Sự kiện do Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) phối hợp với Ban Thương mại (Đại sứ quán Thụy Điển) tổ chức.
Tại hội thảo, phía Thụy Điển đã chia sẻ các kinh nghiệm phát triển năng lượng, trong đó tập trung vào lĩnh vực sản xuất năng lượng từ chất thải.
Cụ thể, đại diện các doanh nghiệp lớn của Thụy Điển đã chia sẻ nhiều về công nghệ sản xuất năng lượng. Cụ thể, Công ty ABB chia sẻ về hệ thống pin tích trữ năng lượng, phần mềm quản lý thị trường năng lượng bán buôn, lưới kỹ thuật số - tự động hóa lưới; Công ty Ericsson chia sẻ về kết nối 4G/5G trong chuỗi giá trị năng lượng; Công ty Hexicon chia sẻ về công nghệ floating turbine platform cho các dự án điện gió gần bờ và xa bờ; Công ty Linxon chia sẻ về tramjbieens áp cho điện xoay chiều dưới hình thức dự án chìa khóa trao tay.
Ngoài ra, đại diện Tổ chức tín dụng xuất khẩu Thụy Điển (SEK) và Quỹ tín dụng Xuất khẩu Thụy Điển (EKN) còn đưa ra các giải pháp hỗ trợ tài chính của Thụy Điển với các nhà đầu tư.
Bà Ann Mawe, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam cho biết, Việt Nam đang có cơ hội để phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội theo hướng xanh và bền vững thông qua các giải pháp công nghệ. Phát triển năng lượng xanh là định hướng chính của Việt Nam và trên thực tế đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Năm 2019, Việt Nam chứng kiến dòng vốn lớn đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời. Với nhiều nét tương đồng giữa hai quốc gia, Thụy Điển hoàn toàn có thể chia sẻ và đồng hành cùng Việt Nam trên con đường phát triển năng lượng bền vững.
Ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, tiềm năng và cơ hội hợp tác của Việt Nam và Thụy Điển trong lĩnh vực năng lượng là rất lớn. Câu chuyện hiện tại chỉ là làm sao để hai nước, cộng đồng doanh nghiệp hiện thực hóa điều này qua các chương trình hợp tác.