Theo đó, cổ tức được trả bằng tiền mặt với tỷ lệ 20%, tương ứng 1 cổ phiếu sẽ được nhận 2.000 đồng. Như vậy, với khối lượng chứng khoán đang niêm yết và lưu hành 93,71 triệu đơn vị, Thủy điện miền Nam dự kiến chi khoảng 187,42 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu.
Ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày 3/12, thời gian thanh toán cổ tức dự kiến từ ngày 16/12/2020.
Tính đến cuối năm 2019, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 287,92 tỷ đồng, ngoài ra Công ty còn 28,33 tỷ đồng quỹ đầu tư phát triển.
Năm nay, Công ty dự kiến vẫn duy trì mức chia cổ tức 20%, cùng kế hoạch kinh doanh với chỉ tiêu doanh thu 601,4 tỷ đồng, lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt là 197,2 tỷ đồng và 187,3 tỷ đồng.
Mới đây, Công công bố báo cáo tài chính 9 tháng với doanh thu ghi nhận 263,75 tỷ đồng, giảm 40,28 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế âm 1,55 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 133,87 tỷ đồng. Trong đó, riêng quý III/2020 lỗ hơn 1,9 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 128,8 tỷ đồng và quý II/2020 lãi 5,95 tỷ đồng.
Giải trình về nguyên nhân kinh doanh thua lỗ, Thủy điện miền Nam cho biết, trong quý III/2020, Công ty đã xem xét, kiểm tra, đánh giá và quyết định ngừng vận hành nhà máy Đam’bri để sửa chữa, khắc phục. Do đó sản lượng trong kỳ sụt giảm, kéo theo doanh thu giảm.
Được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh từ năm 2004, Thủy điện miền Nam hiện có vốn điều lệ hơn 937 tỷ đồng, lĩnh vực kinh doanh chính là Đầu tư xây dựng và quản lý vận hành các nhà máy thủy điện; Sản xuất kinh doanh điện năng; Sửa chữa, bảo trì, thử nghiệm các nhà máy điện, lưới điện; Quản lý dự án…
Công ty chính thức đưa cổ phiếu SHP đăng ký giao dịch trên UPCoM từ tháng 9/2010 và đã chính thức niêm yết trên sàn HOSE vào tháng 7/2014.
Trên thị trường, đóng cửa phiên 12/11, cổ phiếu SHP vẫn duy trì mức giá tham chiếu 25.000 đồng/CP khi không có cổ phiếu nào giao dịch thành công.