Người dân vui chơi trong công viên ở Stockholm, Thụy Điển ngày 22/4 (Ảnh: AFP).

Người dân vui chơi trong công viên ở Stockholm, Thụy Điển ngày 22/4 (Ảnh: AFP).

Thụy Điển tin sắp đạt “miễn dịch cộng đồng” giữa đại dịch Covid-19

Đại sứ Thụy Điển tại Mỹ tin rằng, chiến lược ứng phó đang gây tranh cãi của nước này sẽ mang lại kết quả và thủ đô Stockholm sẽ đạt đến “miễn dịch cộng đồng” trong vài tuần tới.

“Khoảng 30% người dân Stockholm sẽ đạt đến độ miễn dịch nhất định. Chúng tôi có thể đạt đến miễn dịch cộng đồng tại thủ đô vào đầu tháng tới”, Đại sứ Thụy Điển tại Mỹ Karin Ulrika Olofsdotter bình luận với hãng tin NPR cuối tuần qua.

Miễn dịch cộng đồng dùng để chỉ việc phần đông dân số miễn dịch đối với một bệnh truyền nhiễm nào đó thông qua việc mắc bệnh và phục hồi để tạo kháng thể hoặc thông qua vắc xin.

Một số chuyên gia cho rằng, ngưỡng để đạt miễn dịch cộng đồng là khi khoảng 60% dân số nhiễm bệnh. Tuy nhiên, hiện chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy bệnh nhân Covid-19 sau khi phục hồi không bị tái nhiễm.

Theo số liệu cập nhật của Đại học Johns Hopkins, tính đến ngày 26/4, Thụy Điển ghi nhận hơn 18.500 ca mắc Covid-19, trong đó gần 2.200 trường hợp đã tử vong.

WHO cảnh báo về "hộ chiếu miễn dịch"

“Hiện không có bằng chứng cho thấy những người bình phục khỏi Covid-19 và có kháng thể sẽ được bảo vệ khỏi sự lây nhiễm lần 2”, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 25/4 cảnh báo.

Cảnh báo được đưa ra sau khi một số chính phủ cho rằng những người có kháng thể với Covid-19 có thể được cấp "hộ chiếu miễn dịch" hoặc chứng nhận phi rủi ro" để có thể dễ dàng di chuyển hoặc quay lại làm việc.

WHO cho rằng việc làm này có thể làm gia tăng nguy cơ dịch bệnh tiếp tục lây lan vì những người đã khỏi bệnh có thể phớt lờ các khuyến cáo phòng dịch.

Đại sứ Olofsdotter đồng ý với quan điểm rằng cần thêm các nghiên cứu, xét nghiệm để trả lời những câu hỏi liên quan đến miễn dịch.

Bà cho biết, chính phủ Thụy Điển sẵn sàng thay đổi chiến lược tùy vào tình hình, song hiện tại không có ý định thay đổi.

“Chúng tôi có chung mục tiêu như các quốc gia khác, tất nhiên là cứu nhiều mạng người nhất có thể và bảo vệ hệ thống y tế công cộng. Do đó chúng tôi cũng phải đối mặt với thực tế như mọi người. Tuy nhiên, điều khác biệt là, theo tôi quan trọng là các nhà chính trị triển khai các biện pháp mà họ cho là tốt nhất cho đất nước của họ và cho cộng đồng nói chung”, Đại sứ Olofsdotter nói.

Thụy Điển đang gây tranh cãi với chiến lược ứng phó đại dịch Covid-19 “không giống ai”. Các trường học, nhà hàng và nhiều địa điểm công cộng ở nước này vẫn hoạt động bình thường mặc dù chính phủ có ban hành hướng dẫn giãn cách xã hội, khuyến cáo người dân hạn chế ra ngoài. Thụy Điển cũng cấm tập trung hơn 50 người, cấm hoạt động thăm hỏi tại các viện dưỡng lão.

Phần đông người dân Thụy Điển chấp hành hướng dẫn này, song người dân ở Stockholm bắt đầu không tuân thủ quy định khi thời tiết nóng lên.

Chính phủ Thụy Điển cảnh báo đóng cửa bất cứ nhà hàng, quán bar không tuân thủ lệnh giãn cách xã hội.

Đầu tháng này, Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven cho rằng, hàng nghìn người ở nước này có thể tử vong do Covid-19.

“Chúng tôi lựa chọn một chiến lược nhằm tìm cách làm phẳng đường cong và không để tình hình thay đổi quá đột ngột bởi hệ thống y tế có thể sẽ không chống chịu được. Tuy nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa với việc chúng tôi sẽ có thêm nhiều người nhiễm bệnh nặng cần phải chăm sóc tích cực, chúng tôi sẽ có thêm nhiều người tử vong. Chúng tôi ước tính sẽ có hàng nghìn người tử vong (vì Covid-19)”, Thủ tướng Lofven nói.

Tin bài liên quan