Quý I/2014, Khu công nghiệp (KCN) VSIP tại Bình Dương đã đạt kết quả thu hút đầu tư khả quan, với tổng vốn gần 441 triệu USD, tăng 388% so cùng kỳ năm 2013. Trong số đó, đáng chú ý là dự án sử dụng công nghệ cao, chuyên sản xuất chip, bo mạch điện tử của Công ty Wonderful Saigon Electrics (Nhật Bản) tăng vốn 210 triệu USD.
Ngoài các dự án tăng vốn, đã có nhiều dự án mới của các doanh nghiệp Nhật Bản khai trương, đi vào hoạt động. Đơn cử, trong tháng 3, Công ty TNHH Toin Việt Nam đưa vào hoạt động Dự án Nhà máy sản xuất, gia công bao bì giấy và bao bì nhựa tại KCN Mỹ Phước 3, với tổng vốn đăng ký 12 triệu USD, sau một năm được cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Yasuo Nishitohge, Tổng giám đốc Công ty TNHH Aeon Việt Nam cho biết, dự án của Aeon tại Bình Dương, với tổng mức đầu tư 95 triệu USD, đã cơ bản hoàn thành phần kết cấu chính. “Dự án sẽ khai trương vào đầu tháng 11/2014 và đây là dự án thứ hai của Công ty tại Việt Nam được đưa vào hoạt động”, ông Yasuo Nishitohge nói.
Theo ông Yasuo Nishitohge, AEON Việt Nam đang tích cực phối hợp với 2 doanh nghiệp lớn đang hoạt động tại Bình Dương là Tập đoàn Tokyu (Nhật Bản) và Công ty Becamex Bình Dương để nghiên cứu, bàn bạc về việc hợp tác đầu tư thêm một trung tâm thương mại tại khu vực trung tâm Thành phố mới Bình Dương…
Tại Bình Dương, ngành nghề đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản rất đa dạng, từ cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị - thương mại - dịch vụ đến sản xuất linh kiện điện tử, mạch và chíp điện tử, sản xuất lắp ráp ô tô, sản xuất thép, thực phẩm… Một số dự án có vốn đầu tư lớn như: Tập đoàn Tokyu đầu tư 1,2 tỷ USD, Công ty TNHH Maruchi Sun Steel 420 triệu USD, Tập đoàn Aeon 95 triệu USD, Công ty TNHH Sản xuất ô tô Vinastar triệu USD, Công ty TNHH Wonderful Sài Gòn Electrics 240 triệu USD…
Xu hướng đáng chú ý của các dự án Nhật Bản tại Bình Dương, đó là ngoài các dự án sản xuất tăng vốn lớn, đã có thêm nhiều dự án mới trong chuyển giao công nghệ và lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ… Điểm chung của các dự án là được triển khai khá nhanh.
Trong những tháng đầu năm, tỉnh Bình Dương cũng đón tiếp nhiều doanh nghiệp Nhật đến tìm hiểu cơ hội đầu tư. Đơn cử, tháng 3 vừa qua, đoàn doanh nhân tỉnh Saitama (Nhật Bản) gồm đại diện của nhiều doanh nghiệp ở các lĩnh vực như công nghiệp phụ trợ phục vụ ngành ô tô, thiết bị văn phòng, thiết bị viễn ở các thông, điện tử… đã đến tìm hiểu môi trường đầu tư.
Cũng trong tháng 3 vừa qua, sau khi tìm hiểu môi trường đầu tư, Công ty Kobelco Eco-Solutions (thuộc Tập đoàn Kobelco, Nhật Bản) đã thông báo kế hoạch đầu tư vào Bình Dương, với dự án sử dụng nguồn năng lượng tái sinh từ bùn thải của các nhà máy xử lý nước thải, thực phẩm và gỗ thừa, nhằm tạo khí sinh học để cung cấp cho hệ thống xe buýt, cung cấp khí đốt cho các ngành công nghiệp và hộ gia đình, phục vụ sản xuất điện…
Ông Hiroshi Sugimoto, Giám đốc Công ty cho biết, dự án của Kobelco tại Bình Dương dự kiến có tổng mức đầu tư 20 triệu USD. Ngoài dự án này, Kobelco còn hợp tác với Becamex IDC để xây dựng khu công nghiệp chuyên ngành phục vụ công nghiệp phụ trợ tại Bình Dương cũng như trên cả nước.