Tích sản hay trading - Săn voi thì không nên quan tâm đến dấu chân thỏ

Tích sản hay trading - Săn voi thì không nên quan tâm đến dấu chân thỏ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) “Đi săn voi không cần quá quan tâm đến dấu chân của con thỏ”, tương đương với việc chính của mình là đầu tư dài hạn mà lại sa đà vào lướt sóng ngắn hạn, điều này không phải là một trạng thái tích cực, ông Phạm Lưu Hưng, kinh tế trưởng SSI chia sẻ.

Quan điểm trên được ông Phạm Lưu Hưng Kinh tế trưởng, Trưởng ban Đào tạo và Phát triển CTCP Chứng khoán SSI chia sẻ tại chương trình Bí mật đồng tiền số 52 “Đầu tư giữa tích sản và trading”.

Ông Hưng cũng có những bổ sung thêm về đầu tư tích sản rằng, đối với đầu tư tích sản không nên chỉ nhằm vào một cổ phiếu, nên đa dạng hóa danh mục. Ngoài ra, không nên trộn lẫn việc đầu tư dài hạn và ngắn hạn, trong quản lý quỹ sẽ có 1 khái niệm mô tả về hệ luỵ của điều này - gọi là sự lẫn lộn giữa các phương pháp đầu tư khác nhau

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hoàng Dương, CEO GM cho rằng, kể cả ngay khi trading cũng cần phải có nguyên tắc của mình, luôn luôn đo lường giữa rủi ro - lợi nhuận, và cần kết hợp với phân tích cơ bản. Ở bối cảnh nào thì cũng có thể kết hợp cả hai, nhưng vấn đề cần chú ý là quản trị rủi ro, trong quản trị rủi ro thì yếu tố đầu tiên cần cân nhắc đó phân bổ danh mục đầu tư giữa phương pháp đầu tư tích sản và trading.

Ông Dương cũng chia sẻ thêm về cổ phiếu tích sản yêu thích của mình là HPG. Dưới góc nhìn của mình, ông Dương cho là ở thời điểm hiện tại, mã này chưa hẳn hồi phục, tuy nhiên nhìn vào giá, có thể thấy rằng đã phản ánh khá rõ sự tiêu cực thất vọng của nhà đầu tư, nên có thể vẫn sẽ giảm nữa, nhưng giảm thì mua thêm và kiên nhẫn trong 2-3 năm. Tuy vậy, tỷ trọng giữa đầu tư tích sản và trading vẫn luôn cần giữ ở mức 50/50.

Quan điểm trading đối với các mã bất động sản, ông Dương cho rằng, kể cả ngay khi trading, chúng ta cũng cần phải có nguyên tắc của mình, luôn luôn đo lường giữa rủi ro và lợi nhuận - rủi ro lớn không nên đụng vào. Những rủi ro của các cổ phiếu bất động sản chủ yếu đến từ nội tại doanh nghiệp như: các câu chuyện về trái phiếu, về nợ… Vậy rõ ràng, các doanh nghiệp trên đang có rủi ro lớn.

Thường với phương pháp trading sẽ nhìn vào phân tích kỹ thuật, nhưng vậy thì chưa đủ, cần phải kết hợp phân tích cơ bản - để xác định được liệu doanh nghiệp đó có ổn hay không? Có cổ phiếu, đã từng có những phiên hồi lên nhờ dòng tiền giải cứu vào nhiều, nhưng cuối cùng thì vẫn nằm sàn trở lại. Bởi đối với dòng tiền giải cứu đó, thì một phần trong đó cũng sẽ đến lúc phải “xả” thoát hàng.

Ngoài ra, giai đoạn bắt đầu đầu tư, các nhà đầu tư sẽ thích cảm giác trading, và sẽ xuất hiện tình trạng “trading nhiều” - với suy nghĩ cứ T+3 “sút” lại có ngay 10%. Nhưng sau đó dần phải hiểu rằng, với mức lợi nhuận trên là cao, nên trading nhiều có thể khiến chúng ta hiểu sai mục đích đầu tư và dễ rơi vào các bẫy bull trap, lỗ chồng lỗ.

Ông Hưng chia sẻ thêm, giao dịch quá nhiều thì biên lợi nhuận sẽ không tốt. Đối với các quỹ thì câu chuyện vẫn là như thế, quỹ cũng có chỉ số về turn over – khi mà quay vòng danh mục của mình với hiệu suất quá lớn thì sẽ không tốt cho danh mục. Khi chúng ta không biết rõ mình đang làm gì thì việc giao dịch nhiều sẽ không tốt, ví dụ như chúng ta cứ loanh quanh tìm thỏ trong khi chúng ta phải cần tìm voi - dấu chân nào cũng lao vào thì sẽ hơi khó cho việc đầu tư .

Cổ phiếu có “game” - rủi ro cao

Trong chương trình, ông Hưng cũng bày tỏ thêm quan điểm về hiện tượng thâu tóm và đổi chủ ngay trên sàn qua khớp lệnh, đã diễn ra trong thời gian vừa qua. Ông Hưng cho biết, khi tư vấn cổ phiếu, mọi người hay dùng cụm từ cổ phiếu có “game”, trong khoảng 2020 - 2021 thị trường sẽ nghe từ này với tần suất nhiều, chuyện này không chỉ xuất hiện ở Việt Nam mà ngay cả ở Mỹ cũng xảy ra. Theo đó, tâm lý khi chơi game sẽ là: “kiểu gì chúng ta cũng thắng và kiểu gì chẳng có “cheat code”, sẽ có những cách để kiểm soát và thắng được game”.

Tuy vậy, đằng sau những câu chuyện về game của các doanh nghiệp, ông Hưng cho rằng sẽ có thuyết âm mưu cao và rủi ro lớn. Ông Hưng đưa ra hướng phân tích trước những thông tin về “game” xuất hiện, đó là đặt ra các câu hỏi - Nếu trên đời có game đó thật, thì tại sao nó lại được nói một cách công khai trên phương tiện đại chúng?

Ông Hưng kết luận, không nên cố suy diễn và cố gán cho doanh nghiệp sẽ có một game gì đó, có lúc những người nói về game đó cũng không hiểu câu chuyện doanh nghiệp, nếu quyết định đầu tư theo hướng đó thì rủi ro sẽ rất lớn.

Về cơ bản khi đầu tư, thông tin rất là quan trọng, bởi thị trường chứng khoán rất nhạy cảm với thông tin, nhưng quan trọng hơn hết là cách chắt lọc và xử lý thông tin. Đối với câu chuyện về game cũng vậy, chúng ta phải có sự nhìn nhận phân tích. Rất nhiều nhà đầu tư theo game, theo tin và ra quyết định đầu tư nhanh chóng - đấy là một phương pháp sai - ông Dương cũng đồng tình với quan điểm trên.

Cả hai chuyên gia cũng chia sẻ thêm về cách lấy thông tin từ đám đông sao cho hiệu quả. Ông Dương nằm vùng trong rất nhiều hội nhóm trên mạng xã hội, sau đó quan sát, ví dụ như khi thấy đồng loạt nhiều nhóm chia sẻ những trạng thái tâm lý tiêu cực, có dấu hiệu rời bỏ thị trường, đồng nghĩa với câu chuyện chuẩn bị hết lực bán, thì đó có thể là cơ hội để mua vào. “Đi ngược với đám đông có thể xem là một chỉ báo ngược rất hay”, theo ông Dương.

Ông Hưng cũng đồng tình và cho rằng, đối với các thông tin trên mạng xã hội và từ các đội nhóm, nếu chúng ta có thể có mặt ở trong một số hội nhóm mà đủ mang tính chất đa dạng, thì chúng ta có thể biết được “sentiment” của thị trường, động thái của đám đông.

Tin bài liên quan