Tiềm năng của chứng khoán Việt là rất lớn

(ĐTCK) Đó là nhận định của ông Thomas Hugger, CEO Asia Frontier Capital (AFC) khi trao đổi với ĐTCK. Sắp tới, ông sẽ đến Việt Nam chia sẻ về chiến lược đầu tư vào các thị trường cận biên tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2014 (VIF 2014).
Ông Thomas Hugger

Ông Thomas Hugger

Theo ông, trong số các thị trường cận biên hiện nay, thị trường nào có cơ hội đầu tư sáng giá nhất?

Hiện tại, chúng tôi thấy Việt Nam, Bangladesh, Sri Lanka, Pakistan và Mongolia đang có cơ hội đầu tư tốt nhất và những thị trường này chiếm phần lớn danh mục đầu tư của chúng tôi. Nhiều thị trường cận biên khác ở châu Á cũng có tiềm năng lớn, nhưng lại có rất ít cổ phiếu đại chúng để đầu tư. Chúng tôi không chỉ nhìn vào tiềm năng của các thị trường, mà còn nhìn vào tính hấp dẫn của giá cổ phiếu và điều kiện kinh tế vĩ mô tổng thể khi quyết định chọn thị trường để đầu tư.

Ông có thể nói rõ hơn về tiềm năng và cơ hội đầu tư vào TTCK Việt Nam?

Cũng như hầu hết các nước khác trên thế giới, Việt Nam đã phải đối mặt với một số khó khăn trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhưng đến nay, nhiều trong số những khó khăn đó không còn nữa. Về mặt vĩ mô, các yếu tố cơ bản đang rất tốt. Quy mô nền kinh tế hiện mới chỉ bằng một nửa Thái Lan, nhưng với quyết tâm mạnh mẽ trong việc cải cách khu vực nhà nước và phát triển doanh nghiệp tư nhân, chúng tôi kỳ vọng Việt Nam sẽ sớm đạt đến quy mô hiện tại của Thái Lan.

Chỉ số VN-Index vẫn chưa đến một nửa so với mức đỉnh vào tháng 3/2007. Nhiều công ty trong lĩnh vực phi tài chính tăng trưởng mạnh mẽ, trong khi cổ phiếu của những công ty này đang được giao dịch với giá thấp hơn nhiều so với các công ty tại các thị trường cận biên và mới nổi khác ở châu Á, cũng như trên toàn cầu.

Ở Việt Nam, nhiều lĩnh vực đang có tiềm năng lớn để đầu tư, trong đó một số lĩnh vực có sự nổi trội. Việt Nam có đội ngũ lao động dồi dào, được đào tạo bài bản. Đầu tư nước ngoài gia tăng sẽ tạo thêm nhiều cơ hội việc làm, điều này sẽ dẫn đến tiền trong túi họ sẽ tăng lên mỗi cuối tháng. Vì lý do đó, chúng tôi thích các lĩnh vực như hàng tiêu dùng, nông nghiệp, công nghiệp…

Sự quan tâm của các nhà đầu tư cũng như các cá nhân trên thế giới đối với Việt Nam ngày càng gia tăng, do đó, chúng tôi muốn sở hữu những thứ mà người khác sẽ muốn mua như cổ phiếu của các công ty chứng khoán và du lịch. Giá cổ phiếu và các yếu tố cơ bản trong những lĩnh vực này hiện rất hấp dẫn.

Ông có thể chia sẻ một số cổ phiếu mà các quỹ của ông đang nắm giữ?

Vinasun (VNS) là hãng taxi lớn nhất Việt Nam. Vinasun sẽ được hưởng lợi từ quá trình đô thị hoá đang diễn ra tại Việt Nam. Vinasun chiếm 42% thị phần tại TP. HCM và có lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) là 21%. Dù tiềm năng tăng trưởng cao, nhưng cổ phiếu VNS đang được giao dịch ở mức P/E 8,4 lần, thấp hơn nhiều so với các công ty cùng ngành trong khu vực như Express Transindo của Indonesia, với P/E gần 22 lần.

AFC hiện đang quản lý bao nhiêu quỹ, quy mô các quỹ này thế nào?

AFC tách khỏi Leopard Capital vào tháng 6/2013. Lúc đó, chúng tôi có một quỹ là AFC Asia Frontier Fund, với quy mô hơn 2 triệu USD, nhưng đến nay con số này đã tăng lên 8,3 triệu USD. Chúng tôi cũng đã thành lập một quỹ khác là AFC Vietnam Fund từ tháng 12/2013, quy mô tài sản đang quản lý là 6,5 triệu USD.

AFC Vietnam Fund chỉ đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam, đặc biệt là các công ty vừa và nhỏ. Chúng tôi đã lọc ra hơn 100 cổ phiếu niêm yết tại Việt Nam có P/E từ 6 - 7 lần và đang giao dịch quanh giá trị sổ sách. Nhiều công ty trong số này có tỷ lệ cổ tức hơn 9% và một số có tiền mặt ròng lớn gần bằng giá trị vốn hoá thị trường của công ty.

Còn AFC Asia Frontier Fund đầu tư vào 13 thị trường cận biên, trong đó có cả Việt Nam. Nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi, đó cũng là lý do giải thích vì sao phần vốn phân bổ của quỹ này cho Việt Nam là lớn nhất so với các thị trường khác.

Hiệu quả đầu tư của các quỹ này đến nay ra sao?

AFC Asia Frontier Fund và AFC Vietnam Fund đang hoạt động rất tốt, với suất sinh lợi tính đến 30/4/2014 lần lượt là 13,8% và 10,7%.

AFC là đơn vị đồng tổ chức VIF 2014 cùng với Báo Đầu tư và CTCK HVS Việt Nam. Về phía AFC, ông kỳ vọng gì từ diễn đàn này?

Chúng tôi nhận thấy, tiềm năng đầu tư dài hạn vào chứng khoán Việt Nam là cực kỳ tốt.

Trong quá trình phát triển, tất cả các thị trường đều phải đối mặt với những trở ngại xuất phát từ các vấn đề kinh tế trong nước và quốc tế, cũng như từ môi trường đầu tư trong nước và quốc tế. Một cuộc đối thoại cởi mở giữa nhà đầu tư, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước sẽ mở ra triển vọng tăng trưởng ổn định hơn trong tương lai. Diễn đàn này là một sự kiện tiêu biểu để tăng cường đối thoại giữa các bên.

AFC muốn mọi người cùng nhìn thấy những cơ hội tiềm ẩn mà chúng tôi thấy tại Việt Nam và cũng muốn nêu ra quan ngại về những vấn đề có thể làm giảm suất sinh lợi đối với các nhà đầu tư, hoặc làm chậm đi quá trình phát triển của Việt Nam.

Ông đánh giá tiềm năng và cơ hội đầu tư vào một số thị trường cận biên và mới nổi khác như thế nào?

Tại mỗi thị trường mà chúng tôi đầu tư đều có những có hội và tiềm năng riêng, nếu đầu tư vào nhiều thị trường cùng lúc có thể mang lại những khoản lợi nhuận tốt trong các năm tới. Ví dụ, Mongolia có tiềm năng về khoáng sản, Sri Lanka có tiềm năng về du lịch…

Các thị trường cận biên và mới nổi thường được cho là rủi ro cao, liệu phần thưởng nhận được có tương xứng với nguy cơ rủi ro phải gánh chịu?

Rủi ro ở từng thị trường là rất khác nhau. Một số người cho rằng, các quỹ của chúng tôi có rủi ro cao khi đầu tư vào Việt Nam, Pakistan và Iraq, cùng nhiều thị trường cận biên khu vực châu Á khác. Khi thấy bất ổn chỗ này chỗ kia, họ nghĩ ngay rằng, cả nhóm các thị trường này đang bị rủi ro. Với định kiến như thế, họ không thể hiểu được rủi ro của thị trường này chẳng liên quan gì đến thị trường khác. Một vụ tấn công của phe nổi dậy ở Pakistan chẳng liên quan gì đến Việt Nam và những căng thẳng ở Biển Đông hiện tại chẳng ăn nhập gì với những chính sách dẫn đến các cuộc bầu cử gần đây ở Iraq.

Hơn nữa, dù ngày hôm nay có xảy ra điều gì đi nữa thì ngày mai Pakistan vẫn là nước có 190 triệu dân và Việt Nam có dân số ở độ tuổi trung bình 29 và được đào tạo bài bản sẽ đóng góp tích cực vào nguồn lực lao động của đất nước.

Những yếu tố thúc đẩy các thị trường này tăng trưởng về dài hạn mà chúng tôi nhìn thấy từ sự khác biệt giữa các thị trường lại là những gì các nhà đầu tư khác sợ hoặc không nhận ra. Đó là điều tuyệt vời khiến chúng tôi trở thành những nhà đầu tư như ngày hôm nay, vì chúng tôi có thể xây dựng được vị thế ở những mức giá hấp dẫn, trong khi những người khác cứ đứng bên lề.

VIF 2014 với chủ đề “Sự trỗi dậy của các thị trường mới nổi và cơ hội nào cho Việt Nam?” do Báo Đầu tư, HVS Việt Nam và AFC tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 19/6/2014 tại Trung tâm Hội nghị White Palace, TP. HCM.

Diễn giả tại VIF 2014 gồm có: nhà đầu tư huyền thoại Marc Faber; ông Thomas Hugger, CEO Asia Frontier Capital; ông Don Lam, CEO VinaCapital…

Diễn đàn dự kiến thu hút 500 - 700 khách tham dự là các nhà quản lý quỹ, lãnh đạo các doanh nghiệp Việt Nam, đại diện các ngân hàng, công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm, các định chế tài chính trong và ngoài nước và một số cá nhân đầu tư lớn.

 
Tin bài liên quan