Giá xuất khẩu cá tra sang Mỹ, Trung Quốc, EU có thể tiếp tục cải thiện do nhu cầu tăng lên

Giá xuất khẩu cá tra sang Mỹ, Trung Quốc, EU có thể tiếp tục cải thiện do nhu cầu tăng lên

Thủy sản đón mùa tiêu dùng cao điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Xuất khẩu thủy sản trong 9 tháng đầu năm 2024 tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đến cuối năm có thể hoàn thành vượt mức mục tiêu mang về 10 tỷ USD.

Những con số khả quan

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, xuất khẩu thủy sản 9 tháng đầu năm 2024 của cả nước đạt 7,16 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng quý III, kim ngạch xuất khẩu ghi nhận mức tăng trưởng cao, tháng 7 đạt 885 triệu USD, tăng 14%, tháng 8 đạt 953 triệu USD, tăng 20%, tháng 9 đạt 866 triệu USD, 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sau 4 năm bị xáo trộn bởi đại dịch Covid-19, biến động chính trị, lạm phát cao trên thế giới, các thị trường nhập khẩu thủy sản của Việt Nam đang dần ổn định trở lại. VASEP đánh giá, xuất khẩu thủy sản đã quay trở lại quỹ đạo thông thường và sẽ tăng tốc trong những tháng cuối năm nay.

Năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu thủy sản mang về 10 tỷ USD, với kết quả 9 tháng khả quan và triển vọng tích cực, ngành thủy sản được kỳ vọng sẽ thực hiện vượt mục tiêu. Trong đó, xuất khẩu tôm ước đạt gần 4 tỷ USD, cá tra đạt khoảng 2 tỷ USD, cá ngừ xấp xỉ 1 tỷ USD, mực, bạch tuộc khoảng 640 triệu USD, còn lại là các mặt hàng cá biển và hải sản khác.

Động lực tăng trưởng của xuất khẩu thủy sản còn đến từ những thay đổi tích cực về chính sách vĩ mô của các thị trường lớn. Việt Nam là thị trường cung cấp mặt hàng thủy sản lớn thứ ba tại Trung Quốc. Mới đây, Trung Quốc tung ra gói kích thích kinh tế quy mô lớn, trong đó có giải pháp nới lỏng chính sách tiền tệ. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã quyết định giảm tỷ lệ dữ trữ bắt buộc 0,5%, xuống mức thấp nhất kể từ năm 2020; giảm lãi suất repo đảo ngược kỳ hạn 7 ngày xuống 1,5%; giảm lãi suất cho vay trung hạn 0,3% và lãi suất cho vay cơ bản 0,2 - 0,25%.

Trong 8 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc đạt 1,02 tỷ USD, chiếm khoảng 16% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Với các chính sách thúc đẩy kinh tế, kích thích cầu tiêu dùng của Trung Quốc, các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang nước này như cá tra, tôm kỳ vọng sẽ có diễn biến tích cực trong thời gian tới.

Một động lực khác của ngành thủy sản đến từ chính sách giảm lãi suất tại thị trường châu Âu và Mỹ. Ngày 12/9, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cắt giảm lãi suất thêm 0,25%, xuống 3,5%. Đây là lần thứ hai trong năm 2024, ECB quyết định cắt giảm lãi suất trong bối cảnh lạm phát hạ nhiệt và tăng trưởng kinh tế trong khu vực tránh được nguy cơ suy thoái. Trước đó, Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED) giảm 0,5% lãi suất vào ngày 18/9, xuống 4,75 - 5% và dự kiến giảm thêm 0,5% lãi suất trong quý IV. Lãi suất hạ sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế châu Âu và Mỹ tăng trưởng, mang lại triển vọng sáng hơn cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam khi đây đều là các thị trường xuất khẩu lớn.

Kỳ vọng mùa mua sắm cuối năm

Các thị trường nhập khẩu thủy sản của Việt Nam đang dần ổn định trở lại, nhu cầu dự báo sẽ gia tăng trong những tháng cuối năm.

Lượng hàng tồn kho tại nhiều thị trường suy giảm và các nhà bán lẻ cần bổ sung hàng tồn kho trước mùa mua sắm cuối năm đang tạo cơ hội cho doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu.

Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI) nhận định, giá xuất khẩu cá tra sang Mỹ, Trung Quốc, EU có thể tiếp tục cải thiện do nhu cầu tăng lên.

Theo dữ liệu của Agromonitor, giá bán bình quân cá tra phi lê xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt 3,2 USD/kg trong tháng 7 và 8/2024, tăng 7% so với quý II/2024 cũng như so với cùng kỳ năm 2023.

Bên cạnh đó, việc Mỹ xem xét công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường trong thời gian tới sẽ giúp tháo gỡ những rào cản thuế chống trợ cấp đối với sản phẩm tôm xuất khẩu, các doanh nghiệp thủy sản như Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Minh Phú, mã MPC) sẽ được hưởng lợi, nhất là trong bối cảnh lượng hàng tồn kho tại Mỹ giảm và nhu cầu mua sắm mùa lễ hội cuối năm gia tăng.

PSI dự báo, Nhà máy Minh Phát của Minh Phú đi vào hoạt động trong năm 2024 sẽ giúp doanh nghiệp nâng sản lượng tôm sản xuất lên 62.220 tấn, kỳ vọng đem về doanh thu thành phẩm khoảng 16.622 tỷ đồng.

Cùng ở trong mảng tôm, Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Sao Ta, mã FMC) vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 9 đầu năm 2024 với doanh số đạt 30,16 triệu USD, tăng 48,5% so với cùng kỳ năm 2023. Các trại nuôi của Sao Ta đang cải tạo ao, chuẩn bị điều kiện tốt nhất phục vụ cho đợt thả giống mới. Riêng sản lượng tôm thành phẩm tiêu thụ trong tháng 9/2024 đạt 2.638 tấn, tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng tiêu thụ nông sản thành phẩm đạt 126 tấn.

Sao Ta được nhận định sẽ duy trì sức cạnh tranh trước các doanh nghiệp tôm của Ecuador khi phát triển sản phẩm tôm giá trị gia tăng và xuất khẩu qua Nhật Bản.

Tại Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (mã VHC), kết quả kinh doanh tháng 8/2024 ghi nhận mức tăng trưởng 31% về doanh thu, đạt 1.170 tỷ đồng, mức cao nhất theo tháng kể từ đầu năm 2024. Trong đó, tất cả các mảng đều đạt mức tăng trưởng 2 con số, riêng doanh thu cá tra phi lê đạt 730 tỷ đồng, tăng 39%.

Sự phục hồi của các thị trường lớn, đặc biệt là Mỹ (chiếm 57% tổng doanh thu cá tra) giúp Vĩnh Hoàn có động lực tăng trưởng mạnh mẽ.

Lũy kế 8 tháng đầu năm 2024, Vĩnh Hoàn đạt 8.300 tỷ đồng doanh thu, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong các tháng cuối năm nay.

SSI Research ước tính, năm 2024, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Vĩnh Hoàn lần lượt tăng 16% và 34% so với năm 2023; sang năm 2025, mức tăng trưởng là 13% và 29%.

Tuy nhiên, lãnh đạo một doanh nghiệp trong ngành cá tra chia sẻ, doanh thu tăng nhưng lợi nhuận không nhiều, vì áp lực chi phí quá lớn. Doanh nghiệp kỳ vọng, bức tranh kinh doanh năm 2025 sẽ sáng hơn khi các chính sách vĩ mô tác động tích cực đến thị trường, trong đó chính sách giảm lãi suất của Fed có thể cần 9 - 12 tháng để “ngấm” vào thực tế.

Trên sàn chứng khoán, VN-Index hiện có mức tăng hơn 10% so với đầu năm 2024, nhưng nhiều cổ phiếu trong nhóm thủy sản không tăng, thậm chí giảm như MPC giảm 16%, IDI giảm 18%, FMC giảm 2%, ANV giảm 8,6%, riêng VHC tăng hơn 7%. Kỳ vọng, sức cầu tiêu dùng cuối năm tăng cao với triển vọng doanh thu khả quan sẽ tạo động lực mới cho nhóm cổ phiếu này.

Tin bài liên quan