Cá tra là một trong những mặt hàng xuất khẩu có diễn biến tích cực cả về sản lượng và giá bán

Cá tra là một trong những mặt hàng xuất khẩu có diễn biến tích cực cả về sản lượng và giá bán

Thủy sản thêm động lực

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Xuất khẩu thủy sản năm 2024 vượt mốc 10 tỷ USD, kỳ vọng sẽ tiếp tục nối dài đà tăng trưởng trong năm 2025.

Trợ lực tăng trưởng

Năm 2024, ngành thủy sản bội thu khi hoạt động xuất khẩu mang về 10 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2023. Kết quả này tạo nền tảng quan trọng cho xuất khẩu thủy sản tiếp tục bứt phá trong năm 2025.

Theo ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm nay, ngành thủy sản đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 10,5 tỷ USD. Mục tiêu tổng diện tích nuôi trồng đạt hơn 1,3 triệu ha, tăng 2% so với năm ngoái, trong đó diện tích nuôi nước ngọt là 390.000 ha, diện tích nuôi mặn, nước lợ là 937.000 ha; tổng sản lượng khoảng 9,6 triệu tấn.

Với riêng cá tra, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản, năm 2024 ghi dấu ấn tại thị trường Mỹ khi kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh. Năm 2025, xuất khẩu cá tra sang Mỹ được kỳ vọng duy trì diễn biến khả quan nhờ giá bán cạnh tranh, trong khi hai mặt hàng thay thế gần nhất với cá tra là cá Minh Thái và cá rô phi từ Nga và Trung Quốc dự kiến tiếp tục gặp những yếu tố bất lợi.

Sản lượng xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mỹ được dự báo tăng trưởng 5 - 10% trong năm 2025. Theo Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), báo cáo của Hiệp hội Nhà hàng Mỹ cho thấy, tâm lý lạc quan của người tiêu dùng nước này gia tăng đáng kể sau cuộc bầu cử Tổng thống năm 2024. Điều này kỳ vọng sẽ có tác động tích cực đến nhu cầu tiêu thụ cá tra từ Việt Nam.

Dự báo, có 4 yếu tố tác động tích cực lên bức tranh xuất khẩu thủy sản năm 2025: thứ nhất, chính sách thuế của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump dự tính áp lên hàng hóa Trung Quốc ở mức cao sẽ giúp ngành thủy sản Việt Nam được hưởng lợi; thứ hai, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE được ký kết trong năm 2024 sẽ tạo cơ hội cho thủy sản Việt Nam tăng cường xuất khẩu vào thị trường UAE; thứ ba, mức thuế chống trợ cấp và chống bán phá giá của Mỹ đối với mặt hàng tôm và cá tra Việt Nam thấp hơn so với các nước khác; thứ tư, giá thức ăn chăn nuôi thủy sản đang có xu hướng giảm.

Kỳ vọng chu kỳ mới

Tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức bằng sự linh hoạt, kỳ vọng doanh nghiệp thủy sản sẽ có đà bứt phá trong năm 2025.

Trong thư gửi cổ đông nhân dịp năm mới 2025, Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Sao Ta, mã FMC) chia sẻ, năm 2024, Công ty có sản lượng chế biến, sản lượng tiêu thụ, kim ngạch xuất khẩu đều tăng trưởng và vượt chỉ tiêu kế hoạch, trong đó kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng 25%, gần gấp đôi mức trung bình của ngành. Cụ thể, doanh số chung năm 2024 của Sao Ta đạt 250,86 triệu USD, tăng 25%; tổng thành phẩm tôm chế biến 25.833 tấn, tăng gần 22%; tổng sản lượng tiêu thụ tôm thành phẩm 22.164 tấn, tăng 27%.

Sao Ta kỳ vọng, 2025 là năm khởi đầu cho sự tăng tốc mới của kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam, tôm Việt Nam và Sao Ta, tạo nền tảng cho chiến lược phát triển giai đoạn 2025 - 2030 của Công ty.

KBSV nhận định, giá cá tra xuất khẩu bình quân năm 2025 có khả năng cao hơn so với năm 2024, biên lợi nhuận các doanh nghiệp sẽ gia tăng, nhất là khi giá nguyên liệu sử dụng làm thức ăn chăn nuôi cho cá bao gồm cám, bột cá và bã đậu nành đang trên đà giảm, hiện thấp hơn từ 16 - 18% so với đầu năm, giúp các doanh nghiệp có hệ sinh thái khép kín từ thức ăn chăn nuôi đến trang trại cá như Vĩnh Hoàn và Nam Việt được hưởng lợi nhiều nhất.

Tại Công ty cổ phần Nam Việt (mã ANV), nhu cầu ở thị trường chính là Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục tăng khi tồn kho cá da trơn vẫn ở mức thấp và cá tra được tăng lợi thế cạnh tranh khi cá thịt trắng từ Nga bị cấm ở Mỹ và chịu mức thuế cao ở EU.

Công ty Chứng khoán Vietcombank dự báo, năm 2025, doanh thu tại thị trường Mỹ của Nam Việt có thể đạt 236 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2024; biên lợi nhuận ước đạt 10,6%, tăng 0,2%, trong đó biên lợi nhuận mảng cá tra giữ nguyên mức 9%. Nam Việt có thêm động lực tăng trưởng biên lợi nhuận từ mảng điện mặt trời khi công suất các nhà máy được cải thiện và doanh nghiệp bắt đầu khai thác tiềm năng từ sản phẩm C&G.

Đối với Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (mã VHC), theo nhiều khuyến nghị của giới phân tích, Công ty có động lực tăng trưởng từ thị trường xuất khẩu và cổ phiếu VHC có khả năng bứt phá trong năm 2025.

Công ty Chứng khoán An Bình nhận định, với việc 47% thị phần cá tra fillet đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ là của Vĩnh Hoàn và thị trường Mỹ chiếm đến trên 40% doanh thu xuất khẩu của doanh nghiệp này, triển vọng tăng trưởng của thị trường Mỹ sẽ là động lực chính đối với doanh nghiệp trong năm 2025. Chính sách thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc cùng với việc được hưởng mức thuế chống bán phá giá 0 USD/kg sẽ giúp Vĩnh Hoàn được hưởng lợi khi cạnh tranh thị phần với cá tra và cá rô phi Trung Quốc tại Mỹ. Bên cạnh đó, Vĩnh Hoàn đang tự chủ khoảng 70% nguồn nguyên liệu và Công ty dự kiến tiếp tục mở rộng vùng nuôi. Với tỷ lệ tự chủ nguồn nguyên liệu cá lớn, Vĩnh Hoàn sẽ ít bị ảnh hưởng bởi nguồn cung cá nguyên liệu giảm. Biên lợi nhuận của Công ty dự kiến sẽ cải thiện nhờ chi phí thức ăn cho cá có khả năng tiếp tục ở mức thấp trong thời gian tới.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia I.D.I (mã IDI) đang có sự chuẩn bị để tăng tốc trong giai đoạn tới khi vừa khởi công xây dựng Nhà máy chế biến thủy sản Hoa Kỳ, tổng vốn đầu tư gần 700 tỷ đồng. IDI cho biết, Nhà máy có công suất 120 tấn nguyên liệu/ngày, sản lượng cá fillet đông lạnh khoảng 20.000 tấn/năm. Dự kiến, thời gian xây dựng Nhà máy từ 12 - 14 tháng, sau khi hoàn thành sẽ góp phần nâng tổng công suất chế biến của Công ty lên hơn 500 tấn nguyên liệu/ngày.

Theo IDI, năm 2024, có 6 doanh nghiệp thủy sản Việt Nam được hưởng mức thuế chống bán phá giá thấp (POR19) mà Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng, trong đó có Công ty. Lợi thế xuất khẩu thủy sản vào Mỹ đang rộng cửa cho các doanh nghiệp này.

Mặc dù thị trường xuất khẩu thủy sản có nhiều tín hiệu cho thấy sẽ tiếp đà tăng trưởng trong năm 2025, nhưng vẫn có những rủi ro, thách thức mà doanh nghiệp phải đối mặt như nguồn nguyên liệu cá, tôm khan hiếm có thể đẩy chi phí đầu vào lên; chi phí vận chuyển dự kiến duy trì ở mức cao, tạo áp lực lên chi phí của doanh nghiệp; nguy cơ thủy sản Trung Quốc dư thừa ở thị trường nội địa sẽ ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu thủy sản chung cùng áp lực cạnh tranh.

Tin bài liên quan