Tổn thất rất nặng nề
Ngành thủy sản Việt Nam bị Ủy ban châu Âu (EC) áp dụng thẻ vàng từ cuối năm 2017 do nỗ lực chưa đủ để chống lại khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Điều này khiến kim ngạch xuất khẩu sang EU của ngành sụt giảm mạnh.
Tại Hội nghị về đánh giá tác động kinh tế của thẻ vàng IUU do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức mới đây, Vasep cho biết, dưới tác động của thẻ vàng IUU, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU đã giảm liên tục từ năm 2017 đến nay.
Đơn cử, năm 2019, sau 2 năm chịu tác động của thẻ vàng IUU, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang EU giảm 12% so với năm 2017, tương đương 183,5 triệu USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng thủy sản khai thác giảm trên 10%, tương đương giảm 43 triệu USD, giá trị xuất khẩu các sản phẩm thủy sản nuôi trồng giảm 13%.
Xu hướng giảm thấy rõ hơn trong năm 2020, dưới tác động kép của đại dịch Covid-19, thẻ vàng IUU và Brexit (Anh rời khỏi EU), khi xuất khẩu thủy sản sang EU giảm 5,7% so với năm 2019, chỉ đạt 959 triệu USD.
“Thẻ vàng đã kéo EU từ vị trí thứ 2 xuống vị trí thứ 4 trong các thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam, sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc kể từ năm 2019”, Vasep cho biết.
Nếu không có các giải pháp và hành động để tuân thủ quy định chống khai thác IUU, thẻ vàng còn đứng trước nguy cơ chuyển thành thẻ đỏ. Theo Báo cáo “Đánh giá tác động kinh tế từ phân tích thương mại của việc không tuân thủ quy định chống khai thác IUU: Trường hợp Việt Nam”, các sản phẩm thủy sản khai thác chịu tác động trực tiếp từ các quy định IUU và cảnh báo thẻ vàng IUU, trong khi sản phẩm thủy sản nuôi trồng bị ảnh hưởng gián tiếp.
Nếu bị EC phạt thẻ đỏ, tác động trước mắt và trực tiếp nhất đối với thủy sản Việt Nam sẽ là lệnh cấm thương mại của EC. Khi đó, ước tính ngành này sẽ tổn thất khoảng 480 triệu USD/năm, trong đó tổn thất từ hải sản khai thác khoảng 387 triệu USD/năm.
Nhưng tổn thất chưa dừng lại đó. Các tác động gián tiếp với thủy sản nuôi trồng có nguyên do từ việc giảm sút uy tín, gánh nặng kiểm soát hải quan ngày càng tăng và không tận dụng được thuế quan ưu đãi của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
TS. Nguyễn Tiến Thông (Đại học Kinh Doanh Copenhagen, Đan Mạch), chuyên gia tư vấn của Vasep cho rằng: “Ngành thủy sản nuôi trồng có thể mất khoảng 93 triệu USD do các tác động gián tiếp. Về trung hạn, nếu lệnh cấm kéo dài 2-3 năm, có thể gây gián đoạn xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trong đó khai thác thủy sản bị thu hẹp ít nhất 30% về quy mô sản lượng”.
Tổng lực gỡ thẻ vàng
Thủy sản là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam về giá trị, chiếm khoảng 4% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam những năm gần đây dao động từ 8,5 đến gần 9 tỷ USD/năm.
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Ủy ban Hải sản thuộc Vasep cho biết, từ khi bị áp thẻ vàng IUU, xuất khẩu hải sản Việt Nam vào EU rất khó khăn, EU kiểm tra các container hàng từ Việt Nam rất chặt chẽ.
Các doanh nghiệp xuất khẩu cũng xác nhận, trong thời gian bị áp thẻ vàng, 100% các container hàng thủy sản xuất khẩu sang EU sẽ bị tạm giữ để kiểm tra nguồn gốc. Quá trình này có thể mất nhiều thời gian, lên đến 3-4 tuần và phí kiểm tra “xuất xứ” khoảng 700 USD/container. Phí cảng và các rủi ro khác cũng phát sinh. Rủi ro lớn nhất là một tỷ lệ lớn các container sẽ bị từ chối và trả lại, gây tổn thất nặng nề.
Sau thời hạn bị áp thẻ vàng, nếu không cải thiện được, Việt Nam sẽ bị xác định là quốc gia không hợp tác và bị phạt thẻ đỏ (không được xuất sản phẩm thủy sản khai thác vào EU).
Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, nếu Việt Nam sớm gỡ được thẻ vàng IUU, tận dụng được các ưu đãi thuế quan và thay đổi thể chế từ EVFTA, ngành thuỷ sản có thể phục hồi. Mục tiêu xuất khẩu sang EU đạt 1,2-1,4 tỷ USD trong những năm tới của ngành là khả thi.
Do vậy, phía Vasep cho rằng, cần những giải pháp hợp lý, hiệu quả để sớm khắc phục thẻ vàng, đưa ngành thủy sản hướng tới mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu hàng năm 7-9%, đạt 16-18 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu vào năm 2030, cũng như hỗ trợ nghề cá bền vững.
Bà Thu Sắc lưu ý, EU là thị trường chi phối thế giới, việc gỡ thẻ vàng rất quan trọng. Bởi bên cạnh việc cấm tất cả các sản phẩm thủy sản từ một quốc gia bị thẻ đỏ từ thị trường EU, các thị trường khác có thể áp dụng các hạn chế tương tự với các sản phẩm thủy sản từ quốc gia bị thẻ đỏ.