Trong quý II niên độ tài chính 2023 – 2024 (từ ngày 1/1/2024 đến ngày 31/3/2024), Hoa Sen ghi nhận doanh thu đạt 9.248,2 tỷ đồng, tăng 32,5% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế ghi nhận 318,9 tỷ đồng, tăng 27,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm nhẹ từ 12,9%, về 12,1%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 23,6% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 213,24 tỷ đồng, lên 1.116,96 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 89,6%, tương ứng tăng thêm 65,5 tỷ đồng, lên 138,6 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 43%, tương ứng giảm 32,1 tỷ đồng, về 42,6 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 43,7%, tương ứng tăng thêm 277,6 tỷ đồng, lên 913,2 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Như vậy, lãi quý II tăng trưởng nhờ lợi nhuận gộp tăng cao, doanh thu tài chính tăng và tiết giảm chi phí tài chính mặc dù chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng trở lại.
Luỹ kế trong 6 tháng đầu năm niên độ tài chính 2023 – 2024, Hoa Sen ghi nhận doanh thu đạt 18.321,4 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế ghi nhận lãi 422,2 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 424,2 tỷ đồng, tăng thêm 846,4 tỷ đồng.
Được biết, trong niên độ tài chính 2023-2024 (từ ngày 1/10/2023 đến ngày 30/9/2024), Tập đoàn Hoa Sen đặt kế hoạch kinh doanh với hai kịch bản. Trong đó, kịch bản 1 với sản lượng tiêu thụ 1.625 nghìn tấn, tăng 13,3% so với cùng kỳ, doanh thu dự kiến 34.000 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 400 tỷ đồng, tăng 12,33 lần so với thực hiện trong niên độ 2022-2023.
Kịch bản 2, tổng sản lượng tiêu thụ ước tính 1.730 nghìn tấn, tăng 20,7% so với cùng kỳ, doanh thu ước tính 36.000 tỷ đồng, tăng 13,7% so với cùng kỳ, và lợi nhuận sau thuế dự kiến 500 tỷ đồng, tăng 15,67 lần so với thực hiện trong niên độ 2022-2023.
Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm niên độ tài chính 2023 – 2024, Hoa Sen đã hoàn thành 105,6% so với kế hoạch lãi 400 tỷ đồng và hoàn thành 84,4% so với kế hoạch lãi 500 tỷ đồng.
Trái với lợi nhuận tăng trở lại, trong 6 tháng đầu năm niên độ 2023 – 2024, Hoa Sen bất ngờ ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm 3.412,4 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 784,7 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư ghi nhận âm 43,6 tỷ đồng và dòng tiền tài chính ghi nhận dương 3.227,8 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh.
Được biết, từ năm 2016 tới nay, chưa năm nào Hoa Sen ghi nhận dòng tiền kinh doanh âm kỷ lục 3.412,4 tỷ đồng như trong 6 tháng đầu năm niên độ 2023 – 2024. Trong đó, năm dòng tiền âm lớn nhất là năm 2017 với giá trị âm 2.173,4 tỷ đồng và Công ty đã trải qua giai đoạn 2018-2023 với dòng tiền kinh doanh dương liên tục.
Tính tới 31/3/2024, tổng tài sản của Hoa Sen tăng 26,6% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 4.611 tỷ đồng, lên 21.976,3 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tồn kho ghi nhận 11.918,6 tỷ đồng, chiếm 54,2% tổng tài sản; tài sản cố định ghi nhận 4.515,6 tỷ đồng, chiếm 20,5% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 2.673,2 tỷ đồng, chiếm 12,2% tổng tài sản…
Trong kỳ, tài sản tăng mạnh chủ yếu do tồn kho tăng 56,2% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 4.290 tỷ đồng, lên 11.918,6 tỷ đồng và đây cũng là nguyên nhân dòng tiền kinh doanh thâm hụt kỷ lục.
Hoa Sen tăng trích lập dự phòng giảm giá tồn kho |
Thực tế, việc tăng tích trữ tồn kho đồng nghĩa trong kỳ Hoa Sen đã tăng trích lập dự phòng giảm giá tồn kho thêm 107,4 tỷ đồng, lên 224,8 tỷ đồng.
Về phần nguồn vốn, trong kỳ, tổng nợ vay tăng 109,9% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 3.227,9 tỷ đồng, lên 6.164,2 tỷ đồng và bằng 55,2% vốn chủ sở hữu (đầu năm chỉ bằng 27,2% vốn chủ sở hữu).
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 26/4, cổ phiếu HSG giảm 200 đồng, về 19.400 đồng/cổ phiếu.