Phiên họp chiều 18/12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phiên họp chiều 18/12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tích cực chuẩn bị để có thể thông qua Luật Đất đai sửa đổi vào tháng 1/2024

0:00 / 0:00
0:00
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến việc chuẩn bị kỳ họp bất thường lần thứ 5 của Quốc hội Khóa XV.

Ủy ban Kinh tế vẫn lo việc trình Quốc hội xem xét, thông qua Luật Đất đai sửa đổi vào tháng 1/2024 “tiềm ẩn nhiều rủi ro”, song nhiều ý kiến tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần tích cực chuẩn bị để có thể bấm nút tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5.

Tiếp tục phiên họp thứ 28, chiều 18/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến việc chuẩn bị kỳ họp bất thường lần thứ 5 của Quốc hội.

Báo cáo nội dung này, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua, Quốc hội đã “quyết định điều chỉnh thời điểm trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Đất đai sửa đổi và dự án Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi sang kỳ họp gần nhất” và “Giao Chính phủ khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp gần nhất theo trình tự, thủ tục rút gọn ...”.

Tổng Thư ký Quốc hội đã có văn bản đề nghị Thường trực các cơ quan của Quốc hội cho ý kiến đề xuất về thời điểm cụ thể để trình Quốc hội xem xét, quyết định các nội dung trên (tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 hoặc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV).

Về dự án Luật Đất đai sửa đổi, Tổng thư ký Quốc hội phản ánh, mặc dù các cơ quan đã liên tục làm việc, nỗ lực tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành việc rà soát toàn bộ dự thảo Luật. Thực tế cho thấy việc rà soát rất mất thời gian và phát sinh thêm các nội dung cần làm rõ, hoàn thiện để bảo đảm không xảy ra vướng mắc trong quá trình triển khai trên thực tiễn. Từ nay đến hết tháng 12 thời gian không còn nhiều, trong khi khối lượng công việc còn rất lớn, vì vậy, việc trình Quốc hội xem xét, thông qua vào tháng 1/2024 tiềm ẩn nhiều rủi ro, khó bảo đảm chất lượng tốt nhất của dự thảo Luật, do vậy Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị nghiên cứu trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024).

Vẫn theo Tổng thư ký Quốc hội, Thường trực Ủy ban Xã hội và Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cũng đề nghị cân nhắc việc thông qua các dự án Luật Đất đai sửa đổi, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 do đây là các dự án Luật có nội dung lớn, phức tạp, có sự tác động trực tiếp, sâu rộng đến nền kinh tế, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân trong khi thời gian diễn ra kỳ họp bất thường lại ngắn, thời gian từ nay tới Kỳ họp bất thường không nhiều nên thời gian để các cơ quan Quốc hội, Chính phủ phối hợp tiếp thu, giải trình, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội thông qua không nhiều, việc này phần nào ảnh hưởng đến chất lượng dự án Luật. Do đó, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị trình Quốc hội thông qua 2 dự án luật này tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024).

Trên cơ sở ý kiến của Thường trực các cơ quan của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ 5 để trình Quốc hội chỉ những nội dung cấp thiết, đã được chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng và đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao giữa các cơ quan.

Cụ thể, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị, trên cơ sở xem xét chất lượng chuẩn bị, nếu hồ sơ tài liệu đủ điều kiện, bảo đảm tiến độ, chất lượng thì đề nghị trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 xem xét thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) nếu đủ điều kiện.

Hai, xem xét thông qua Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Ba, xem xét, thông qua Nghị quyết về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn (nếu có).

Phát biểu thêm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, về dự án Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi ngày 15/12 Chính phủ mới có văn bản thể hiện ý kiến, nếu đúng tinh thần văn bản đó thì việc tiếp thu, chỉnh lý cũng khả dĩ.

Về Luật Đất đai sửa đổi thì còn 3 nội dung vẫn còn các phương án còn khác nhau, cụ thể là về các loại đất xây dựng nhà ở thương mại và dự án hỗn hợp nhà ở thương mại và dịch vụ du lịch, hai là thu hồi đất thực hiện dự án hỗn hợp và 3 là trường hợp sử dụng quỹ đất do nhà nước tạo lập ra.

“Nếu đưa ra kỳ họp bất thường chỉ có 3 ngày mà chỉ có 2 ngày để tiếp thu rà soát thì chúng tôi rất lo ngại về chất lượng, thông qua tại kỳ họp thứ 7 khả dĩ hơn để có thời gian hoàn thiện đảm bao chất lượng”, ông Thanh phát biểu.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội và các Phó chủ tịch Quốc hội thì nên quyết tâm thông qua được hai luật trên tại kỳ họp bất thường thứ 5.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, hiện nay Phó thủ tướng Trần Hồng Hà và Lê Minh Khái đã và đang trực tiếp chỉ đạo việc hoàn thiện hai dự án Luật Đất đai sửa đổi và Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi với tinh thần là kịp trình Kỳ họp bất thường vào trung tuần tháng 1/2024.

"Nghị quyết Trung ương 18 nói là phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai trong năm 2023. Còn Luật Tổ chức tín dụng sửa đổi thì sáng nay Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có gặp tôi nói là nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội", Chủ tịch Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc.

Tinh thần là dự kiến Kỳ họp bất thường lần thứ 5 sẽ khai mạc vào ngày 15/1/2024, nội dung chính là hai dự án luật, Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và một số nội dung cấp bách về ngân sách, Chủ tịch Quốc hội chốt lại.

Về thời gian của Kỳ họp bất thường, Tổng thư ký Quốc hội dự kiến Quốc hội họp 3 ngày, khai mạc vào thứ Hai, ngày 15/1/2024 và chia thành 2 đợt. Đợt 1 là 2,5 ngày (từ ngày 15 đến sáng ngày 17/1/2024), đợt 2 là 0,5 ngày (chiều thứ Sáu, ngày 19/1/2024).

Tin bài liên quan