Tiếc của… không phải của mình!

Ngày 25/12/2008, phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) diễn ra tại Sở GDCK TP. HCM (HOSE) đã thành công tốt đẹp.

Có 53,6 triệu cổ phần của Vietinbank được đưa ra đấu giá với giá khởi điểm là 20.000 đồng/CP. Tổng cộng có 12.982 nhà đầu tư (gồm 108 tổ chức và 12.874  cá nhân) tham gia đấu giá là với số lượng đăng ký mua là 55.900.200 cổ phần (bằng 104,29% số lượng chào bán).

Kết thúc phiên đấu giá, tất cả 53,6 triệu cổ phần đấu giá được bán hết, trong đó số lượng cổ phần trúng giá của nhà đầu tư nước ngoài là 874.397 cổ phần; tổng giá trị cổ phần bán được là hơn 1.086,18 tỷ đồng; giá đấu thành công bình quân là 20.265 đồng/CP và có 12.946 nhà đầu tư trúng giá; giá đặt mua cao nhất là 45.000 đồng/CP; giá đặt mua thấp nhất bằng giá khởi điểm là 20.000 đồng/CP; khối lượng đặt mua cao nhất là 5 triệu cổ phần (ở mức giá 20.500 đồng/CP) và thấp nhất là 100 cổ phần.

Giá đấu thành công cao nhất là 45.000 đồng/CP; giá đấu thành công thấp nhất là 20.000 đồng/CP. Như vậy, tất cả những phiếu đặt mua hợp lệ đều trúng giá, gồm 107 tổ chức và 12.839 cá nhân.

Trước khi cuộc đấu giá này diễn ra, nhiều tổ chức và CTCK đã có bản phân tích đánh giá về cuộc IPO này. Đa số đều nhận định, mức giá khởi điểm 20.000 đồng/CP là không hấp dẫn tại thời điểm này khi mà giá trị thực cổ phần của Vietinbank chỉ khoảng 16.000 đồng/CP. Kết quả đăng ký đấu giá được công bố cũng không gây bất ngờ, khi số lượng đăng ký mua chỉ vượt 2,3 triệu cổ phiếu (tương đương 4,29%). Có thể thấy, khả năng đấu giá trúng thành công của nhà đầu tư là rất lớn, đến 99,9%, ngay cả khi đặt mua ở mức giá 20.000 đồng/CP. Một bài toán tưởng chừng như rất nhiều người biết, nhưng hình như vẫn có "gã khờ". Khi theo dõi kết quả đấu giá trực tuyến tại website của HOSE, tôi không khỏi bất ngờ khi có những mức giá cao ngất ngưởng được đặt mua, trong đó có những lệnh mua với khối lượng lớn. Có những lệnh lên đến 45.000 đồng/CP, gấp 2,25 lần so với giá khởi điểm. Chính những lệnh này có tác động không nhỏ đến giá đấu bình quân cổ phần của Vietinbank. Chuyện gì đang xảy ra?

Theo thống kê của HOSE, khối lượng lệnh đặt mua cao nhất là 5 triệu cổ phần, ở mức giá 20.500 đồng/CP. Với khối lượng lớn như vậy, chắc hẳn đây phải là lệnh của tổ chức. Thông thường, một tổ chức sẽ có đội ngũ phân tích đánh giá tình hình và chắc chắn biết đến bài toán kể trên, nhất là khi các lệnh lớn sẽ có lợi thế trong việc trúng đấu giá khi có sự ngang bằng về mức giá đấu.

Thử làm một phép tính đơn giản, nếu đặt mua ở mức giá 20.100 đồng/CP, khả năng trúng giá rất cao. Như vậy, tổ chức trên sẽ bị thiệt 400 đồng/CP, nhân với 5 triệu cổ phần là 2 tỷ đồng. Lấy tổng giá trị cổ phần bán được trừ đi giá trị cổ phần tại mức giá khởi điểm, con số chênh lệch là 14,180 tỷ đồng. Một con số không nhỏ, nhất là trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Không rõ những người đứng đầu tổ chức đầu tư chứng khoán kia có tiếc không? Chứ một nhà đầu tư cá nhân như tôi, mặc dù không tham gia đấu giá cũng cảm thấy tiếc thay, mặc dù không phải tiền của mình. Xót của…