Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc VietinBank trình bày tại Sự kiện Ngày chuyển đổi ngành Ngân hàng năm 2023

Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc VietinBank trình bày tại Sự kiện Ngày chuyển đổi ngành Ngân hàng năm 2023

Tích hợp dữ liệu để có hiệu quả cao nhất

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) “Điều thú vị là, bên ngoài thì nghĩ ‘ngân hàng có rất nhiều dữ liệu’, còn ngân hàng nghĩ ‘bên ngoài có rất nhiều dữ liệu’ và thực tế là mỗi bên có một nửa”. Đó là chia sẻ của ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng giám đốc VietinBank với Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kêu gọi các ngân hàng tiết giảm chi phí để hạ được lãi suất cho vay, hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp SME. Cùng với câu chuyện lãi suất giảm, theo ông, công nghệ đang giúp ngân hàng hỗ trợ các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp SME như thế nào?

Thời gian vừa qua, thực hiện theo định hướng của NHNN về hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) trong việc tiếp cận nguồn vốn, khôi phục kinh doanh thời kỳ hậu Covid, VietinBank đã tập trung tăng trưởng tín dụng vào nhóm SME và bán lẻ, đưa ra các gói sản phẩm ưu đãi dành riêng cho nhóm phân khúc này.

Và để nhóm SME có thể dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn, VietinBank đã tích cực ứng dụng công nghệ để hỗ trợ. Cụ thể, VietinBank tích hợp dịch vụ ngân hàng số của VietinBank vào phần mềm kế toán doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có thể dễ dàng sử dụng các dịch vụ tài chính - ngân hàng ngay khi thực hiện các bút toán hạch toán kế toán của doanh nghiệp.

Cùng với tích hợp dữ liệu qua phần mềm kế toán, VietinBank còn ứng dụng công nghệ tự động hóa quy trình trong đánh giá, chấm điểm tín dụng giúp thời gian xử lý khoản vay được rút ngắn, đồng thời tăng năng suất, tiết giảm chi phí hiệu quả. Từ đó, chi phí mà khách hàng phải bỏ ra cũng sẽ giảm theo.

Đặc biệt, chúng tôi còn tập trung hướng tới phân khúc khách hàng doanh nghiệp siêu vi mô, hộ kinh doanh nhỏ, những đối tượng khách hàng rất khó tiếp cận vốn tín dụng do vướng mắc trong việc chứng minh tài sản bảo đảm. Đồng thời, việc đánh giá về tín dụng cũng gặp khó khăn do công tác sổ sách kế toán đơn giản hơn so với các doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, từ giữa năm 2022, VietinBank đã kết hợp với Grab để triển khai chương trình cho vay đối với những doanh nghiệp đang bán hàng qua Grab.

Lý do đưa ra mô hình này bởi Grab có dữ liệu về quy mô cũng như doanh số hàng tháng của các doanh nghiệp đang bán hàng. Thông qua dữ liệu này, chúng tôi có thể đưa ra xếp hạng về chất lượng doanh nghiệp, xây dựng mô-đun đánh giá nhu cầu tài chính cũng như khả năng trả nợ của doanh nghiệp, từ đó tiến hành cấp tín dụng. Mô hình này đã được triển khai hơn nửa năm và đạt kết quả khá tốt. Trên cơ sở đó, chúng tôi đang có kế hoạch nhân rộng mô hình này đến các doanh nghiệp đang tham gia các sàn thương mại điện tử như Shopee hay Lazada.

Đáng chú ý, trong quá trình làm việc với khách hàng, việc giảm chi phí từ việc hạ lãi suất sẽ không thấy được ngay lập tức mà tác động trong dài hạn, điều quan trọng là khả năng tiếp cận vốn. Thậm chí, đối với SME, khả năng tiếp cận vốn, quy trình cho vay nhanh gọn, thủ tục không quá rườm rà, đáp ứng được nhu cầu kịp thời được xem là quan trọng nhất.

Ông Trần Công Quỳnh Lân (cầm mic) trình bày với Lãnh đạo Chính phủ, NHNN và các Bộ, ngành về giải pháp tích hợp VNeID mở tải khoản cho người dân, phổ cập tài chính

Ông Trần Công Quỳnh Lân (cầm mic) trình bày với Lãnh đạo Chính phủ, NHNN và các Bộ, ngành về giải pháp tích hợp VNeID mở tải khoản cho người dân, phổ cập tài chính

Một lãnh đạo ngân hàng cho biết: “Cho vay SME trên nền tảng công nghệ là một lĩnh vực đầy béo bở, miễn là các ngân hàng có thể kiểm soát được các rủi ro”. Ông có thể cho biết lợi ích và rủi ro này là gì? Làm thế nào kiểm soát đc rủi ro cho cả khách hàng và ngân hàng?

Đề cập về lợi ích, tôi cho rằng, khi tiếp cận trên một nền tảng công nghệ, chẳng hạn như Grab hay Shopee hay Lazada thì ngân hàng tiếp cận được rất nhiều doanh nghiệp cùng một lúc. Điều này cho thấy, khả năng tiếp cận doanh nghiệp đã rộng hơn trước đây và cũng nhờ tích hợp công nghệ, ngân hàng đánh giá được năng lực tài chính của doanh nghiệp dễ dàng hơn dựa vào doanh số bán hàng.

Liên quan đến rủi ro, trước tiên đó là rủi ro về công nghệ, Làm sao xác thực được khách hàng là đúng đối tượng, tránh được các trường hợp trục lợi trong quá trình giải ngân.

Rủi ro tiếp theo là rủi ro về con người. Rủi ro này chia ra 2 loại. Một là, rủi ro đến từ nhân lực IT, những người tạo ra công nghệ, rủi ro này có thể đến từ kiến thức, kinh nghiệm dẫn đến xảy ra lỗi vô tình hoặc cố tình trong lúc viết phần mềm. Hai là, rủi ro đến từ người dùng. Để xâm nhập được vào hệ thống ngân hàng, xâm nhập trực diện vào máy chủ sẽ khá khó và mất thời gian. Do đó, nhiều kẻ gian thường lợi dụng xâm nhập từ kẽ hở từ người dùng cuối. Khi len lỏi được vào thiết bị người dùng thì có thể sử dụng mã độc xâm nhập được sang hệ thống máy tính khác. Đây là vấn đề khá nan giải bởi việc bảo vệ hàng chục nghìn máy tính cũng như truyền thông vấn đề này đến từng nhân viên, người dùng là việc khá khó khăn.

Hiện nay, để hạn chế được rủi ro này, đối với ngân hàng, chúng tôi siết chặt quy định dùng internet, chỉ cho truy cập giới hạn trang web và qua máy chủ trung gian, không truy cập trực tiếp. Còn đối với khách hàng, chúng tôi nỗ lực truyền thông qua các tin nhắn, thư điện tử và trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Tôi cũng muốn chia sẻ là một số NHTM hay công ty tài chính đã thực hiện việc cho vay online, nhưng cho vay online chủ yếu triển khai cho đối tượng khách hàng cá nhân chứ chưa làm được với khách hàng doanh nghiệp và triển khai cho vay tín chấp. Nhưng các ngân hàng lớn, đặc biệt là 4 NHTM có vốn nhà nước vẫn có những trăn trở về khung khổ pháp lý khi cho vay online.

Hiện tại, NHNN đang hoàn tất sửa đổi Thông tư 39, theo đó các ngân hàng sẽ có khuôn khổ pháp lý để thực hiện được việc cho vay online 100%.

Việc thu thập, khai thác và xử lý dữ liệu được nhận định là yếu tố nền tảng bởi đây là một nguồn tài sản quý giá… để có thể cung cấp các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng có hàm lượng công nghệ cao, dịch vụ cá nhân hóa cao nhằm tăng trải nghiệm của khách hàng. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề được cho là điểm yếu của hệ thống ngân hàng. Hoá giải vấn đề này thế nào, thưa ông?

Điều thú vị là, bên ngoài thì nghĩ “ngân hàng có rất nhiều dữ liệu”, còn ngân hàng nghĩ “bên ngoài có rất nhiều dữ liệu” và thực tế là mỗi bên có một nửa. Ngân hàng có dữ liệu về tài chính của khách hàng, nhưng không có dữ liệu về hành vi và không có dữ liệu về trạng thái thân nhân bởi khách hàng không cập nhật thường xuyên cho ngân hàng.

Ví dụ, một người khi là sinh viên mở tài khoản, lúc đó ngân hàng lưu nghề nghiệp là sinh viên và thu nhập thấp. Nhưng sau khi khách hàng đó ra trường đi làm và lập gia đình thì những thông tin này không được cập nhật. Do đó, ngân hàng chỉ có dữ liệu về tài chính. Trong khi đó, các công ty viễn thông lại có được thông tin danh sách bạn bè, mạng lưới quan hệ của người này, hay mạng xã hội lại có thêm dữ liệu về hành vi, sở thích của khách hàng…

Có thể thấy, mỗi bên đều có một phần dữ liệu và để phục vụ tối đa nhu cầu của khách hàng thì các bên đều mong muốn có được dữ liệu của bên khác. Tuy nhiên, việc mua bán dữ liệu là hành vi bị cấm nên đối với dữ liệu thô không được cung cấp thì các bên thực hiện thẩm định đánh giá khách hành dựa trên dữ liệu mà họ có, từ đó đưa ra các nhận định về khách hàng và cung cấp cho bên còn lại.

Hiện tại, nhận định chỉ dựa vào thông tin tài chính tại ngân hàng là không đủ mà chúng tôi đang kết hợp với các nền tảng và công ty công nghệ khác để tích hợp dữ liệu tổng thể về khách hàng, từ đó đưa ra những phân tích rõ nét về khách hàng giúp việc phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn.

Tại sự kiện Ngày chuyển đổi ngành Ngân hàng năm 2023 ông đã nói: “Dữ liệu quốc gia không chỉ dùng để làm sạch dữ liệu ngân hàng mà có thể được sử dụng để phổ cập tài chính toàn diện”. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này.

Hiện tại, các ngân hàng đang kết hợp với C06 để tích hợp ứng dụng VNeID - Ứng dụng định danh điện thử. Thông qua ứng dụng này, chúng tôi mong muốn khách hàng có thể mở tài khoản ngân hàng nhanh chóng, thuận tiện. Khách hàng khi đã được định danh VNeID ở cấp độ 2 nghĩa là dữ liệu chính xác đã được xác thực bởi Bộ Công an.

Khi đăng nhập vào VNeID, khách hàng hoàn toàn có thể chuyển dữ liệu định danh đó cho ngân hàng để mở tài khoản ngay lập tức, mọi lúc mọi nơi, cực kỳ đơn giản, chỉ trong vòng vài phút. Không cần bất cứ thao tác chụp giấy tờ, chờ đối chiếu ảnh chụp giấy tờ với dữ liệu hay định danh nào khác. Thông qua tích hợp VNeID, hứa hẹn việc phổ cập tài chính toàn diện được thực hiện nhanh chóng và dễ dàng hơn.

Bên cạnh đó, ngân hàng cũng mong muốn dùng cơ sở dữ liệu công dân để thẩm định cho vay khách hàng. Một trong những dữ liệu quan trọng mà ngân hàng không có thông tin cập nhật và cũng không có cách xác minh (trừ khi xác minh thủ công) đó là địa chỉ của khách hàng. Khi tích hợp dữ liệu công dân quốc gia thì giúp ngân hàng tìm được địa chỉ chính xác của khách hàng và điều này là rất cần thiết khi muốn thu hồi nợ sau giải ngân.

Ngoài ra, ngân hàng cũng hướng đến đối tượng sinh viên, nhóm khách hàng từ trước đến nay luôn có nhu cầu nhưng rất khó để được vay. Nếu tích hợp được vào dữ liệu quốc gia về dân cư, chúng tôi có thể thực hiện thẩm định và cho vay sinh viên một cách thuận tiện hơn.

Tin bài liên quan