Cập nhật của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cho thấy, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4/2018 tăng 9,4%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến - chế tạo tăng 12,3%. Tính chung 4 tháng đầu năm nay, IIP tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 6,6% của cùng kỳ năm 2017. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,8%, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,5% (cùng kỳ là 7%)...
Một diễn biến tích cực khác là trong 4 tháng qua, Việt Nam xuất siêu 3,39 tỷ USD. Ðáng nói là tổng kim ngạch nhập khẩu tăng 10,1%, trong đó chủ yếu là nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất và xuất khẩu, nên xuất siêu được kỳ vọng sẽ tiếp tục được duy trì trong những tháng tới…
Tuy kinh tế vĩ mô tiếp tục có những diễn biến tích cực, nhưng để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao như những tháng đầu năm nay, nền kinh tế đang đối mặt với không ít khó khăn. Các "đầu tàu" tăng trưởng sẽ phải vượt qua nhiều thách thức.
Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 4/2018, tuy cả nước có 14.510 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 133.500 tỷ đồng, tăng 79,5% về số doanh nghiệp và tăng 64,5% về số vốn đăng ký so với tháng trước, nhưng có 6.138 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 71,3% và có 1.378 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 74% so với tháng trước...
Tổng chi ngân sách nhà nước từ đầu năm đến ngày 15/4 ước đạt 353.300 tỷ đồng, bằng 23,2% dự toán cả năm, nhưng chi đầu tư phát triển chỉ đạt 54.600 tỷ đồng, bằng 13,7%. Ðiều này cho thấy, tình trạng chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư phát triển diễn ra từ đầu năm đến nay vẫn chưa được cải thiện nhiều. Nếu tình trạng này tiếp diễn trong thời gian tới, sẽ ảnh hưởng không tích cực đến nỗ lực duy trì tăng trưởng GDP cao từ nay đến cuối năm.
4 tháng qua, tuy vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện ước đạt 5,1 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước, nhưng tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm lại giảm 37,3% khi chỉ đạt hơn 5,79 tỷ USD. Ðiều này đòi hỏi nỗ lực cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh cần tiếp tục tạo ra những bước tiến mới mang tính đột phá để thu hút hiệu quả hơn dòng vốn FDI trong thời gian tới.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2018 tăng 0,08% so với tháng trước, trong đó 6/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng. CPI bình quân 4 tháng đầu năm nay tăng 2,8% so với bình quân cùng kỳ năm trước… cho thấy, áp lực tăng lạm phát thời gian tới không thể chủ quan, nhất là trong bối cảnh việc thực hiện thị trường hóa giá cả nhiều mặt hàng tiếp tục được thúc đẩy, đồng thời các giải pháp điều hành đang ưu tiên cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao, mặt bằng giá cả thế giới vẫn tiềm ẩn những biến động khó lường.
Thực tế trên đòi hỏi trong tháng 5 cũng như dài hơi hơn, Chính phủ cần tiếp tục thúc đẩy triển khai mạnh mẽ, theo chiều sâu, đồng bộ các giải pháp cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, để tạo ra những dư địa mới cho tăng trưởng kinh tế bền vững.