Hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành thủy sản Việt Nam là Mỹ và Trung Quốc

Hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành thủy sản Việt Nam là Mỹ và Trung Quốc

Thủy sản vào mùa cao điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dịp lễ, tết cuối năm là mùa cao điểm xuất khẩu thủy sản, nhiều doanh nghiệp bắt đầu ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan, kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn trong thời gian tới.

Xuất khẩu tăng trở lại

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến hết tháng 11/2023, ngành thủy sản ghi nhận kim ngạch xuất khẩu 8,27 tỷ USD, giảm 19% so với cùng kỳ năm 2022, do bất ổn địa chính trị và lạm phát toàn cầu khiến nhu cầu tiêu thụ suy giảm. Tính riêng tháng 11, xuất khẩu thủy sản mang về gần 840 triệu USD, tăng 6% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu tôm tăng 4%, cá ngừ tăng 26%, cá tra tăng 12%, mực, bạch tuộc tăng 3%, cá biển khác tăng 4%.

VASEP dự báo, xuất khẩu thủy sản quý IV/2023 có thể đạt 2,4 tỷ USD, tương đương cùng kỳ năm 2022, đưa kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả năm 2023 lên 9 tỷ USD, giảm 17% so với năm 2022.

Thực tế, các thị trường xuất khẩu thủy sản lớn của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc, EU thường đẩy mạnh nhập khẩu trong quý cuối năm để phục vụ mùa tiêu dùng cao điểm tháng 12 năm cũ và 2 tháng đầu năm mới.

Hai sản phẩm xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam là tôm và cá tra. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu tôm ước đạt 3,6 tỷ USD, dự báo năm 2024 sẽ tăng 10 - 15%; kim ngạch xuất khẩu cá tra ước đạt 1,8 tỷ USD, dự kiến năm 2024 đạt 2 tỷ USD.

Công ty Chứng khoán Mirae Asset đánh giá, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam, nhu cầu đang dần hồi phục, bên cạnh yếu tố mùa vụ là chính sách kích thích kinh tế của nước này phát huy tác dụng.

Với nhóm ngành tôm, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận xét, áp lực cạnh tranh dần hạ nhiệt. Cụ thể, ngành tôm ở Ecuador và Ấn Độ đang dư thừa nguồn cung, nhưng dư địa giảm thêm giá bán hầu như không còn, nhất là khi giá thành sản xuất tại Ecuardo vẫn cao hơn điểm hoà vốn. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi điều chỉnh, giúp doanh nghiệp ngành tôm Việt Nam tiết giảm được chi phí.

Xuất khẩu thủy sản dần hồi phục đã giúp các doanh nghiệp ngành thủy sản ghi nhận doanh thu khởi sắc trở lại.

Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (mã chứng khoán VHC) sau thời gian dài ghi nhận doanh thu sụt giảm đã trở lại khi doanh thu tháng 11/2023 đạt 855 tỷ đồng, tăng 14% so với tháng 10. Cá tra vẫn là sản phẩm mang lại doanh thu lớn nhất cho Vĩnh Hoàn, với 376 tỷ đồng. Sản phẩm hỗn hợp có doanh thu lớn thứ hai, đạt 217 tỷ đồng, gấp 2,2 lần tháng 10.

Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Vĩnh Hoàn, mang lại 213 tỷ đồng doanh thu trong tháng 11, tăng 26% so với tháng 10. Doanh thu tại thị trường nội địa đạt 325 tỷ đồng, tăng 48%. Riêng doanh thu tại thị trường EU và Trung Quốc lần lượt giảm 21% và 24%.

Tại Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Sao Ta, mã chứng khoán FMC), doanh thu trong tháng 11/2023 đạt 17,4 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, sản lượng tiêu thụ tôm thành phẩm tăng 45%, đạt 1.524 tấn; sản lượng tiêu thụ nông sản thành phẩm tăng 9%, đạt 113 tấn. Tôm nuôi thu hoạch hoàn tất nửa đầu tháng 11. Kết quả khá tốt, góp phần đáng kể giảm giá thành tôm cuối cùng, bảo đảm lợi nhuận đạt kế hoạch (đã điều chỉnh).

Triển vọng sáng dần

Cùng với nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường lớn dần phục hồi, thời kỳ khó khăn của doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đang trôi qua.

Vụ Âu - Mỹ, Bộ Công Thương nhận định, năm 2024, hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với thị trường châu Âu và châu Mỹ sẽ có những điều kiện thuận lợi. Các hiệp định thương mại tự do sẽ tiếp tục có tác động tích cực, duy trì lợi thế của Việt Nam trong hoạt động thương mại, đầu tư. Nhu cầu thị trường thế giới và khu vực châu Âu, châu Mỹ từng bước phục hồi do tỷ lệ lạm phát có xu hướng giảm từ cuối năm 2023 và có khả năng sẽ tiệm cận mức mục tiêu mà các ngân hàng trung ương đề ra cho năm 2024 (ECB và Fed là 2%).

Các doanh nghiệp cũng kỳ vọng vào bức tranh xuất khẩu năm 2024 sẽ sáng. Thị trường xuất khẩu trọng điểm của Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú (Minh Phú, mã chứng khoán MPC) là Mỹ đã có tín hiệu hồi phục nhu cầu, khi người tiêu dùng lạc quan hơn về tình hình kinh tế. Năm 2024, Nhà máy Minh Phát của Minh Phú đi vào hoạt động sẽ nâng sản lượng tôm sản xuất lên 62.220 tấn, ước tính đem về doanh thu thành phẩm khoảng 16.622 tỷ đồng. Ngoài ra, dự án Minh Quý và Minh Phú với công suất thiết kế khoảng 30.000 tấn thành phẩm/năm dự kiến sẽ được hoàn thiện và lần lượt đi vào hoạt động trong năm 2025 và 2027, giúp sản lượng sản xuất tăng 2 - 5%, doanh thu thuần mảng tôm tăng 20 - 80% so với năm 2022.

Đối với Sao Ta, VCBS đánh giá, doanh nghiệp có nhiều triển vọng trong năm 2024 khi thị trường Nhật Bản ưa chuộng sản phẩm chất lượng cao, chế biến sâu từ thị trường Việt Nam.

Theo Sao Ta, từ cuối tháng 11/2023, Công ty tiến hành thả nuôi tôm mùa nghịch, bước đột phá đầu tiên trong tiến trình hoạt động nuôi tôm của doanh nghiệp. Do nhiệt độ cuối năm nay cao hơn trung bình và nguồn cung tôm thương phẩm sắp tới giảm, nhiều khả năng giá sẽ tăng theo quy luật cung cầu.

Với cá tra, năm 2024, sản lượng cá tra trên thế giới ước đạt 3,2 triệu tấn, tăng 3% so với năm 2023 và Việt Nam chiếm 52% sản lượng cá tra toàn cầu. Nhu cầu tiêu thụ tăng mở ra triển vọng tích cực cho các doanh nghiệp cá tra Việt Nam, dự báo sản lượng và xuất khẩu năm 2024 tăng khoảng 3%.

Nhìn về trung và dài hạn, xuất khẩu thủy sản có triển vọng tích cực khi tình hình tiêu thụ tại các thị trường lớn dần khởi sắc. Trên sàn chứng khoán, nhóm cổ phiếu thủy sản đang được không ít nhà đầu tư quan tâm, mua tích lũy trong những nhịp điều chỉnh, đón đầu cơ hội tăng trưởng trở lại.

Tin bài liên quan