Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4 ghi nhận doanh thu của Thủy sản Cửu Long An Giang giảm 32% còn 338 tỷ đồng. Giá vốn chiếm tỷ trọng cao khiến lợi nhuận gộp giảm đến 60% xuống 56 tỷ đồng.
Sau khi khấu trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế quý 4 của ACL còn 12 tỷ đồng, giảm đến 87%. Giải trình về vấn đề này Công ty cho biết, lợi nhuận hợp nhất sau thuế giảm do doanh thu giảm, dẫn đến lợi nhuận gộp giảm.
Lũy kế cả năm 2019, công ty xuất khẩu cá tra này có doanh thu 1.418 tỷ đồng, giảm 16% và lợi nhuận sau thuế thu về 144 tỷ đồng, giảm 37% so với năm trước. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) đạt 6.329 đồng.
Năm 2018 là năm thuận lợi và hầu hết các công ty cá tra đều đạt đỉnh lợi nhuận. ACL cũng ghi nhận kết quả rất khả quan khi lợi nhuận tăng 10 lần 230 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá cá tra diễn biến xấu vào từ cuối năm 2018 khiến nhiều công ty gặp khó khăn, sự khó khăn này đã dần thể hiện trong kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp.
Theo kế hoạch đề ra cho năm 2019, ACL đặt chỉ tiêu doanh thu 1.600 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 180 tỷ đồng. Với kết quả trên, công ty mới hoàn thành 89% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận.
Tại thời điểm cuối năm 2019, công ty tại An Giang có tổng tài sản gần 1.500 tỷ đồng, trong đó hàng tồn kho tăng mạnh lên 707 tỷ đồng, chiếm gần phân nửa tài sản. Về nguồn vốn, công ty có vay nợ ngắn hạn 666 tỷ đồng và có 410 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Trên thị trường chứng khoán, phiên giao dịch hôm 16/01 cổ phiếu ACL hiện đang giảm sâu về vùng 21.000 đồng/cp, giảm một nửa so với mức đỉnh 44.000 đồng/cp đã thiết lập hồi 4/2019. Tương ứng vốn hóa thị trường giảm hơn một nửa của Công ty đạt 478,79 tỷ đồng cùng với thanh khoản cạn kiệt.