Thủy điện Hòa Bình mở rộng trước nguy cơ trượt tiến độ thêm 1 năm

0:00 / 0:00
0:00
Công trình Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng đã tạm dừng thi công được 4 tháng. Các nhà thầu đã rút hầu hết máy móc, thiết bị, bởi chưa biết khi nào mới được thi công trở lại.
Từ ngày 6/11/2021, toàn bộ công trình Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng đã được dừng thi công để chờ đánh giá tổng thể về an toàn.

Từ ngày 6/11/2021, toàn bộ công trình Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng đã được dừng thi công để chờ đánh giá tổng thể về an toàn.

Chờ đồng thuận

Công trình được khởi công ngày 10/1/2021. Cho đến trước thời điểm xảy ra sạt trượt, các hạng mục công trình được thi công cơ bản đáp ứng tiến độ.

Cụ thể, đã hoàn thành đắp đê quây thượng lưu, đang triển khai thi công đào hố móng Nhà máy, đào hầm phụ phục vụ thi công hầm dẫn nước, đào hố móng cửa nhận nước…, với tổng khối lượng đào đạt khoảng 1,63 triệu m3/3,995 triệu m3 theo kế hoạch, cơ bản đáp ứng mục tiêu tiến độ đã được phê duyệt.

Phần mái đào hố móng Nhà máy đã đào đến cao độ 31 m, trong quá trình mô tả địa chất đã nhận thấy có sai khác địa chất khu vực hố móng Nhà máy và đã điều chỉnh thiết kế mái hố móng nhà máy. Tuy nhiên, khi nhà thầu đang triển khai thi công thì gặp điều kiện thời tiết bất lợi, gây ra sạt trượt.

Từ ngày 6/11/2021, toàn bộ công trình đã được dừng thi công để chờ đánh giá tổng thể về an toàn.

Chủ đầu tư là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đệ trình cơ quan chức năng 2 đợt thiết kế phương án nhằm xử lý nhanh, gấp để tránh sạt trượt lan rộng các khu vực xung quanh và đã được phê duyệt.

EVN đã tiến hành thi công phương án xử lý đào dỡ tải, xử lý sạt trượt đợt 1 và đã hoàn thành. Hiện đang thi công đợt 2 và dự kiến hoàn thành trước tháng 10/4/2022.

EVN cũng sẽ trình Bộ Công thương phương án xử lý sạt trượt đợt 3 để đảm bảo an toàn hố móng Nhà máy trong mùa mưa bão năm 2022, sẽ tổ chức thi công từ tháng 4/2022 và hoàn thành trước ngày 31/5/2022.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Phạm Hồng Phương, Phó tổng giám đốc EVN cho hay, Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng đã được triển khai đúng trình tự thủ tục và tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, được các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thẩm định, thông qua, khẳng định thiết kế công trình phù hợp tiêu chuẩn quy định, đáp ứng điều kiện an toàn cho công trình hiện hữu (đập, cột điện 500 kV, Tượng đài Bác Hồ, khu nhà hành chính tỉnh) và Nhà máy Thủy điện Hòa Bình hiện hữu.

“Khối sạt hố móng nhà máy chỉ nằm trong phạm vi cục bộ, không ảnh hưởng đến an toàn các công trình hiện hữu và các hạng mục khác của công trình Nhà máy Hòa Bình mở rộng”, ông Phương nói. Cũng theo ông Phương, UBND tỉnh Hòa Bình ủng hộ việc thi công trở lại.

Trượt tiến độ cả năm

Đến nay, Dự án đã phải dừng thi công 4 tháng, đang gây khó khăn cho chủ đầu tư và nhà thầu bởi nếu không triển khai thi công trở lại sớm, thì sẽ có nguy cơ mất an toàn các hạng mục công trình đang thi công dở dang do mùa mưa 2022 sắp đến.

Báo cáo của EVN cũng cho biết, trên cơ sở kết quả kiểm tra, rà soát các bước thiết kế công trình đã được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định thông qua, xem xét kết quả quan trắc và phân tích, đánh giá điều kiện địa chất thực tế trong thời gian thi công vừa qua, đánh giá chung việc thi công công trình là phù hợp thiết kế kỹ thuật được duyệt, đảm bảo an toàn theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành, không ảnh hưởng đến an toàn của Đập Thủy điện Hòa Bình, Tượng đài Bác Hồ, đường dây 500 kV và các công trình hiện hữu.

Bởi vậy, EVN kiến nghị tiếp tục triển khai thi công trở lại công trình, bởi việc này không những không ảnh hưởng đến an toàn công trình hiện hữu, mà còn có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đảm bảo tiến độ và hiệu quả của Dự án. Đặc biệt, việc thi công trở lại, việc thi công trở lại cửa nhận nước có ý nghĩa rất quan trọng, vì nếu không hoàn thành cửa nhận nước để tháo dỡ đê quai thượng lưu trước khi tích nước hồ chứa năm 2024, thì có thể dẫn đến chậm tiến độ phát điện 1 năm.

Hiện tại trên thực địa, nhà thầu đã rút hầu hết xe, máy phục vụ thi công, chuyển gần hết quân đi để làm việc khác và đã yêu cầu chủ đầu tư xem xét các thiệt hại do việc dừng thi công của nhà thầu.

“Trước khi dừng thi công, công tác đào thi công đất đá đạt 300.000 - 400.000 m3/tháng, dừng thi công 4 tháng đã làm ảnh hưởng rất lớn đến việc kiểm soát tổng tiến độ thi công công trình. Thời gian mùa khô năm 2022 đang qua đi, nếu không sớm thi công trở lại, tranh thủ thời gian còn lại cuối mùa khô để đẩy nhanh thi công… thì tiến độ công trình sẽ chậm thêm 1 năm nữa theo kế hoạch”, ông Phương nói.

Tin bài liên quan