Công ty cổ phần thủy sản Bạc Liêu đã có lãi trở lại sau 5 quý liên tiếp thua lỗ.
Công ty cổ phần Thủy sản Bạc Liêu cho biết, trong quý II/2023, Công ty đạt lợi nhuận sau thuế 12,8 tỷ đồng, trong khi quý II/2022 thua lỗ 6,9 tỷ đồng. Nguyên nhân chính do nguồn nguyên liệu rau củ quả vào mùa thu hoạch nên sản lượng thành phẩm sản xuất xuất khẩu tăng nhiều.
Trong quý II/2023, doanh thu của Công ty đạt 157,2 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng trong kỳ giá vốn bán hàng giảm gần 27%, nên lợi nhuận gộp tăng 55%, đạt 34,8 tỷ đồng. Doanh thu tài chính tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 3,2 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính tăng gần như đi ngang và chi phí bán hàng giảm gần 16%, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm nhẹ, do đó lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt hơn 9 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái thua lỗ 9 tỷ đồng.
Trong quý II/2023, Công ty còn ghi nhận một khoản lợi nhuận khác hơn 3,78 tỷ đồng, nên tổng lợi nhuận kế toán trước thuế đạt 12,83 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế là 12,83 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái công ty lỗ 6,9 tỷ đồng.
Mặc dù kết quả kinh doanh quý II/2023 có khởi sắc, nhưng lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, Thủy sản Bạc Liêu vẫn thua lỗ, bởi trước đó Công ty đã có 5 quý liên tiếp thua lỗ. Quý I/2023 lỗ 12,8 tỷ đồng, quý IV/2022 lỗ 14,3 tỷ đồng, quý III/2022 lỗ 10,3 tỷ đồng, quý I/2022 và quý II/2022 đều thua lỗ 6,9 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, Công ty Thủy sản Bạc Liêu ghi nhận lỗ 97 triệu đồng, giảm lỗ hơn so với khoản thua lỗ 13,9 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu 6 tháng đạt 278,4 tỷ đồng giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến ngày 30/6/2023, Công ty Thủy sản Bạc Liêu có tổng tài sản đạt mức 520 tỷ đồng, giảm 8% so với đầu năm. Hàng tồn kho ghi nhận 310 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% so với đầu năm. Tài sản ngắn hạn là 424 tỷ đồng, chiếm hơn 81,5% tổng tài sản của công ty. Tiền và các khoản tương đương tiền là 2,2 tỷ đồng, giảm 75%. Các khoản phải thu ngắn hạn hơn 100 tỷ đồng, chiếm 1/5 tổng tài sản.
Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả của công ty là 408 tỷ đồng, giảm gần 11% với đầu năm và gấp 4 lần so với vốn chủ sở hữu (111 tỷ đồng).
Cổ phiếu BLF đang trong diện bị cảnh báo do nhiều lý gồm lợi nhuận sau thuế năm 2021 và 2022 là số âm, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2022 là số âm, chưa họp Đại hội đồng cổ đông thường niên thường niên quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Ngoài ra, cổ phiếu này còn thuộc diện bị đình chỉ giao dịch, bị kiểm soát.