Lễ công bố hợp  tác chiến lược giữa hai bên

Lễ công bố hợp tác chiến lược giữa hai bên

Thương vụ Raito mua 19% cổ phần: Bước đi chiến lược của FECON

Bắt tay với hàng loạt các ông lớn đến từ Nhật Bản, FECON đang "chơi lớn" với công trình ngầm, lấn sân đầu tư phát triển hạ tầng.

“Chung một dòng sông” với Raito Kogyo

Tuần qua là một tuần đáng chú ý của thị trường xây dựng Việt Nam, với diễn biến trái chiều trong cùng một thời điểm tại hai tên tuổi đình đám trong lĩnh vực đấu thầu các công trình ngầm Việt Nam.

Trong khi Coteccons (CTD) đành gác lại đã trải qua thương vụ sáp nhập với Ricons vào phút cuối do Kustocem và các bên liên quan nắm giữ khoảng 35-36% vốn điều lệ ở Coteccons đã không đồng ý với kế hoạch M&A này thì Công ty FECON đã đón nhận thêm nhà đầu tư chiến lược là Tập đoàn Raito Kogyo (Nhật Bản).

Với việc nhận chuyển nhượng toàn bộ trái phiếu chuyển đổi từ Ngân hàng phát triển Nhật Bản (DBJ) đang sở hữu và  2,417,620 cổ phiếu trên thị trường, Raito Kogyo sở hữu trên 19% vốn điều lệ của công ty FECON mẹ (FCN) và 9,423,828 cổ phiếu tương ứng với 36% vốn điều lệ cổ phần Công ty công trình ngầm FECON (FCU).

Nếu như thương vụ M&A tại Coteccons - Ricons thất bại vì không thấy được tính hợp lý và chiến lược rõ ràng trong việc sử dụng cổ phiếu của Công ty cho các thương vụ M&A, thì với thương vụ FECON – Raito là ngược lại.

Mọi chuyện lại được lên kế hoạch một cách bài bản, chiến lược dài hạn mang lại giá trị thương hiệu, cổ phiếu cho FECON và mở rộng địa hạt kinh doanh của cả hai. Giá trị thương vụ không được tiết lộ, tuy nhiên theo ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT Công ty FECON, mức giá khá cao so với mặt bằng chung của thị trường, đáp ứng được kỳ vọng của công ty và đối tác hưởng lợi nhiều nhất là trái chủ của đơn vị này – Ngân hàng Phát triển Nhật Bản (DBJ) – đơn vị đã đồng hành cùng FECON trong nhiều năm.

“Đây là bước đi quan trọng có tính quyết định của FECON liên quan đến mảng công trình ngầm đô thị, xử lý nền đất phòng chống sạt lở các công trình đi qua khu vực miền núi, các công trình hạ tầng ven sông ven biển đang có nhiều nguy cơ sạt lở do biến đổi khí hậu”, ông Khoa khẳng định.

Rõ ràng tại thị trường phát triển hạ tầng đầy tiềm năng như Việt Nam và các nước lân cận, với lợi thế về uy tín, công nghệ, kinh nghiệm và các mối quan hệ quốc tế của Raito cùng khả năng hội nhập sẵn sàng cung cấp các nguồn lực địa phương của FECON sẽ là yếu tố cạnh tranh tốt các bên trong thương vụ này.

Ông Kazuo Suzuki, Chủ tịch tập đoàn Raito Kogyo tiết lộ, thị trường Việt Nam hiện mới chỉ đóng góp chưa đến 1% vài tổng doanh thu của tập đoàn. Năm 2018, doanh thu hợp nhất của RAITO đạt 910 triệu USD, lợi nhuận hợp nhất đạt 81 triệu USD (tương đương lần lượt là  20.854 tỷ đồng và 1.856 tỷ đồng).

Mặc dù vị chủ tịch này nhìn thấy thị trường xây dựng sẽ bị tạm ngưng trệ do ảnh hưởng kinh tế thế giới và các vấn đề nợ công của Chính phủ Việt Nam, nhưng phát triển cơ sở hạ tầng là điều kiện không thể thiếu đối với sự phát triển.

“Chúng tôi cho rằng thị trường xây dựng Việt Nam trong trung và dài hạn có thể tăng trưởng khoảng 7 -10%. Các dự án hạ tầng giao thông đường bộ và đường sắt, hạ tầng liên quan đến cống ngầm, nhiệt điện và năng lượng là cơ hội cho Raito”, ông Kazuo Suzuki nói.

Trước mắt, với khoản đầu tư này, hai bên sẽ cùng nhau nghiên cứu, phát triển và thực hiện các dự án về hạ tầng giao thông (đường bộ, cảng, đường thủy), các dự án đường sắt đô thị và thoát nước ngầm tại Hà Nội và TP.HCM, dự án chống sạt lở, giảm nhẹ thiên tai tại Việt Nam và một số nước Đông Nam Á và các nước lân cận khác.

Cụ thể, Raito Kogyo sẽ  cung cấp và chuyển giao các công nghệ tiên tiến – mà Raito đang là đơn vị dẫn đầu trên thế giới về xử lý nền đất yếu, xử lý nước ngầm, bảo vệ mái dốc… để đáp ứng nhu cầu thị trường ngày các cao đối với các loại công trình này.

Vì sao lại là hàng loạt "ông lớn" Nhật Bản?

Tầm nhìn những năm 2020 của FECON là trở thành tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực cải tạo nền móng công trình. Việc bắt tay với RAITO là yếu tố quan trọng cho sự thành công trên hành trình chinh phục tầm nhìn của FECON và hành trình vươn ra thị trường lân cận Việt Nam của cả hai bên, như Myanmar, Indonesia, Campuchia, Philipine và Bangladesh.

Theo ông Khoa, đó là những thị trường có địa chất yếu giống Việt Nam và Nhật Bản. “Sau 5 năm doanh số của FECON tại thị trường Đông Nam Á sẽ chiếm tương đương tại Viêt Nam hiện nay”, ông Khoa kỳ vọng. Năm 2018 FECON ghi nhận tổng doanh thu đạt 2.860 tỷ và lợi nhuận sau thuế đạt 252 tỷ đồng, tăng trưởng trên 42% so với năm 2017. Mục tiêu tăng trưởng doanh thu năm 2019 là 4.200 tỷ đồng, tăng 47%.

Vấn đề là tại sao FECON lại chọn đối tác Nhật Bản trong hầu hết các thương vụ làm ăn của mình?

Ông Phạm Việt Khoa cho rằng, mình đã rất may mắn khi làm việc với đối tác Nhật Bản trong lĩnh vực này. Hơn nữa, đầu tư vào thị trường xây dựng trong bối cảnh chung rất vất vả, nếu không nhanh tay nắm bắt thì cơ hội sẽ đi qua.

“Trong quá trình làm việc, các công ty Nhật Bản có tầm nhìn tương đồng với tôi. Họ có chiến lược dài hạn, rất tôn trọng công nghệ, con người Việt Nam. Ngoài ra Chính phủ Nhật Bản cũng ưu tiên lựa chọn Việt Nam để thực hiện các dự án ODA”, ông Khoa nói.

Lật lại lịch sử, FECON và Raito Kogyo bắt đầu mối quan hệ hợp tác từ tháng 6/2015 với một thỏa thuận hợp tác thi công công trình ngầm bằng công nghệ Jet Grouting - khoan phụt vữa áp lực cao đường kính lớn tại dự án Metro Line 1 TP.HCM đoạn Bến Thành – Suối Tiên.

Hơn 1 năm sau, vào tháng 9/2016 FECON và Raito Kogyo đã thành lập Công ty Cổ phần Địa kỹ thuật tiên tiến Raito FECON (RFI), hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thi công xử lý nền bằng phương pháp khoan phụt vữa áp lực cao đường kính lớn và khoan phụt hoá chất, gia cố chống thấm cho công trình.

Sau 2 năm thành lập, RFI đã tăng trưởng trên 30% mỗi năm. FRI hiện đang tham gia một loạt dự án lớn tại TPHCM, Đà Nẵng và Quảng Ngãi là dự án XL-01, dự án Golden Hill, Dự án Package G, Dự án Nam Hội An, Dự án Hòa Phát….

Trước đó, FECON đã từng làm việc với nhiều doanh nghiệp Nhật Bản khác, liên doanh thành lập các công ty như Chikami Miltec, Kanamoto và mới đây là Nexco và Jexway tại dự án BOT tuyến tránh TP Phủ Lý (Hà Nam).

Điều này lý giải vì sao ông Khoa tự tin, không sợ FECON sẽ bị thâu tóm. “Tôi rất muốn họ sẽ đầu tư thêm để chúng tôi có nguồn lực tài chính, công nghệ để phát triển các dự án mục tiêu, nâng giá cổ phiếu và cải thiện các chỉ số tài chính, mang lại sự phát triển bền vững cho công ty và nâng cao đời sống người lao động trong công ty nói riêng và đóng góp cho sự phát triển của xã hội nói chung”, ông Khoa khẳng định khi nhiều người lo ngại, Raito sẽ mua thêm cổ phần FECON.  

Tin bài liên quan