ACV đang vận hành 21 cảng hàng không
Trong quý III/2018, doanh thu hợp nhất của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) đạt 3.990 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái, do sản lượng vận chuyển qua các cảng hàng không tăng và đơn giá dịch vụ được điều chỉnh tăng theo Quyết định số 2345 của Bộ Giao thông Vận tải.
Ngoài giá vốn giảm, ACV còn hưởng lợi về doanh thu tài chính nhờ các khoản mục lãi chênh lệch tỷ giá, lãi tiền gửi ngân hàng. Nhờ đó, lợi nhuận sau thuế quý III của Tổng công ty tăng 49%, đạt 1.864 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2018, ACV đạt 11.945 tỷ đồng doanh thu và 4.953 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 15% và 67% so với cùng kỳ năm 2017.
ACV là doanh nghiệp có vốn hóa thị trường lớn nhất sàn UPCoM (hơn 172.000 tỷ đồng), giá cổ phiếu đang dao động quanh mức 80.000 đồng/cổ phiếu và được một số công ty chứng khoán dự báo sẽ đạt mức giá cao hơn, bởi triển vọng kinh doanh sáng sủa. Hiện ACV đang vận hành 21 cảng hàng không.
Trong khi đó, theo Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế (IATA), năm 2017, Việt Nam là thị trường hàng không tăng nhanh thứ 7 trên toàn cầu và dự kiến sẽ nằm trong Top 5 quốc gia đóng góp lượng hành khách mới nhiều nhất trong vòng 2 thập kỷ tới.
Doanh nghiệp đang có kế hoạch chuyển cổ phiếu từ UPCoM sang niêm yết trên HOSE vào cuối năm 2018 hoặc đầu năm 2019. Sau đó, Bộ Giao thông Vận tải sẽ bán thêm 10% cổ phần trong trung hạn. Những yếu tố này sẽ hỗ trợ cho thanh khoản của cổ phiếu ACV.
BSR: Lợi nhuận 9 tháng giảm, nhưng vượt kế hoạch năm
Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đạt 26.820 tỷ đồng doanh thu và 1.185 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý III/2018. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Công ty đạt doanh thu 82.713 tỷ đồng, tăng 51,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Do giá vốn hàng bán tăng 59%, chi phí bán hàng tăng 37%, nên lợi nhuận trước thuế 9 tháng là 4.858 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước. Biên lãi gộp cũng như biên lãi ròng của BSR đều giảm 4% so với 9 tháng đầu năm 2017.
Giá dầu trung bình 9 tháng đầu năm 2018 của BSR là 78,8 USD/thùng, tăng 42,8% so với mức 55,3 USD/thùng cùng kỳ năm ngoái, khiến giá xăng dầu sản phẩm tăng theo. Ngoài ra, sau đợt đại tu thứ ba trong tháng 6 và 7/2017, sản lượng 9 tháng đầu năm 2018 của BSR tăng 18,6% so với cùng kỳ.
Nhờ đó, doanh thu 9 tháng tăng 51,8%, nhưng không bù đắp được biên sản phẩm giảm (chênh lệch giữa giá bán sản phẩm và giá dầu thô).
Mặc dù vậy, BSR đã hoàn thành vượt 32,6% kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm. Theo kế hoạch năm 2018 của BSR đã được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phê duyệt, mục tiêu lợi nhuận trước thuế là 3.663 tỷ đồng.
Công ty Chứng khoán Bản Việt đánh giá, BSR có áp lực từ Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn khi phía Nghi Sơn đã hoàn tất thử nghiệm sản phẩm vào cuối quý II/2018 và bán giá thấp phần lớn sản lượng, khiến biên lợi nhuận của BSR trong tháng 7/2018 rất thấp do tình trạng cung vượt cầu trên thị trường. Tuy nhiên, Nghi Sơn sau đó đã điều chỉnh giá bán cũng như sản lượng bán ra, giúp giá thị trường phục hồi và cung cầu cân bằng trở lại.
POW: Kỳ vọng từ hai dự án nhiệt điện khí
Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (POW) chính thức chuyển từ doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần vào ngày 1/7/2018. Trong quý III/2018, quý đầu tiên hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, Tổng công ty đạt doanh thu hơn 6.961 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 184,2 tỷ đồng, tương đương biên lợi nhuận sau thuế giảm 4 lần so với giai đoạn 6 tháng đầu năm.
Đáng chú ý, chi phí tài chính quý III của POW chiếm 795,5 tỷ đồng, cao 6 tháng đầu năm (749 tỷ đồng). Trong đó, chi phí lãi vay là 299 tỷ đồng và lỗ chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện 395,4 tỷ đồng.
Trong khi đó, kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2018 của POW tính từ 1/7 đến 31/12 là 14.037 tỷ đồng doanh thu và 858 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Tuy POW còn cách xa mục tiêu kinh doanh năm 2018 và phải đối mặt với lỗ tỷ giá cũng như chi phí quản lý tăng, song Công ty Chứng khoán MB có đánh giá tích cực đối với Dự án nhiệt điện khí Nhơn Trạch 3 (NT3) và Nhơn Trạch 4 (NT4).
Đây là những dự án được ưu tiên triển khai dựa trên nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao và sự giới hạn về trữ lượng khí hiện hữu, trong khi tiến độ phát triển các mỏ khí mới khá chậm.
Trong quý III/2018, POW đã làm việc với các định chế tài chính như EVN Finance, Eximbank, BNP Paribas, Nataxis, Citibank, Standard Chartered, Marubeni, Lotte E&C về việc thu xếp vốn cho hai dự án trên.
POW có kế hoạch sẽ chuyển cổ phiếu lên niêm yết trên HOSE. Thương vụ được tư vấn bởi Công ty Chứng khoán Bản Việt.