Ảnh Shutter

Ảnh Shutter

Tích lũy cho xu hướng mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường đang trong quá trình đánh giá và cơ cấu lại danh mục, VN-Index có thể sẽ dao động trong vùng 1.250 - 1.300 điểm, tạo nền tích lũy cho xu hướng mới.

VN-Index giằng co mạnh

Sau kỳ nghỉ lễ, VN-Index trở lại giao dịch với áp lực bán lan tỏa trên diện rộng, phản ánh tâm lý thận trọng của nhiều nhà đầu tư, khiến chỉ số có 2 phiên giảm điểm trước khi tăng trong phiên cuối tuần qua, đóng cửa tại 1.273,96 điểm, giảm 0,8% so với cuối tuần trước đó. Thị trường có thể đang trong quá trình đánh giá và cơ cấu lại danh mục, chuẩn bị cho mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2024.

Trước đó, VN-Index có nhịp tăng khá mạnh sau khi các doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh bán niên 2024, tiệm cận ngưỡng 1.300 điểm nên định giá chung của thị trường, đặc biệt với các cổ phiếu phi tài chính không còn quá hấp dẫn, dù vẫn có dư địa tăng. Do đó, thị trường chung đang đi ngang, VN-Index dao động trong khoảng 1.250 - 1.300 điểm, nhằm tìm kiếm vùng cân bằng và tích lũy cho xu hướng mới.

Dự báo, chỉ số chung sẽ xuất hiện các nhịp giằng co mạnh giữa ngưỡng hỗ trợ và kháng cự trong thời gian tới. Điều này đồng nghĩa với việc việc sử dụng đòn bẩy tài chính chưa được khuyến nghị, khi thị trường cần thời gian để xác định rõ xu hướng.

Tuy nhiên, một số nhóm ngành có tiềm năng đáng chú ý như chứng khoán, với kỳ vọng nâng hạng thị trường (SSI, HCM, VCI), hay ngân hàng (MBB, STB), hưởng lợi từ sự tăng trưởng tín dụng cũng như các chính sách pháp lý thuận lợi hơn. Nhóm bất động sản (VHM) cũng có thể tạo ra cơ hội nhờ những diễn biến tích cực trong việc cải thiện hành lang pháp lý và triển vọng phục hồi của thị trường địa ốc.

Vĩ mô chậm lại nhưng vẫn tích cực

Số liệu kinh tế vĩ mô tháng 8/2024 cho thấy, kinh tế đang dần đi vào quỹ đạo ổn định hơn. Cụ thể, CPI tháng 8 không đổi so với tháng 7 và tăng 3,45% so với cùng kỳ năm ngoái, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2024. Bình quân 8 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 4,04%, giảm nhẹ so với mức tăng 4,12% của 7 tháng đầu năm. Trong tháng 8, xuất khẩu tăng 14,5%, nhập khẩu tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước, dẫn đến thặng dư 4,5 tỷ USD, lũy kế 8 tháng đạt 19,1 tỷ USD…

Tuy nhiên, tốc độ phục hồi của nền kinh tế đang có dấu hiệu chững lại khi tăng trưởng tổng mức bán lẻ tháng 8/2024 là 7,9%, thấp nhất trong 10 tháng qua, do bán lẻ hàng hóa và dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng chậm lại (lần lượt tăng 7,5% và 9,7%). Ngoài ra, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8 tăng 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức tăng của 2 tháng liền trước (11 - 12%). Ngành thực phẩm, dệt may và hóa chất duy trì tăng trưởng, nhưng điện tử, phương tiện vận tải, gỗ giảm tốc.

Bức tranh kinh tế tháng 8/2024 cho thấy dấu hiệu tiếp tục phục hồi, nhưng vẫn còn không ít thách thức. Lạm phát hạ nhiệt thể hiện sự ổn định trong chính sách điều hành giá cả, nhưng tiêu dùng nội địa và đầu tư (FDI và đầu tư công) đang chững lại, có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng trong ngắn hạn. Vốn FDI đăng ký giảm có thể là dấu hiệu của sự thận trọng từ các nhà đầu tư nước ngoài, khi các yếu tố vĩ mô thế giới đang chờ đợi tín hiệu chính sách từ các nền kinh tế lớn. Đầu tư công tuy chậm nhưng tốc độ giải ngân có nhỉnh hơn so với cùng kỳ và kỳ vọng có thể tăng tốc khi càng đến gần thời điểm cuối năm.

Nhìn chung, xuất khẩu vẫn là động lực chính cho tăng trưởng, mặc dù có sự giảm tốc trong một số nhóm hàng. Đóng góp chính vào hoạt động xuất khẩu là khu vực FDI. Trong khi đó, nhập khẩu chậm lại có thể đến từ việc các doanh nghiệp đã tích trữ được lượng nguyên vật liệu đáng kể để phục vụ cho kỳ sản xuất cuối năm.

Chiến lược đầu tư theo tình hình vĩ mô hiện tại có thể thiên về lựa chọn nhóm ngành và doanh nghiệp, tập trung vào các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, logistics được hưởng lợi từ tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ.

Tin bài liên quan