Áp lực cạnh tranh trước sức cầu giảm
Dự báo sức tiêu thụ tại nhiều thị trường suy giảm nên ngành thủy sản đặt mục tiêu năm 2023 xuất khẩu 10 tỷ USD, giảm 9% so với năm 2022, sau khi ghi nhận kim ngạch kỷ lục gần 11 tỷ USD và trở thành 1 trong 3 nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới (sau Trung Quốc và Na Uy).
Tôm và cá tra là hai mặt hàng có tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất trong năm qua (lần lượt chiếm 39,45% và 38,53%), nhưng trong 2 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu cá tra chỉ đạt 240 triệu USD, giảm 38% so với cùng kỳ, dù xuất khẩu sang Trung Quốc, Anh, Đức, Singapore, Bồ Đào Nha ghi nhận mức tăng từ 6 - 81%. Các thị trường nhập khẩu cá tra nhiều nhất lần lượt là Trung Quốc, Mỹ, Braxin, Thái Lan, Mexico.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá tra năm nay chủ yếu kỳ vọng vào Trung Quốc, một số nước châu Âu như Anh, Đức, Bồ Đào Nha và thị trường Trung Đông. Những tháng tới, nhu cầu nhập khẩu có thể tăng so với đầu năm nhờ các chương trình giao thương, xúc tiến thương mại như hội chợ, hội nghị, nhưng giá xuất khẩu dự kiến không cao.
SSI Research nhận định, giá cá tra bình quân năm 2023 có thể thấp hơn 20 - 30% so với năm 2022, cộng với đơn hàng chậm, nguồn cung không thiếu hụt, nên lợi nhuận năm nay của các doanh nghiệp cá tra nhiều khả năng sẽ ghi nhận mức tăng trưởng âm, dù chi phí thức ăn thủy sản cũng giảm.
Tôm Việt Nam tiếp tục bị cạnh tranh gay gắt bởi tôm Ecuador và Ấn Độ.
Hiện tại, áp lực cạnh tranh trước sức cầu giảm, nguồn cung cao là tình trạng chung của các doanh nghiệp thủy sản. Trong đó, tôm Việt Nam tiếp tục bị cạnh tranh gay gắt bởi tôm Ecuador có giá rẻ, lại gần Mỹ, nên chi phí vận chuyển thấp, còn các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam vẫn đang chịu áp lực về chi phí logistics. Đặc biệt, giá nguyên liệu tôm của Việt Nam hiện cao hơn 20 - 30% so với tôm cùng loại của Ecuador và Ấn Độ (hai nước xuất khẩu tôm lớn nhất và nhì thế giới năm 2022, Việt Nam đứng thứ ba).
Trong tháng 2/2023, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam chỉ đạt 251 triệu USD, giảm 54,9% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này là 335 triệu USD, giảm 40% so với cùng kỳ; trong đó, các thị trường lớn như Nhật Bản giảm 35%, Mỹ giảm 51%, EU giảm 46%.
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thủy sản Sao Ta (Sao Ta, mã chứng khoán FMC) chia sẻ, bức tranh kinh doanh thủy sản hiện nay làm ông nhớ lại câu chuyện về cá tra năm 2010, khởi đầu cho gần chục năm ngành này có kết quả hoạt động đáng buồn, bởi giá cá tra thương phẩm sụt giảm, người nuôi thua lỗ, buộc phải “treo” ao, không ít doanh nghiệp kinh doanh cá đóng cửa, có những lãnh đạo doanh nghiệp tha hương vì nợ nần không trả nổi. Tình trạng này có thể xuất hiện ở ngành tôm trong thời gian tới.
Theo ông Lực, ngành tôm chuẩn bị bước vào vụ tôm ở các tỉnh miền Tây, nhưng tình hình sản xuất gặp nhiều bất lợi bởi thời tiết và dịch bệnh. Nếu mất mùa tôm, giá sẽ được đẩy lên, cao hơn giá thế giới, các doanh nghiệp xuất khẩu đứng trước nguy cơ thua lỗ và nhà máy chế biến có nguy cơ phải đóng cửa hoạt động.
Thị trường Trung Quốc khó có thể bù đắp cho thị trường Mỹ và EU
Trung Quốc mở cửa trở lại từ đầu tháng 3/2023 sau thời gian dài đóng cửa phòng chống dịch Covid-19 là động thái tích cực đối với các doanh nghiệp cá tra Việt Nam. Bởi lẽ, kể từ năm 2020, đây là thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam. Doanh thu từ thị trường Trung Quốc trong năm 2023 được kỳ vọng sẽ bù đắp cho sự thiếu hụt tại thị trường Mỹ và EU.
Mặc dù vậy, biên lợi nhuận ở thị trường Trung Quốc thấp do giá bán thấp (giá bán bình quân sang thị trường này thường thấp hơn khoảng 40% so với giá bán bình quân sang thị trường Mỹ), nên ít có khả năng bù đắp về lợi nhuận cho các doanh nghiệp, trước mắt là trong nửa đầu năm 2023.
Với ngành tôm, theo Công ty Chứng khoán BDIV, kinh tế Mỹ và EU được dự báo gặp nhiều khó khăn trong năm 2023, điều này sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ tôm, bởi tôm là mặt hàng thủy sản giá cao, trong khi tôm Việt Nam có giá cao hơn 10 - 15% so với tôm của các quốc gia đối thủ.
Mặc dù vậy, một số doanh nghiệp thủy sản vẫn lên kế hoạch kinh doanh tăng trưởng cho năm 2023. Chẳng hạn, ngày 7/4 tới, Sao Ta sẽ tổ chức đại hội cổ đông thường niên. Tài liệu đại hội cho thấy, doanh nghiệp đặt mục tiêu năm nay đạt doanh thu 5.900 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 400 tỷ đồng, lần lượt tăng 3,4% và 25% so với mức thực hiện năm ngoái.
Sao Ta cho biết, Công ty sẽ tập trung cải thiện giá thành sản phẩm thông qua giảm chi phí, định mức, đồng thời phát triển những thị trường có thế mạnh như Nhật Bản, Hàn Quốc và từng bước mở rộng thị trường EU. Ngoài ra, Công ty dự kiến thi công vùng nuôi mới 203 ha, hoàn thành trong quý II/2023 và sẽ thả nuôi toàn bộ 240 ao khi làm xong, nâng tổng số ao lên con số 600.
Công ty cổ phần Nam Việt (mã chứng khoán ANV) dự kiến, năm 2023 sẽ mở rộng tập khách hàng để đẩy mạnh các đơn hàng ở thị trường Trung Quốc, kỳ vọng doanh thu từ thị trường này đạt mức tăng khoảng 45%, tạo động lực tăng trưởng chính cho Công ty. Năm ngoái, doanh thu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc của Nam Việt chiếm 18,5% tổng doanh thu. Một trong những lợi thế của Nam Việt hiện nay là vùng nuôi khép kín 850 ha, tự chủ 100% cá nguyên liệu, cá giống, không bị ảnh hưởng khi giá cá nguyên liệu tăng.
Nam Việt vừa tăng vốn điều lệ từ 1.275 tỷ đồng lên 1.335 tỷ đồng thông qua phát hành 60 triệu cổ phiếu ESOP. Trong khi đó, Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú (mã chứng khoán MPC) vừa có nghị quyết Hội đồng quản trị phê duyệt tăng thêm 70 tỷ đồng vốn điều lệ (lên 270 tỷ đồng) cho Công ty TNHH Sản xuất giống thủy sản Minh Phú từ nguồn vốn công ty mẹ.
Trên thị trường chứng khoán, khó khăn của ngành thủy sản đã được phản ánh vào giá cổ phiếu của đa số doanh nghiệp trong ngành. Tính từ đầu năm đến ngày 30/3/2023, cổ phiếu VHC của Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn giảm 25,8%, cổ phiếu MPC giảm 3,9%, cổ phiếu IDI của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia I.D.I giảm 3%, chỉ có cổ phiếu FMC và ANV tăng giá, lần lượt 10,8% và 28,4%.