Nhóm thủy điện có triển vọng tích cực trong nửa cuối năm 2024

Nhóm thủy điện có triển vọng tích cực trong nửa cuối năm 2024

Thuỷ điện đón "nước lớn"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hiện tượng La Nina dự kiến xuất hiện từ tháng 7/2024 và kéo dài sang năm 2025 sẽ giúp cải thiện tình hình thủy văn, nâng cao sản lượng của các doanh nghiệp thủy điện.

Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Phát triển Trường Thành (mã chứng khoán TTA) cho biết, nửa đầu năm 2024, sản lượng điện của doanh nghiệp không cao. Nửa cuối năm nay, kỳ vọng tác động tích cực từ La Nina sẽ giúp mảng thủy điện tăng trưởng 15 - 20% so với cùng kỳ năm ngoái. TTA hiện có 3 nhà máy thủy điện, tổng công suất 82,4 MW, bao gồm Suối Sập 2 (Sơn La), Ngòi Hút 2A và Pá Hu (Yên Bái).

La Nina quay trở lại, đem theo lượng mưa đáng kể sẽ giúp cải thiện tình hình thủy văn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các nhà máy thủy điện sau thời gian chịu tác động tiêu cực từ pha El Nino.

“Nếu mưa nhiều về cuối năm, các doanh nghiệp ngành thủy điện sẽ hưởng lợi hơn, bởi đây là thời điểm giá bán điện cao hơn”, lãnh đạo TTA nói.

Tương tự, mảng thủy điện của Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (mã chứng khoán REE) được kỳ vọng sẽ tăng trưởng 20% trong năm 2024. Trong quý I/2024, các nhà máy thủy điện của REE gặp khó khăn trong việc tăng trưởng sản lượng do ảnh hưởng của El Nino kéo dài và sản lượng huy động của các nhà máy thủy điện miền Bắc bị hạn chế theo chính sách chung của Bộ Công thương nhằm giữ nước phục vụ phát điện cho các tháng cao điểm nắng nóng. Sản lượng thủy điện trong quý đầu năm nay của REE giảm hơn 31%, trong khi sản lượng nhiệt điện tăng 95% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng do có biên lợi nhuận thấp nên không đủ bù đắp cho sự suy yếu của mảng thủy điện.

Theo Bộ Công thương, các nguồn điện than, thủy điện và tuabin khí vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia năm 2024.

REE hiện là đơn vị sở hữu danh mục thủy điện lớn nhất trong các công ty năng lượng đang niêm yết trên thị trường chứng khoán, với tổng công suất 1.364 MW.

Công ty Chứng khoán Agirseco đánh giá, kết quả kinh doanh của REE đã tạo đáy trong quý I/2024 và sẽ hồi phục tốt trong các quý tiếp theo. Trong đó, các nhà máy thủy điện của REE sẽ hồi phục sản lượng nhờ pha thời tiết La Nina quay trở lại.

Tại Công ty cổ phần Tập đoàn PC1 (mã chứng khoán PC1), doanh nghiệp đang đầu tư 2 nhà máy thủy điện là Bảo Lạc A (30 MW) và Thượng Hà (13 MW), dự kiến đưa vào vận hành thương mại trong năm 2026, nâng tổng công suất thủy điện theo thiết kế thêm 15%, lên 202 MW.

Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam dự báo, doanh thu mảng năng lượng của PC1 sẽ tăng 13,5% vào năm 2026. Mảng năng lượng thường có biên lợi nhuận gộp cao thứ hai (hơn 50%) trong các mảng kinh doanh của Công ty. Năm 2024, doanh thu của PC1 ước đạt 10.341 tỷ đồng, tăng 33% và lợi nhuận ước tính gấp 3 lần năm 2023.

Đại hội đồng cổ đông Công ty cổ phần Điện Gia Lai (mã chứng khoán GEG) ngày 25/6 vừa qua đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2024 với chỉ tiêu doanh thu hơn 3.120 tỷ đồng, tăng 38%; lợi nhuận trước thuế 335 tỷ đồng, tăng 72% so với năm 2023. Trong đó, doanh thu từ mảng thủy điện ước tính đóng góp 364 tỷ đồng.

Lãnh đạo GEG chia sẻ, kế hoạch kinh doanh năm 2024 có tính khả thi nhờ mảng thủy điện dự kiến phục hồi từ quý III và mảng điện mặt trời.

GEG đã đẩy mạnh đầu tư vào mảng thủy điện, hiện sở hữu 12 nhà máy với tổng công suất 81 MW. Ngoài ra, Công ty phát triển 5 nhà máy điện mặt trời và 34 hệ thống áp mái với tổng công suất 292 MWp; 4 nhà máy điện gió với tổng công suất 230 MW.

“Năm 2024 vẫn còn nhiều thách thức, tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những cơ hội tiềm năng, đồng thời là năm quan trọng để Công ty vượt ra khỏi khó khăn của ngành năng lượng nói riêng, nền kinh tế nói chung, xây dựng tiền đề cho giai đoạn ổn định và phát triển sắp tới”, GEG nhận định.

Nhiều doanh nghiệp thủy điện khác cũng kỳ vọng ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc trong nửa cuối năm 2024 như Công ty công ty Đầu tư Năng lượng Trường Thịnh (mã chứng khoán TTE) - sở hữu các nhà máy thủy điện Đăk Ne, Tà Vi, Đăk Pia, Đăk Bla 1, với tổng công suất phát điện 28,3 MW/h; Công ty cổ phần Thủy điện Hủa Na (mã chứng khoán HNA), chủ đầu tư nhà máy thủy điện cùng tên tại Nghệ An có công suất thiết kế 180 MW.

Trong khi đó, PV Power đang quản lý và vận hành 7 nhà máy điện, với tổng công suất lắp đặt 4.205 MW, gồm điện khí, than và thủy điện. Mảng thủy điện của PV Power được Công ty Chứng khoán An Bình dự kiến sẽ cải thiện trong nửa sau của năm 2024, khi tác động của hiện tượng El Nino giảm bớt và hiện tượng La Nina sớm quay trở lại.

Tổng công ty IDICO (mã chứng khoán IDC) hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực khu công nghiệp, kinh doanh điện và thu phí BOT, với tỷ trọng doanh thu lần lượt là 44%, 38% và 5%. Đối với mảng điện, IDC sở hữu 2 nhà máy thủy điện với tổng công suất 114 MW và hệ thống 2 trạm biến áp (đóng góp trên 80% tổng doanh thu mảng điện).

Công ty Chứng khoán Shinhan Việt Nam ước tính, doanh thu mảng điện của IDICO năm 2024 sẽ tăng trưởng khoảng 10%, nhờ tình hình thời tiết dần chuyển sang La Nina.

Với Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô (mã chứng khoán HDG), mảng thủy điện và điện mặt trời, điện gió mang lại hơn 413 tỷ đồng doanh thu trong quý I/2024, chiếm 48,7%. Công ty đang là chủ đầu tư của 8 nhà máy năng lượng, bao gồm 5 nhà máy thuỷ điện, 2 nhà máy điện mặt trời và 1 nhà máy điện gió, tổng công suất gần 500 MW. HDG dự kiến sẽ đưa 2 nhà máy thủy điện là Sơn Linh và Sơn Nham vào hoạt động trong năm 2025 - 2026.

Theo Công ty Chứng khoán MB, nhóm thủy điện có thể duy trì sản lượng huy động tích cực trong nửa cuối năm 2024 và phần lớn năm 2025, khi pha La Nina thường kéo dài từ 15 - 18 tháng. Hơn nữa, với tính chất giá rẻ, thủy điện thường được cân đối huy động ở mức tối đa.

Tuy nhiên, tỷ lệ sản lượng điện hợp đồng (Qc) thủy điện tăng từ 90% trong 2023 lên 98% trong năm 2024, tương đương tỷ trọng huy động trên thị trường (Qm) chỉ đạt 2%. Theo đó, giá thủy điện có thể sẽ giảm do dư địa huy động sản lượng với giá cao trên thị trường điện cạnh tranh giảm.

Tin bài liên quan