có vẻ khá lạc quan, trong ngắn hạn thì không có vấn đề gì, song nhìn sâu và dài hạn hơn thì có thể có nhiều vấn đề tiềm ẩn. Quá trình tái cơ cấu kinh tế từ 2011 - 2014 đã đạt được một số kết quả, nhiều chỉ số có vẻ như được cải thiện, song có thể đó là điểm tới hạn. Lý do là năng suất lao động và hiệu quả sử dụng các nguồn lực thị trường hầu như không tăng mà thậm chí còn đi xuống, hiện nay những yếu tố này không cải thiện nhiều trong ngắn hạn và có thể thấy về dài hạn có xu hướng đi xuống, kéo theo tiềm năng tăng trưởng cũng giảm.

Có thể thấy, hiện nay năng suất lao động của ta tăng chủ yếu là do chuyển đổi cơ cấu, phân bổ lại nguồn lực chuyển từ ngành nọ sang ngành kia, chứ không phải là tăng năng suất lao động nội ngành nhờ kỹ năng lao động tăng lên hay áp dụng khoa học công nghệ. Chưa kể, hiệu quả sử dụng vốn của ta hiện nay cũng ngày càng giảm do vốn vẫn đổ nhiều vào các ngành bất động sản, ngân hàng, tài chính, xây dựng. Vốn tập trung ở các DN quy mô lớn nhưng hiệu quả sử dụng lại thấp. Đây là những nghịch lý đang tồn tại cho thấy tiềm năng tăng trưởng hạn chế và thiếu tính bền vững.

“Lo ngại trong lĩnh vực nông nghiệp”

Tiềm năng tăng trưởng đang giảm ảnh 2

Ông Lê Đình Ân, Chuyên gia kinh tế
 

Nền kinh tế phục hồi nhưng vẫn còn nhiều vấn đề tiềm ẩn. 6 tháng đầu năm, tình hình khu vực kinh tế nông nghiệp rất đáng lo ngại. Các mặt hàng nông sản, kể cả nông sản chiến lược như thủy sản đầu ra khó, sản lượng có nhưng chất lượng không tốt, cao su, cà phê sụt giá đến 30%, ảnh hưởng đến hầu hết người nông dân và khu vực nông thôn. Trong khi đó, ưu đãi lãi suất cho nông nghiệp là có nhưng chưa đi vào đời sống, mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại không được nhân rộng mà còn teo đi.

Về lạm phát tuy nói là ổn định, nhưng tôi thấy rất phân vân vì cuối năm 2014 và quý I/2105 tổng cầu không tăng nên lạm phát giảm. Gần đây, tổng cầu tăng, nhưng tổng cung tăng ít nên giữ được lạm phát ổn định. Chỉ có điều, vì sao một nền kinh tế tăng trưởng trên 6%, lạm phát lõi tăng 2,7%, nhưng lạm phát chung chỉ tăng 0,68%.

Trong thực tế, có tình trạng kinh tế ngầm tăng đột biến và không kiểm soát được: tràn ngập hoa quả của Trung Quốc, thịt gà Hàn Quốc, thịt bò Mỹ nhập khẩu…, làm cầu tăng không kiểm soát được nên lạm phát mới thấp. Người tiêu dùng có lợi nhưng chất lượng tiêu dùng có vấn đề, DN nội chết đứng, không bán được trong khi vay lãi suất cao, đầu vào cao, điện tăng, nước tăng. Hàng giả, hàng nhái chưa kiểm soát được.

Bên cạnh đó, tiến trình cổ phần hóa 2 năm qua tập trung triển khai quyết liệt, nhưng giờ nhìn lại thì không đạt yêu cầu, đặt ra một loạt vấn đề lớn về chất lượng, cổ phần, tài sản, lợi ích nhóm... Vấn đề nợ xấu, nợ công còn phức tạp, lãi suất huy động thấp, nhưng lãi suất cho vay không hạ được bao nhiêu.

Tin bài liên quan