Lợi thế cho thủy điện
Theo số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến cuối tháng 2/2022, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 39,59 tỷ kWh. Trong đó, nhiệt điện than đạt 17,27 tỷ kWh, chiếm 43,6%; thủy điện đạt 10,85 tỷ kWh, chiếm 27,4% tổng sản lượng điện sản xuất; các nguồn điện khác đóng góp 30% còn lại.
Nhiệt điện than chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện của nước ta. Tuy nhiên, các nhà máy nhiệt điện than đang đứng trước những khó khăn, thách thức lớn do nguồn cung khan hiếm và giá than nhập khẩu tăng mạnh.
Trong tháng 3/2022, giá than đá trên thị trường thế giới đạt 325 USD/tấn, tăng gần 30% so với tháng trước và tăng 91% so với đầu năm.
Theo dự báo của Rystad Energy, giá than có thể vượt ngưỡng 500 USD/tấn trong năm 2022, khi giá khí đốt tăng mạnh có thể khiến các nước châu Âu chuyển sang sử dụng than đá.
Tình hình khó khăn về nhiên liệu đầu vào của các nhà máy nhiệt điện than có thể thấy rõ qua việc Bộ Công thương mới đây có văn bản yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc thực hiện ngay các biện pháp đảm bảo năng lực sản xuất than, triển khai mọi giải pháp đảm bảo cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện.
Đáp lại yêu cầu của Bộ Công thương, TKV cho biết, nguồn than cung cấp cho điện thấp do gần một nửa số lao động đang mắc Covid-19, lượng than nhập về ít nên sản lượng than phối trộn nhập khẩu giảm 2,4 triệu tấn so với kế hoạch.
Đồng thời, giá than thế giới tăng đột biến, ảnh hưởng căng thẳng Nga - Ukraine làm khan hiếm nguồn cung. Nêu thực tế giá bán than cho doanh nghiệp điện không tăng trong 2 năm qua, TKV đề xuất phương án điều chỉnh tăng giá bán than trong nước.
Tương tự, giá khí tăng mạnh theo đà tăng của giá dầu, đặc biệt từ khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra. Hãng tin RIA Novosti thông tin từ cuối tháng 2, giá khí đốt ở châu Âu đã tăng vọt lên mức cao nhất mọi thời đại, chạm ngưỡng 3.900 USD/1.000 m3 (một năm trước, giá dao động ở mức 250 - 300 USD/1.000 m3). Nhà cung cấp năng lượng GASAG (Berlin) dự đoán tới tháng 5, hóa đơn khí đốt ở Đức sẽ tăng ít nhất 26%.
Với giá vốn tăng cao, các nhà máy nhiệt điện sẽ kém lợi thế trên thị trường phát điện cạnh tranh. Thực tế, từ năm 2021, thị trường đã chứng kiến sự sụt giảm mạnh về doanh thu và lợi nhuận, thậm chí thua lỗ của một số doanh nghiệp điện than.
Trong bối cảnh này, thủy điện, với đặc điểm sử dụng năng lượng nước, năng lượng “trời cho” và là nguồn phát điện rẻ nhất đang có ưu thế lớn trên thị trường phát điện cạnh tranh. Đáng chú ý, điều kiện thủy văn - yếu tố quyết định khả năng trữ nước, phát điện của các nhà máy thủy điện - đang “ủng hộ” cho các doanh nghiệp ngành này.
Theo báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), 2021 là năm thuận lợi đối với nhóm thủy điện nhờ vào điều kiện thủy văn. Đặc biệt, hiện dự báo về chu kỳ thủy văn đã có sự điều chỉnh với việc xác suất xảy ra La Nina vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất đến tháng 10/2022.
Trước đó, Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia cho rằng trạng thái La Nina có thể sẽ kéo dài đến hết tháng 2/2022, với xác suất khoảng 90%; từ tháng 3 đến tháng 5/2022, hiện tượng ENSO vẫn ở trạng thái La Nina yếu với xác suất 50%.
“Do đó, nhóm thủy điện được dự phóng sẽ tiếp tục hưởng lợi và tích trữ nước tốt trong năm nay, đặc biệt là nhóm thủy điện từ khu vực miền Trung trở vào Nam”, báo cáo nhấn mạnh.
Kỳ vọng lãi lớn
Năm 2021, bất chấp nhu cầu tiêu thụ điện nói chung của nền kinh tế suy giảm, do nhiều hoạt động sản xuất – kinh doanh bị tê liệt trong một thời gian dài do ảnh hưởng của dịch bệnh và các biện pháp giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp thủy điện vẫn ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ.
Năm 2021, Thủy điện A Vương lãi sau thuế 342 tỷ đồng, tăng gần 84% so với năm 2020.
Tại Công ty cổ phần Thủy điện A Vương (mã AVC), lưu lượng nước về hồ thủy điện A Vương trong năm qua tương đối tốt, thuận lợi cho công tác sản xuất điện của nhà máy trong các tháng cuối năm.
Nhờ đó, Công ty ghi nhận sản lượng điện sản xuất cả năm đạt gần 769 triệu kWh, doanh thu thuần đạt hơn 682 tỷ đồng, tăng gần 30% và lãi sau thuế 342 tỷ đồng, tăng gần 84% so với năm 2020.
Năm qua, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển điện Miền Bắc 2 (mã ND2) ghi nhận sản lượng điện đạt 438,97 triệu kWh; doanh thu thuần đạt hơn 400,1 tỷ đồng, tăng 2,3%; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 151,3 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2020.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Thủy điện Hủa Na (mã HNA) ghi nhận sản lượng điện đạt 563,3 triệu kWh; doanh thu đạt 691 tỷ đồng, tăng 14,4% so với năm 2020. Nhờ tiết giảm chi phí vốn, chi phí tài chính, lợi nhuận sau thuế của Công ty tăng gấp gần 4 lần cùng kỳ, lên 131,3 tỷ đồng.
Đến thời điểm này, một số doanh nghiệp thủy điện đã dự kiến chỉ tiêu kinh doanh năm 2022 để trình đại hội đồng cổ đông thường niên thông qua.
Tại Thủy điện A Vương, căn cứ vào về việc phê duyệt kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2022 của Bộ Công thương, Công ty dự kiến sản lượng điện sản xuất đạt 602 triệu kWh, giảm 21,7% so với thực hiện năm 2021; doanh thu đạt 449,277 tỷ đồng, giảm 34% và lợi nhuận trước thuế đạt 101,368 tỷ đồng, giảm 72%.
Trong khi đó, trên cơ sở dự báo thủy văn năm 2022 tương đương năm 2021 và căn cứ vào sản lượng bình quân vận hành thực tế 7 năm trước, ND2 dự kiến sản lượng điện thương phẩm đạt 422,4 triệu kWh, giảm 4% so với năm 2021; doanh thu thuần đạt 390,1 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 150 tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức thực hiện năm 2021..
Mới đây, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thủy điện Hủa Na đã thống nhất kế hoạch sản xuất - kinh doanh sẽ trình đại hội đồng cổ đông trong ngày 8/4 tới, với tổng sản lượng điện thương phẩm đạt 689,6 triệu kWh, tăng 22% so với mức thực hiện năm 2021. Song mục tiêu tổng doanh thu là 680,6 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 84,2 tỷ đồng, lần lượt giảm 2% và 36% so với mức thực hiện năm trước.
Với đặc thù phụ thuộc vào thời tiết và điều kiện thủy văn, các doanh nghiệp ngành thủy điện thường đặt chỉ tiêu kinh doanh thận trọng và thực tế, nhiều công ty luôn vượt xa kế hoạch đề ra ban đầu.
Chẳng hạn, năm 2021, Thủy điện A Vương chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 114,8 tỷ đồng, song kết thúc năm, Công ty vượt hơn 216% chỉ tiêu này. Hay Thủy điện Hủa Na đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2021 là 68,75 tỷ đồng, nhưng kết quả là vượt tới 102%. Còn ND2 đặt chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế năm qua đạt 139,5 tỷ đồng và vượt 8,5% kế hoạch.
Với dự báo thuận lợi về điều kiện thủy văn và lợi thế trên thị trường phát điện cạnh tranh, kỳ vọng các doanh nghiệp thủy điện tiếp tục ghi nhận khoản lợi nhuận tốt trong năm 2022.