Thuỷ điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH) giãn thời gian đại hội, lên kế hoạch gọi vốn

Thuỷ điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH) giãn thời gian đại hội, lên kế hoạch gọi vốn

(ĐTCK) Công ty cổ phần Thuỷ điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH) vừa thông báo sẽ họp Đại hội đồng cổ đông năm 2020 vào ngày 19/6 thay cho ngày 22/5 như dự kiến ban đầu. Việc vận hành Thuỷ điện Thượng Kon Tum và kế hoạch huy động vốn là hai nội dung cổ đông đáng chất vấn tại Đại hội.

Năm 2020, VSH đặt mục tiêu tổng sản lượng điện sản xuất 587,04 triệu KWh, tăng 18,9%; doanh thu 367,3 tỷ đồng, giảm 10,4%; lợi nhuận trước thuế 139 tỷ đồng, giảm gần 22%; lợi nhuận sau thuế 111,5 tỷ đồng, giảm gần 30% so với năm 2019.

Đáng chú ý, sau nhiều năm bị mắc kẹt bởi tranh chấp với đối tác Trung Quốc khi thực hiện dự án Thuỷ điện Thượng Kon Tum, VSH dự kiến phát điện nhà máy này vào tháng 8/2020.

Nếu nhà máy vận hành đúng kế hoạch sẽ đóng góp thêm sản lượng điện sản xuất 465,23 triệu kWh, doanh thu 490,1 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận trước thuế âm 30,2 tỷ đồng. Theo đó, khi nhà máy đi vào vận hành thì lợi nhuận trước thuế năm nay dự kiến giảm còn 108,9 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế còn 81,3 tỷ đồng.

Thuỷ điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH) giãn thời gian đại hội, lên kế hoạch gọi vốn  ảnh 1

Theo báo cáo tài chính quý I/2020, VSH có tổng tài sản 9.053,8 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng dở dang 8.141,3 tỷ đồng, chiếm 89,9%.

Doanh nghiệp không thuyết minh cụ thể, nhưng theo báo cáo năm 2019, giá trị khoản mục chi phí xây dựng dở dang là 8.020,8 tỷ đồng, chiếm 88,6% tổng tài sản, đây chủ yếu là dự án Thuỷ điện Thượng Kon Tum với giá trị 7.911,9 tỷ đồng.

Đối ứng với tài sản là nguồn vốn, VSH đang có 5.463,2 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và dài hạn, chiếm 60,3%, bên cạnh vốn chủ sở hữu là 3.148 tỷ đồng, chiếm 34,8% tổng nguồn vốn.

Đặc biệt, doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn ngắn hạn 934,7 tỷ đồng, trong khi tài sản ngắn hạn chỉ là 331,8 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp đang dùng nguồn vốn ngắn hạn tài trợ cho tài sản dài hạn ước tính 602,9 tỷ đồng.

Trong tờ trình Đại hội, VSH cập nhật tình hình huy động vốn năm 2019 cho dự án Thuỷ điện Thượng Kon Tum, kế hoạch là 8.770 tỷ đồng, nhưng thực tế huy động được 7.935 tỷ đồng, thiếu so với kế hoạch 835 tỷ đồng.

Công ty xúc tiến vay bổ sung 400 tỷ đồng từ VietinBank chi nhánh Phú Yên, nhưng chưa nhận được phản hồi. Nếu ngân hàng không cho vay, VSH có kế hoạch huy động vốn từ cổ đông thông qua phát hành cổ phiếu phổ thông hoặc cổ phiếu ưu đãi
cổ tức.

Phương án 1, VSH sẽ phát hành 70 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu theo tỷ lệ 59:20 (sở hữu 59 cổ phiếu sẽ được mua thêm 20 cổ phiếu) nhằm huy động 700 tỷ đồng, dự kiến phát hành trong quý III/2020.

Phương án 2, VSH sẽ huy động 700 tỷ đồng bằng cổ phiếu ưu đãi cổ tức, tỷ lệ cổ tức hàng năm là 10%.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp dự kiến phát hành thêm 100 tỷ đồng trái phiếu vào tháng 6/2020.

Với các kế hoạch trên, VSH có nhiều vấn đề mà các nhà đầu tư quan tâm về hoạt động kinh doanh cũng như quản trị.

Chẳng hạn, dự án Thuỷ điện Thượng Kon Tum dự kiến đi vào vận hành tháng 8/2020, mặc dù được kỳ vọng nhiều và chiếm trọng số trong tài sản của doanh nghiệp, nhưng kết quả kinh doanh năm nay dự kiến lỗ 30,2 tỷ đồng.

Vậy dự án cần bao lâu để có thể đi qua điểm hoà vốn và dòng tiền hoạt động kinh doanh từ dự án các năm sau dự kiến như thế nào, liệu có đủ để trả chi phí lãi vay?

Hay VSH đang dùng nguồn vốn ngắn hạn để tài trợ cho tài sản dài hạn và tiếp tục phải huy động thêm vốn từ trái phiếu hoặc cổ phiếu ưu đãi. Cổ phiếu ưu đãi cũng giống như trái phiếu phải cam kết trả lãi hàng năm, điều này sẽ gây áp không nhỏ về lực tài chính cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp dự kiến dòng tiền kinh doanh như thế nào và khi nào bắt đầu hạ tỷ trọng nợ vay để có cơ cấu tài chính tốt hơn?

Ngoài ra, cổ đông lớn là Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) đăng ký mua 59.955.350 cổ phiếu VSH để tăng sở hữu lên trên 50%, nhưng chỉ mua được 58.809.260 cổ phiếu, tức tỷ lệ sở hữu đang ở mức 49,52% và VSH vẫn là công ty liên kết. Liệu REE có chào mua tiếp cổ phiếu hay không?

Tin bài liên quan