Những yếu tố đáng lưu ý
Nhìn lại tháng 5/2024, thị trường chứng khoán hồi phục hơn 100 điểm, đưa VN-Index trở lại vùng đỉnh trung hạn được thiết lập cuối tháng 3/2024. Trong đó, những phiên giao dịch cuối tháng 5, chỉ số tăng giảm đan xen với sự phân hóa giữa các nhóm ngành, nhưng thanh khoản được cải thiện cho thấy nhiều nhà đầu tư kỳ vọng thị trường tiếp tục có diễn biến khả quan.
Tuy nhiên, theo phân tích của bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB, lãi suất dần tăng trở lại sẽ khiến nhà đầu tư thận trọng hơn. Trong tháng 5 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng khoảng 181.700 tỷ đồng qua kênh thị trường mở (OMO) với lãi suất lên đến 4,25 - 4,5%/năm. Lãi suất liên ngân hàng tiệm cận mức 5%/năm. Lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại cũng bắt đầu tăng.
Bên cạnh đó, lạm phát trong tháng 5 tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 0,05% so với tháng 4. Bình quân 5 tháng đầu năm nay, lạm phát tăng 4,03%, lạm phát cơ bản tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng của lạm phát đang tiệm cận với mục tiêu kiểm soát năm 2024 được Quốc hội đưa ra ở mức 4 - 4,5%, có thể khiến Ngân hàng Nhà nước mạnh tay hơn trong việc điều hành chính sách tiền tệ để kiểm soát giá cả và lạm phát.
Ngoài ra, sức ép tỷ giá chưa kết thúc, dù Ngân hàng Nhà nước đã triển khai các giải pháp để hỗ trợ thị trường ngoại hối như bán ngoại tệ, thu hẹp chênh lệch lãi suất giữa tiền đồng và USD trên thị trường liên ngân hàng.
Yếu tố được kỳ vọng là cuộc cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về lãi suất ngày 13/6 tới. Hiện tại, các dự báo đều cho rằng, đợt giảm lãi suất đầu tiên sẽ bắt đầu từ tháng 9/2024. Dù vậy, các nhà đầu tư chờ đợi một yếu tố bất ngờ có lợi cho thị trường, đến từ tuyên bố sau cuộc họp của Chủ tịch Fed về xu hướng lãi suất của Mỹ trong thời gian tới.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán tháng 6 dự kiến ít có yếu tố hỗ trợ so với áp lực từ các biến số vĩ mô, bà Trần Khánh Hiền dự báo, thị trường có thể đi vào giai đoạn điều chỉnh, tích lũy để tìm điểm cân bằng mới, trước khi tăng điểm trở lại vào cuối quý III/2024 để phản ánh sự hồi phục về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị FinPeace cho rằng, trong tháng 6, thị trường sẽ có một pha điều chỉnh, chuẩn bị cho một sóng tăng dài tới những tháng cuối năm. Pha điều chỉnh dự kiến bắt đầu khi VN-Index đánh mất ngưỡng 1.250 điểm. Khi đó, chỉ số sẽ có tháng 6 dao động từ 1.215 - 1.250 điểm, đây là vùng điều chỉnh lành mạnh khi tính từ cuối năm 2023, thị trường đã tăng khoảng 25% so với đáy trung hạn. Khu vực điều chỉnh tháng 6 (nếu có) cũng là giai đoạn tích lũy cần thiết nếu xét trên sự tăng trưởng chung của các doanh nghiệp niêm yết.
Một số nhóm ngành có dư địa tăng
Trong gần 2 tháng qua, không ít cổ phiếu có câu chuyện riêng tăng giá mạnh, dù điểm số của VN-Index cuối tháng 5 tương đương với cuối tháng 4 và cuối tháng 3. Kỳ vọng, thị trường sẽ tiếp tục xuất hiện những cổ phiếu đi ngược dòng, qua đó giúp dòng tiền vận động tích cực.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, một số cổ phiếu đang lập đỉnh mới như ACB. Với những cổ phiếu này, khi VN-Index điều chỉnh thì giá có khả năng chỉ sụt giảm trong một vài phiên, sau đó dễ dàng tăng trở lại.
“Nhóm cổ phiếu vượt đỉnh lịch sử có thể mang lại lợi nhuận ngắn hạn tốt nhất trong các dòng cổ phiếu hiện tại. Tuy nhiên, song hành cùng biến động mạnh là rủi ro lớn, nhà đầu tư nên chia nhỏ danh mục thành nhiều đơn vị để dễ dàng quản trị rủi ro”, ông Nguyễn Tuấn Anh nói.
Một số nhóm ngành đáng quan tâm là xuất khẩu, logistics, điện, bất động sản…
Bên cạnh đó, có những cổ phiếu vượt đỉnh trung hạn tháng 9/2023 và duy trì diễn biến khả quan, dù có những nhịp điều chỉnh theo thị trường chung như PVD. Đây là dòng cổ phiếu “khỏe” thứ hai sau các cổ phiếu vượt đỉnh lịch sử, nhưng điểm mạnh là rủi ro mất giá được hạn chế và được hỗ trợ bởi đỉnh giá hồi tháng 9 năm ngoái.
“Khi đầu cơ ngắn hạn nhóm cổ phiếu này, chúng ta có thể quan sát kỹ vùng hỗ trợ để mua vào sớm khi thị trường chung điều chỉnh”, ông Nguyễn Tuấn Anh khuyến nghị.
Ngược lại, chuyên gia FinPeace lưu ý, nhà đầu cơ ngắn hạn nên thận trọng với các cổ phiếu tiệm cận đáy dài hạn như VHM, đặc biệt khi giá đánh mất vùng hỗ trợ dài hạn. Trong môi trường VN-Index khá tích cực tính từ đầu năm 2024, các cổ phiếu nằm ở vùng thấp thể hiện sự chậm trễ trong biến động giá. Trong giao dịch ngắn hạn, sự chậm trễ này có tính chất xu hướng tiếp diễn, không phù hợp để nhà đầu cơ lựa chọn.
Bà Trần Khánh Hiền nhìn nhận, cơ hội đầu tư trong tháng 6 có thể không nhiều. Một số nhóm ngành đáng quan tâm là xuất khẩu và logistics, do nửa cuối năm là giai đoạn nhu cầu nhập khẩu hàng hóa và tiêu dùng ở các thị trường xuất khẩu của Việt Nam dự kiến tăng mạnh. Nhóm này còn được hỗ trợ về nền tảng kinh doanh với khả năng Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường vào tháng 7 tới, khi đó nhiều loại thuế nhập khẩu vào Mỹ được dỡ bỏ và tạo khả năng cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam. Đây cũng là nhóm có hoạt động kinh doanh thường khởi sắc vào cuối năm.
Một nhóm ngành khác có triển vọng sáng là điện. Thời gian qua, nhiều chính sách quan trọng mang lại triển vọng tích cực cho lĩnh vực điện khí và điện gió, bao gồm khung giá cho khí hóa lỏng (LNG) và cơ chế mua bán điện trực tiếp cho năng lượng tái tạo.
“Tôi kỳ vọng một số chính sách chưa được hoàn thiện khác như khung giá cho điện năng lượng tái tạo sẽ được triển khai sớm, hỗ trợ triển vọng dài hạn của nhóm. Bên cạnh đó, cơ chế giá bán lẻ mới sẽ giúp Tập đoàn Điện lực Việt Nam có thể tăng giá điện từ 5 - 10% trong năm 2024, hỗ trợ tài chính của doanh nghiệp, đồng thời cải thiện dòng tiền thanh toán cho các nhà máy. Môi trường đầu tư ngành điện đang trở nên thoáng đãng hơn sau thời gian dài vướng mắc các chính sách và một số doanh nghiệp nổi bật trong ngành có thể bắt đầu triển khai các dự án về điện khí LNG hay năng lượng tái tạo từ năm 2024 - 2025. Sản lượng tiêu thụ điện trong năm nay được dự báo tăng trưởng tích cực ở mức 9,8%, hỗ trợ cho triển vọng huy động của nhóm điện than và thủy điện”, bà Trần Khánh Hiền nói.
Trong khi đó, bà Trần Mỹ Liên, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Phú Hưng nhận định, quyết tâm gỡ khó cho thị trường bất động sản bằng việc thúc đẩy hiệu lực các luật liên quan (3 luật được sửa đổi gồm Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản đang được đề xuất có hiệu lực từ 1/8/2024, thay vì từ 1/1/2025) và môi trường lãi suất thuận lợi sẽ giúp khơi thông cho các chủ đầu tư, từ đó không chỉ riêng ngành bất động sản, mà ngành xây dựng lẫn ngân hàng đều sẽ có triển vọng khả quan. Nhìn ở góc độ này, các cổ phiếu bất động sản với pháp lý tốt, nhóm cổ phiếu xây dựng, ngân hàng và nhóm cổ phiếu xuất khẩu sẽ có cơ hội tăng giá trong các tháng tới.