Thiếu vốn, Công ty Cổ phần Gò Đàng phải hủy niêm yết và bán gần 49% cổ phần cho đối tác ngoại. Ngay sau khi có vốn, công ty này đã nhanh chóng chi 250 tỉ đồng để xây dựng nhà máy chế biến thủy sản với kỹ thuật hiện đại giúp Gò Đàng giảm được khoảng 150 lao động.
Cuối năm 2012, Gò Đàng đã xin hủy niêm yết trong khi doanh thu và lợi nhuận vẫn tăng trưởng đều, giá cổ phiếu cũng ở mức cao. Ngay sau khi rời sàn, Gò Đàng liên tục phát hành cổ phiếu cho đối tác
Ông Nguyễn Tùng Dương, Phó Tổng Giám đốc Gò Đàng, cho biết lý do rời sàn là theo yêu cầu của đối tác
Không chỉ Gò Đàng, những công ty lớn nhất ngành thủy sản như Minh Phú, Hùng Vương, Agifish... cũng đang nhắm đến nhà đầu tư ngoại. Nguyên nhân là hầu hết các doanh nghiệp đều thiếu vốn để tiếp tục mở rộng hoạt động trong thời gian tới.
Minh Phú đã hủy niêm yết và bán 30% cổ phần công ty con cho nhà đầu tư Nhật. Kể từ sau khi xây dựng nhà máy thủy sản Minh Phú Hậu Giang, công ty mẹ Minh Phú đã liên tục gặp khó khăn về vốn. Minh Phú Hậu Giang được xây dựng với công suất lớn và từng được kỳ vọng sẽ là cánh tay đắc lực của Minh Phú nhưng có thời điểm công suất chạy của nhà máy này chỉ đạt 50%.
Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc của Minh Phú, cho biết sẽ tiếp tục tìm thêm đối tác. Lý do chỉ tìm vốn ngoại, theo ông, vì Công ty không tìm thấy được nhà đầu tư trong nước đáp ứng đầy đủ điều kiện về tiềm năng, kinh nghiệm quản lý, sự quan tâm đến ngành tôm và có thể là đối tác chiến lược.
Tỉ lệ cổ phần các công ty thủy sản bán cho nhà đầu tư ngoại
Khó khăn tìm tới vốn ngoại đã đành, Công ty Thủy sản Hùng Vương tuy tăng trưởng ổn định vẫn bắt đầu có động thái tìm nhà đầu tư ngoại. Theo thông tin chưa chính thức, Hùng Vương đang chuẩn bị phát hành thêm 30 triệu cổ phiếu cho đối tác chiến lược Singapore với giá thấp nhất là 30.000 đồng/cổ phiếu, nâng vốn điều lệ lên 1.500 tỉ đồng. Việc phát hành thêm cổ phiếu đã giúp Công ty có phần thặng dư khoảng 600 tỉ đồng.
Gần đây, Hùng Vương đưa ra mục tiêu đến năm 2015 sẽ tăng vốn điều lệ lên 20.000 tỉ đồng để thực hiện chiến lược phát triển sản xuất kinh doanh. Chính vì vậy, Hùng Vương cũng đang lên phương án phát hành cổ phiếu chiến lược riêng lẻ cho cổ đông trong thời gian tới.
Ông Dương Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản Hùng Vương, cho biết tháng 12 tới đây sẽ có kết quả chính thức về vấn đề này.
Không những tìm đối tác để bán cổ phần, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (Agifish) còn dự tính bán cả công ty con. Agifish cho biết đã quyết định tìm đối tác phù hợp để chuyển nhượng 100% cổ phần của Công ty M&T Seafood’s Corp (trụ sở tại Mỹ). Hiện tại, công ty này có giá trị tương đương 14,5 tỉ đồng.
Vừa qua, Agifish cũng ra thông báo phát hành thêm gần 12,7 triệu cổ phiếu. Nguyên nhân là Công ty muốn tăng vốn lên gấp đôi để đầu tư vùng nuôi cá nguyên liệu. Theo thông tin của Công ty, Agifish dự kiến sẽ có 154,3 tỉ đồng tiền bán cổ phiếu và sẽ đầu tư khoảng 169,5 tỉ đồng cho 3 vùng nguyên liệu là An Giang, Cần Thơ và Đồng Tháp. Cũng phải nói thêm, ở lĩnh vực thủy hải sản chế biến, đầu năm 2012, Công ty Thực phẩm Cholimex đã bán 19% cổ phần cho đối tác Nhật.