Khép lại phiên giao dịch tuần qua (20 - 24/11), VN-Index đóng cửa tại 1.095,61 điểm, giảm khoảng 30 điểm (2,6%) so với phiên 16/11, nhưng giảm không đáng kể so với cuối tuần trước và vẫn cao hơn 65 điểm so với cuối tháng 10.
Trước đó, VN-Index giảm từ 1.245,5 điểm ngày 6/9 xuống dưới 1.030 điểm ngày 31/10, tương đương giảm gần 18%, là một trong những chỉ số giảm mạnh nhất toàn cầu và đánh mất toàn bộ thành quả hồi phục kể từ cuối tháng 4.
Gần đây, sau phiên bùng nổ theo đà ngày 8/11, VN-Index dao động phổ biến trong vùng 1.090 - 1.125 điểm, nhưng đã có những mã cổ phiếu khỏe hơn thị trường chung xuất hiện và bước vào xu hướng tăng. Một số mã tăng 20 - 30% như NKG, SZC, DXG... Trước diễn biến này, không ít nhà đầu tư kỳ vọng, thị trường sẽ sớm khởi sắc, hình thành một nhịp tăng mới.
Lịch sử cho thấy, thị trường chứng khoán thường có diễn biến khả quan trong giai đoạn từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau. Tính riêng tháng 11, VN-Index đạt mức tăng bình quân 3,3% trong 5 năm qua và là tháng có mức tăng bình quân cao thứ hai, sau tháng 8.
Hiện có nhiều thông tin vĩ mô trong và ngoài nước ủng hộ xu hướng tích cực của thị trường. Trước hết, lạm phát lõi của Mỹ giảm mạnh hơn dự báo trong tháng 10, làm dịu nỗi lo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Bên cạnh đó, chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 không tăng so với tháng 9 và tăng 3,2% so với cùng kỳ, đều thấp hơn 0,1% so với dự báo.
Đặc biệt, chỉ số đồng USD (DXY) điều chỉnh khá mạnh, từ trên 106 trong tháng 10 hiện xuống dưới 104, giúp giải toả áp lực tỷ giá USD/VND đối với thị trường Việt Nam, vốn đè nặng lên tâm lý của nhà đầu tư và góp phần thôi thúc Ngân hàng Nhà nước có động thái hút tiền qua kênh tín phiếu từ ngày 21/9 đến 8/11 (tổng cộng có 360.345 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 28 ngày được phát hành, nhưng dư nợ tín phiếu tính đến ngày 17/11 chỉ còn 98.700 tỷ đồng do các tín phiếu dần đáo hạn, trong khi không có thêm tín phiếu mới).
Trong nước, kinh tế vĩ mô đang tốt dần: tháng 10/2023, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,5% so với tháng 9 và tăng 4,1% so với cùng kỳ, phản ánh xu hướng phục hồi rõ rệt hơn trong lĩnh vực công nghiệp; kim ngạch xuất khẩu ước tăng 5,9% so với cùng kỳ, là tháng tăng trưởng dương thứ hai liên tiếp và cao nhất kể từ tháng 10 năm ngoái (không tính tháng có Tết Nguyên đán); vốn FDI đăng ký đạt gần 5,6 tỷ USD, cao nhất kể từ tháng 1/2020…
Các yếu tố khác hỗ trợ thị trường như mặt bằng định giá đang ở vùng hấp dẫn, lãi suất tiền gửi ngân hàng giảm về mức thấp, lãi suất cho vay tiếp tục giảm, chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp được đẩy mạnh thông qua chính sách tài khóa (thuế và đầu tư công)…
Thêm vào đó, thị trường chứng khoán Mỹ bật tăng trở lại sau khi Fed quyết định không tăng lãi suất trong kỳ họp đầu tháng 11. Quyết định tạm ngừng quá trình nâng lãi suất trong kỳ họp lần thứ hai đó giúp chỉ số đồng USD hạ nhiệt, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm mạnh và nhà đầu tư tự tin bắt đáy ngắn hạn, mang lại 2 tuần tăng giá liên tiếp, tạo ra hiệu ứng tích cực trên nhiều thị trường khác.
Dù vậy, những biến động khó lường trong ngắn hạn với các rủi ro tiềm ẩn như môi trường lãi suất cao ở Mỹ, xung đột địa chính trị tại một số khu vực, sự phục hồi yếu của một số nhóm ngành trong nước, áp lực tỷ giá và dư nợ trái phiếu doanh nghiệp còn cao… có thể ảnh hưởng đến thị trường.
Tuy nhiên, nhìn lại lịch sử, dù do bất cứ yếu tố tác động nào thì những nhịp điều chỉnh với biên độ hơn 15% trên VN-Index thường xuất hiện nhịp hồi phục mạnh mẽ và luôn mang lại mức sinh lời vượt trội. Nhịp điều chỉnh trong tháng 9 và 10 khiến VN-Index mất gần 18% giá trị, đưa hệ số định giá P/E và P/B ước tính năm 2023 về gần các mức thấp nhất trong lịch sử 5 năm là 11 lần và 1,6 lần. Đây là nền tảng định giá tốt giúp thị trường tạo sức bật trong tuần đầu tháng 11, sau đó dao động tích lũy cho đến nay, kỳ vọng xu hướng sẽ dần khả quan hơn trong thời gian tới.