Thủy sản An Giang (AGF) chìm dần

Thủy sản An Giang (AGF) chìm dần

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Từng là doanh nghiệp có tên tuổi trong ngành chế biến cá tra xuất khẩu, nhưng vài năm trở lại đây, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (mã AGF) chìm ngập trong thua lỗ.

Nợ nần ngập cổ

Mới đây, Công ty cổ phần Thủy sản An Giang có công văn gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước giải trình về việc chênh lệch số liệu trước và sau kiểm toán với báo cáo tài chính năm 2020 (từ lỗ 8,9 tỷ đồng trên báo cáo tự lập thành lỗ 222 tỷ đồng sau kiểm toán). Theo đó, việc lỗ tăng mạnh chủ yếu là do phải trích lập bổ sung dự phòng nợ phải thu khó đòi, từ 12,7 tỷ đồng tăng vọt lên 221 tỷ đồng.

Đơn vị kiểm toán là Hãng Kiểm toán AASC cũng đưa ra hàng loạt ý kiến ngoại trừ trong báo cáo tài chính năm 2020 của Thủy sản An Giang.

Trong đó, liên quan đến hợp đồng mua bán 19.674,7 m2 đất và tài sản trên đất là kho lạnh tại phường Mỹ Thanh, huyện Long Xuyên, An Giang (nay là kho lạnh Mỹ Thới) với Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Delta AGF có giá trị 120 tỷ đồng, đơn vị kiểm toán không thu thập được bằng chứng kiểm toán về quyền sở hữu hợp pháp của Công ty với tài sản trên.

Báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2020 cũng thể hiện, Công ty lỗ lũy kế 754 tỷ đồng, gấp 2,68 lần vốn góp của cổ đông. Nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn 308 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 60 tỷ đồng.

Nợ xấu của Công ty lên tới 565 tỷ đồng, như khoản nợ của M&T Seafood Corporation, Công ty cổ phần Nông thủy sản Việt Phú, Công ty TNHH Thủy sản Hưng Thành.... với khả năng thu hồi thấp. Ngoài ra, tài sản của Công ty nằm ở dạng hàng tồn kho lên tới 179 tỷ đồng.

Công ty ghi nhận khoản mục tài sản cố định hữu hình nguyên giá gồm nhà cửa, máy móc, trang thiết bị… có giá 620 tỷ đồng, nhưng trong đó có nhiều khoản được thế chấp, cầm cố đảm bảo các khoản vay của Công ty và công ty mẹ là Công ty cổ phần Hùng Vương.

Tên tuổi chìm dần

Thủy sản An Giang tiền thân là Xí nghiệp Đông lạnh An Giang được thành lập từ năm 1985, được cổ phần hóa vào năm 2001. Thời điểm đó, Công ty đứng thứ 2 cả nước về năng lực chế biến xuất khẩu thủy sản (sản phẩm chính là cá basa và cá tra đông lạnh). Hiện Công ty có vốn điều lệ 281 tỷ đồng.

Giai đoạn mới cổ phần hóa, hoạt động kinh doanh của Công ty vẫn tích cực, nhưng từ năm 2015 trở lại đây bắt đầu chuyển biến xấu. Năm 2015, Công ty lỗ 445 triệu đồng, năm 2016 lãi nhẹ 2,5 tỷ đồng để rồi sau đó chìm sâu trong thua lỗ.

Tháng 6/2021, cổ phiếu AGF bị hạn chế giao dịch do Công ty bị âm vốn chủ sở hữu, chậm công bố báo cáo tài chính năm 2020 và không có biện pháp khắc phục.

Giải trình với cổ đông về khoản lỗ lũy kế lên đến 754 tỷ đồng, ông Nguyễn Văn Ký, Giám đốc Công ty cho biết, từ cuối năm 2015, thị trường Mỹ và châu Âu tiêu thụ mạnh cá fillet, Công ty đầu tư vùng nuôi hơn 110 ha, sản lượng hơn 60.000 tấn.

Nhưng từ năm 2016, việc xuất khẩu vào Mỹ gặp khó khăn do Bộ Thương mại Mỹ đánh thuế chống phá giá cá fillet quá cao, dẫn đến tồn đọng nguyên liệu dưới ao, hệ quả Công ty chịu lỗ hơn 500 tỷ đồng.

Trong cơ cấu cổ đông của AGF hiện nay, Công ty cổ phần Hùng Vương (mã HVG) sở hữu 79,58% vốn và SCIC nắm 8,24%. SCIC đang lên kế hoạch thoái toàn bộ vốn tại AGF, giá trị tương ứng 23,17 tỷ đồng.

Công ty mẹ HVG từng là doanh nghiệp hàng đầu trong ngành thủy sản nhưng cũng chịu thua lỗ nặng vài năm trở lại đây và đã bị hủy niêm yết bắt buộc từ năm 2020. Đến cuối năm 2019, tổng lỗ lũy kế của HVG lên đến 1.743 tỷ đồng.

Năm 2020, khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, xuất khẩu cá tra bị ảnh hưởng trầm trọng nhưng từ cuối năm 2020 đến nay, tình hình dần cải thiện.

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản đang trên đà phục hồi, trong đó mặt hàng cá tra tăng 26% (đạt 134 triệu USD trong tháng 5).

Một số doanh nghiệp được gỡ thuế chống bán phá giá đối với cá tra, cá basa và ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực như Vĩnh Hoàn, Nam Việt. Tuy nhiên, Thủy sản An Giang vẫn chưa tìm thấy lối ra.

Báo cáo của Hội đồng quản trị Thủy sản An Giang cho biết, việc ngân hàng siết chặt vốn vay, thiếu vốn, thiếu nguyên liệu, trong khi không đủ nguồn vốn để mua nguyên liệu bên ngoài, Công ty đã lỡ mất thời cơ kinh doanh khi giá xuất khẩu tăng cao.

Tin bài liên quan