Trong phiên xử mới đây, cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm buộc một ngân hàng phải trả lại giấy tờ xe ô tô cho Doanh nghiệp Xây dựng và thương mại Bảo Sơn (Doanh nghiệp Bảo Sơn). Bất phục với bản án này, Ngân hàng đã có đơn kháng cáo lên Tòa án nhân dân TP.Hà Nội.
Vụ án xảy ra cách đây 3 năm, nhưng đến nay, Ngân hàng vẫn đang nhọc nhằn xử lý hậu quả, với hy vọng lấy lại tài sản để thu hồi vốn.
Theo nội dung vụ việc, năm 2009, Ngân hàng có quan hệ tín dụng với Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu ô tô Tây Hà Nội (Công ty Tây Hà Nội) do Trần Văn Lợi làm Giám đốc. Nhưng trên thực tế, mọi hoạt động điều hành đều do Trần Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Dương (Công ty An Dương) chỉ đạo.
Khi mới thành lập, các doanh nghiệp của Tuấn có hoạt động mua bán ô tô. Sau đó, do khó khăn, không có tiền trả nợ, Tuấn thực hiện các hành vi thế chấp, bán xe lòng vòng để chiếm đoạt tiền của ngân hàng và đối tác. Hiện Trần Anh Tuấn và Trần Văn Lợi đang chấp hành hình phạt tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trong vụ án hình sự nêu trên, Ngân hàng cũng là một trong các bị hại. Cụ thể, ngày 3/7/2009, Công ty An Dương ký hợp đồng bán xe ô tô Huyndai HD120 cho Doanh nghiệp Bảo Sơn. Hợp đồng này đã được thanh lý. Tiền và xe được hai bên bàn giao xong. Tuy nhiên, trong quá trình lưu hành sử dụng xe, Doanh nghiệp Bảo Sơn làm hỏng phanh nên yêu cầu Công ty An Dương đổi xe khác. Tháng 10/2010, Công ty An Dương đồng ý đổi và giao xe ô tô mới, cùng nhãn hiệu, khác biển số xe, nhưng không giao giấy tờ xe. Hai bên chưa thực hiện sang tên đổi chủ, giấy tờ xe vẫn do Trần Anh Tuấn cầm giữ.
Do có ý định từ trước, Trần Anh Tuấn đem giấy tờ chiếc xe trên để thế chấp vào Ngân hàng nhằm đảm bảo cho khoản vay 450 triệu đồng của Công ty Tây Hà Nội. Khi dẫn cán bộ ngân hàng xuống bãi gửi xe thẩm định, Tuấn không nói đã bán chiếc xe này cho Doanh nghiệp Bảo Sơn, đồng thời khẳng định, đó là xe của Công ty Tây Hà Nội. Về khoản vay này, Công ty Tây Hà Nội mới trả được một phần và còn nợ 296 triệu đồng.
Vì ngân hàng chỉ nắm giữ giấy tờ xe, còn xe ô tô do Doanh nghiệp Bảo Sơn quản lý, do đó các bên khởi kiện ra tòa án. Bản án sơ thẩm tuyên buộc Công ty Tây Hà Nội phải trả nợ gốc và lãi số tiền là 732 triệu đồng; tuyên hợp đồng thế chấp tài sản vô hiệu, ngân hàng có nghĩa vụ trả lại giấy tờ xe cho Doanh nghiệp Bảo Sơn. Ngân hàng đã không đồng tình với phán quyết trên vì cho rằng, chiếc xe ô tô thuộc sở hữu của Công ty Tây Hà Nội.
Cấp phúc thẩm nhận định, Doanh nghiệp Bảo Sơn và Ngân hàng không xác lập giao dịch dân sự. Việc tòa sơ thẩm tuyên Ngân hàng trả giấy tờ cho Doanh nghiệp Bảo Sơn là không đúng. Để xử lý hậu quả hợp đồng vô hiệu, Ngân hàng đã phải trả giấy tờ xe cho Công ty Tây Hà Nội. Do phải đánh giá, làm rõ tính hợp pháp của hợp đồng thế chấp, hợp đồng kinh tế giữa các bên và vấn đề lãi suất, nên Tòa án nhân dân TP.Hà Nội quyết định hủy bản án sơ thẩm, giao cấp sơ thẩm xét xử lại từ đầu.
Trong vụ án, Trần Anh Tuấn còn thực hiện nhiều hành vi trái pháp luật đối với các đơn vị khác. Thậm chí, đối tượng này còn chuyển nhượng xe ô tô cho người khác, nhưng vẫn chỉ đạo nhân viên làm thủ tục báo mất giấy tờ xe để được cấp lại hồ sơ rồi đem rao bán, hoặc thế chấp cho ngân hàng.
Bởi tính chất của động sản là bên vay được quản lý, khai thác, sử dụng tài sản, nên việc chuyển nhượng tài sản sau khi thế chấp diễn ra khá phổ biến. Đó cũng là “mảnh đất màu mỡ” cho tội phạm hoạt động. Trường hợp kể trên chỉ là một ví dụ. Ngoài ra, một trong những trường hợp thường thấy là việc doanh nghiệp thế chấp kho hàng cho nhiều nơi, khiến các ngân hàng lâm vào cảnh phải tranh giành tài sản đảm bảo.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty luật Thiên Thanh cho rằng, ngân hàng cần có một cơ chế thực thi giám sát, thẩm định, dự báo rõ ràng và cụ thể hơn nữa để giảm thiểu rủi ro, bảo đảm tài sản luôn ở tình trạng tốt nhất. Việc đặt ra các hàng rào kỹ thuật liên quan đến chi phí là rất quan trọng bên cạnh sự tận tâm của cán bộ ngân hàng, nhất là với quy trình kiểm soát tài sản bảo đảm sau cho vay.