Thủy sản Nam Việt (ANV), Sữa Quốc tế (IDP) chia tay bất động sản, rút về ngành lõi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bối cảnh thị trường không thuận lợi khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất từ bỏ kế hoạch “lấn sân” sang lĩnh vực bất động sản để tập trung vào ngành kinh doanh cốt lõi.
Bất động sản không phải là “miếng bánh thơm” với mọi doanh nghiệp.

Bất động sản không phải là “miếng bánh thơm” với mọi doanh nghiệp.

Những cuộc rút lui nhanh chóng

Giai đoạn năm 2021, đầu năm 2022, chứng kiến thị trường bất động sản sôi động, nhiều doanh nghiệp sản xuất quyết định mở rộng hoạt động sang lĩnh vực này. Nhưng đến thời điểm này, một số doanh nghiệp đã quyết định “quay xe”.

Cụ thể, đầu tháng 4/2023, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nam Việt (mã ANV) đã thông qua quyết định giải thể Công ty TNHH MTV Bất động sản Nam Việt do không còn nhu cầu hoạt động kinh doanh. Công ty này được thành lập vào ngày 9/3/2022, có địa chỉ tại số 19D Trần Hưng Đạo, phường Mỹ Quý, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang,

với ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê. Khi mới thành lập, công ty này có vốn điều lệ 81 tỷ đồng, nhưng tới ngày 17/6/2022 giảm xuống còn 9 tỷ đồng và nay thì chấm dứt hoạt động.

Còn nhớ, tại đại hội cổ đông thường niên năm 2022, ông Doãn Tới, Tổng giám đốc Nam Việt hào hứng chia sẻ với cổ đông về tiềm năng của mảng kinh doanh bất động sản, rằng Công ty đang sở hữu quỹ đất có giá trị thị trường cao gấp nhiều lần so với giá trị sổ sách và tới cuối năm 2022, Nam Việt dự kiến công bố 2 dự án bất động sản, năm 2023 tiếp tục công bố thêm 2 dự án nữa.

Thực tế, giai đoạn Nam Việt có ý định tham gia lĩnh vực kinh doanh bất động sản là lúc hoạt động kinh doanh cốt lõi - nuôi trồng, chế biến thủy sản - đang thuận lợi. Năm 2022, Nam Việt tự tin đặt kế hoạch lợi nhuận đạt 1.000 tỷ đồng, tăng đột biến so với mức 151 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế đạt được trong năm 2021 và cam kết duy trì mức lợi nhuận trên nghìn tỷ đồng trong nhiều năm.

Tuy nhiên, từ giữa năm 2022, hoạt động kinh doanh cá tra không còn thuận lợi, do ảnh hưởng của lạm phát cao tại các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, châu Âu. Kết thúc năm 2022, Công ty ghi nhận lãi 774 tỷ đồng, bằng 77,4% kế hoạch. Quý I/2023, Công ty ghi nhận lợi nhuận gần 108 tỷ đồng, giảm 54,7% so với cùng kỳ. Năm nay, Công ty dự kiến lợi nhuận đạt 500 tỷ đồng, giảm 35,4% so với thực hiện trong năm 2022.

Các chuyên gia dự báo giai đoạn thuận lợi nhất của ngành thuỷ sản đã qua và đang bước vào thoái trào. Đây có thể là lý do Ban lãnh đạo không tự tin mở rộng sang lĩnh vực bất động sản ở thời điểm hiện tại.

Công ty cổ phần Sữa Quốc tế (mã IDP) vừa thông qua việc giải thể công ty con là Công ty cổ phần Đầu tư Green Light, đơn vị được thành lập với mục đích đầu tư, kinh doanh bất động sản.

Tương tự, Công ty cổ phần Sữa Quốc tế (mã IDP) vừa thông qua việc giải thể công ty con là Công ty cổ phần Đầu tư Green Light, đơn vị được thành lập với mục đích đầu tư, kinh doanh bất động sản.

Trước đó, ngày 23/8/2022, Công ty cổ phần Sữa Quốc tế thông qua việc thành lập Công ty cổ phần Đầu tư Green Light (địa chỉ 217 Nguyễn Văn Thủ, phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM) với vốn điều lệ dự kiến là 500 tỷ đồng, Công ty góp 99,98% vốn.

Việc sở hữu quỹ tiền mặt lớn nhờ hoạt động kinh doanh ổn định và dòng tiền đều đặn từ sản xuất có thể là động cơ thúc đẩy Sữa Quốc tế lấn sân sang lĩnh vực bất động sản. Tại thời điểm 30/6/2022, Công ty sở hữu 1.641 tỷ đồng tiền và đầu tư tài chính, chiếm 48,6% tổng tài sản. Trong đó, tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn chiếm 1.547,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, kế hoạch này đã nhanh chóng khép lại khi Sữa Quốc tế giải thể Công ty cổ phần Đầu tư Green Light chỉ sau 9 tháng thành lập.

Bài học từ FPT và Gemadept

Mở rộng ngành nghề kinh doanh mới là bước đi nhiều doanh nghiệp thực hiện để tạo thêm dư địa tăng trưởng. Trong đó, bất động sản - ngành có tiềm năng tăng trưởng tốt ở Việt Nam, nhờ dân số đông, tầng lớp trung lưu ngày càng đông đảo - hấp dẫn nhiều doanh nghiệp “tay ngang” tham gia, nhất là những doanh nghiệp có sẵn quỹ đất rẻ, ở những vị trí đẹp.

Thực tế, trên sàn chứng khoán, nhiều doanh nghiệp nhờ tận dụng quỹ đất sẵn có phát triển dự án nhà ở, hoặc văn phòng cho thuê mà tạo được nguồn thu lớn, tối đa hóa lợi ích cho cổ đông. Tuy vậy, không phải doanh nghiệp nào cũng lấn sân sang mảng này thành công.

Việc mở rộng sang lĩnh vực mới không phải dễ dàng, đặc biệt là với lĩnh vực bất động sản. Thị trường từng chứng kiến không ít doanh nghiệp quy mô lớn phải rút lui khỏi mảng kinh doanh này để tập trung vào ngành cốt lõi.

Giai đoạn 2011 - 2012, Tập đoàn FPT từng gây chú ý với tuyên bố sẽ tham gia phát triển dự án căn hộ nhỏ, nhưng tập đoàn này cũng chỉ dừng lại ở phát triển một dự án duy nhất tại Đà Nẵng. Trước đó, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đi theo hướng tập đoàn đa ngành, ngoài lĩnh vực sản xuất - kinh doanh lõi là sản xuất - kinh doanh phần mềm, viễn thông, FPT cũng tham gia lĩnh vực tài chính, với việc mở ngân hàng, công ty chứng khoán, bán lẻ thiết bị công nghệ. Nhưng đến năm 2017, Công ty quyết định cấu trúc lại hệ thống, trong đó thoái vốn mảng bán lẻ để tập trung vào lĩnh vực công nghệ. Theo đó, FPT giảm sở hữu tại Công ty Thương mại FPT từ 100% xuống 48%, giảm sở hữu tại Công ty Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT) từ 85% về 55%. Công ty cũng dần thoái vốn khỏi lĩnh vực ngân hàng. Hoạt động kinh doanh của Tập đoàn tập trung hơn và ghi nhận bước tăng trưởng nhanh và bền vững trong thời gian qua, đặc biệt, chiến lược toàn cầu hóa của FPT đã có bước tiến lớn.

Tương tự, tại Công ty cổ phần Gemadept, năm 2017, doanh nghiệp định hướng tập trung nguồn lực vào ngành cốt lõi là khai thác cảng và logistics, tiếp tục thực hiện thoái vốn lĩnh vực trồng cây cao su, thoái vốn tại công ty vận tải biển…

Đó là các bước đi tái cấu trúc, quay trở lại ngành kinh doanh cốt lõi ban đầu của FPT và Gemadept sau giai đoạn đa ngành nhưng không mang lại hiệu quả như kỳ vọng.

Việc Nam Việt và Sữa Quốc tế giải thể mảng kinh doanh bất động sản khi thị trường địa ốc gặp khó và bỏ ngỏ thời điểm quay lại có thể nói là phản ứng nhanh nhạy của lãnh đạo các doanh nghiệp này. Điều này là cần thiết, bởi nếu chậm “rút chân”, rất có thể, doanh nghiệp sẽ bị “chôn vùi” một nguồn lực lớn khi thị trường bất động sản “đóng băng” kéo dài.

Tin bài liên quan