Tiếp tục đà hồi phục, trong quý II/2024, Thủy sản Minh Phú ghi nhận doanh thu đạt 3.737,7 tỷ đồng, tăng 59,1% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 38,42 tỷ đồng, tăng 278,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp thu hẹp từ 14,1% về 10,5%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 18,8% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 62,03 tỷ đồng lên 392,84 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 161,8%, tương ứng tăng thêm 20,06 tỷ đồng lên 32,46 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 40%, tương ứng tăng thêm 20,04 tỷ đồng lên 70,19 tỷ đồng; lãi công ty liên doanh, liên kết ghi nhận lỗ 26,52 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 21,7 tỷ đồng, tức giảm 48,22 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng nhẹ 1,7%, tương ứng tăng thêm 4,24 tỷ đồng lên 260,36 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Như vậy, trong kỳ mặc dù biên lợi nhuận thu hẹp nhưng nhờ doanh thu tăng cao nên lợi nhuận gộp tăng tới 18,8%, từ đó giúp Công ty ghi nhận lãi tăng mạnh trong quý II.
Lý giải lợi nhuận tăng cao trong quý II, ông Lê Văn Điệp, Phó Tổng giám đốc Thủy sản Minh Phú cho biết do doanh thu bán hàng tăng, đồng thời kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh các Công ty nuôi tôm giống và tôm thương phẩm trong kỳ bắt đầu có hiệu quả.
Luỹ kế nửa đầu năm 2024, Thủy sản Minh Phú ghi nhận doanh thu đạt 6.488,3 tỷ đồng, tăng 45,1% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 45,7 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 88,1 tỷ đồng, tức tăng thêm 133,82 tỷ đồng.
Được biết, trong năm 2024, Thủy sản Minh Phú đặt kế hoạch doanh thu 18.568,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.265,7 tỷ đồng.
Như vậy, mặc dù có lãi tăng mạnh trong nửa đầu năm 2024 nhưng với giá trị lãi đạt 45,7 tỷ đồng, Thủy sản Minh Phú mới chỉ hoàn thành 3,6% so với kế hoạch năm.
Dòng tiền âm 782,4 tỷ đồng, kỷ lục từ năm 2015 tới nay
Trái với lợi nhuận có lãi trở lại trong nửa đầu năm 2024, dòng tiền kinh doanh chính của Thủy sản Minh Phú tiếp tục âm tới 782,4 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 230,95 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 106,3 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 623,96 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh.
Được biết, theo dữ liệu trên iBoard của Chứng khoán SSI, sau năm 2021 ghi nhận dòng tiền âm 686,87 tỷ đồng, Thủy sản Minh Phú đã trải qua hai năm dòng tiền dương với giá trị dương 575,77 tỷ đồng năm 2022 và dương 349,06 tỷ đồng năm 2023.
Và nếu nhìn rộng ra từ năm 2015 tới nay, giá trị dòng tiền kinh doanh âm 782,4 tỷ đồng, đây là giá trị âm cao nhất từ năm 2015 tới nay.
Ngoài ra, về quy mô tài sản, tính tới ngày 30/6/2024, tổng tài sản của Thủy sản Minh Phú tăng 9,7% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 989,9 tỷ đồng lên 11.198,4 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tồn kho ghi nhận 5.775,6 tỷ đồng, chiếm 51,6% tổng tài sản; tài sản cố định ghi nhận 1.995,6 tỷ đồng, chiếm 17,8% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 1.671,5 tỷ đồng, chiếm 14,9% tổng tài sản và các khoản mục khác.
Về biến động tài sản, trong kỳ, tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn giảm 50,9% so với đầu năm, tương ứng giảm 265,5 tỷ đồng về 255,7 tỷ đồng. Ngược lại, các khoản phải thu ngắn hạn tăng 29,3% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 378,3 tỷ đồng lên 1.671,5 tỷ đồng; tồn kho tăng 16,3% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 808,9 tỷ đồng lên 5.775,6 tỷ đồng …
Việc tăng tồn kho và các khoản phải thu ngắn đã góp phần dẫn tới dòng tiền kinh doanh trong nửa đầu năm 2024 của Thủy sản Minh Phú tiếp tục âm.
Ngược lại, về phần nguồn vốn, tính tới cuối quý II, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của Thủy sản Minh Phú đã tăng 16,1% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 624,4 tỷ đồng lên 4.511,5 tỷ đồng và bằng tới 82% tổng vốn chủ sở hữu (đầu năm dư nợ 3.887,1 tỷ đồng và bằng 71,2% tổng vốn chủ sở hữu). Trong đó, nợ vay ngắn hạn là 4.277,2 tỷ đồng và nợ vay dài hạn là 234,3 tỷ đồng.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 12/8, cổ phiếu MPC tăng 200 đồng lên 17.200 đồng/cổ phiếu.