Phiên họp 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Ảnh: QP).
Theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước thì hàng năm Chính phủ báo cáo nội dung nói trên để Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định và việc này thường diễn ra trước kỳ họp tháng 5 của Quốc hội.
Năm 2019 số vượt thu của ngân sách Trung ương khoảng 32.200 tỷ đồng, cộng với các nguồn kinh phí còn lại chưa sử dụng ngân sách trung ương năm 2019 khoảng 23.400 tỷ đồng, tổng nguồn là 55.600 tỷ đồng.
Sau khi thực hiện các nhiệm vụ chi theo thẩm quyền thì còn 34.600 tỷ đồng chuyển nguồn sang năm 2020 , Chính phủ đã báo cáo dự kiến sử dụng 20.000 tỷ từ nguồn này trong gói hỗ trợ gần 62.000 tỷ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Trong phiên họp bất thường ngày 8/4 vừa qua, đồng ý về mặt nguyên tắc, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ trình phương án phân bổ, sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi của ngân sách trung ương năm 2019, trong đó có nội dung hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 tại phiên họp tháng 4/2020.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng lưu ý Chính phủ cân đối nguồn lực để thực hiện theo thứ tự: sử dụng dự phòng ngân sách trung ương và địa phương, quỹ dự trữ tài chính, nguồn tăng thu và tiết kiệm chi, nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương còn dư (sau khi đã bảo đảm đủ nhu cầu cải cách tiền lương của địa phương) và các nguồn hợp pháp khác. Trong trường hợp, sau khi sử dụng tất cả các nguồn trên mà còn khó khăn thì mới trình Quốc hội điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước năm 2020.
Tại phiên họp Chính phủ với các địa phương ngày 10/4 sau đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết dự kiến dành 20.000 tỷ đồng trong số 34.600 tỷ đồng nói trên để cùng với ngân sách địa phương thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và an sinh xã hội theo Nghị quyết của Chính phủ. Số còn lại 14.600 tỷ đồng tiếp tục sử dụng để dành cho công tác phòng chống dịch Covid-19 và hỗ trợ cân đối ngân sách Trung ương.
Như vậy, về cơ bản, số tiền trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét sẽ được dồn cho chống dịch Covid-19.
Chuẩn bị kỳ họp "bán online" của Quốc hội
Bên cạnh quyết định về ngân sách, trong phiên họp thứ 44 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 9 của Quốc hội.
Theo thông báo của Tổng thư ký Quốc hội ngày 14/4, rất có thể đây sẽ là lần đầu tiên Quốc hội họp theo hình thức "bán online", đợt 1 họp trực tuyến, đợt 2 họp tập trung tại Nhà Quốc hội.
Kéo dài gần 1 tuần, phiên họp thứ 44 dự kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn xem xét nhiều nội dung khác. Như cho ý kiến về việc trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức.
Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 của Quốc hội, báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”, báo cáo của Chính phủ về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019 cũng sẽ được thảo luận tại phiên họp này.
Các dự án luật được đặt lên bàn nghị sự gồm Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Luật Thanh niên (sửa đổi) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Luật Thỏa thuận quốc tế...
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng dự phòng 2,5 ngày để xem xét một số nội dung nếu đủ điều kiện, gồm dự án Luật Cư trú (sửa đổi), dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển Thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong nội dung dự phòng còn có dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, về việc giải quyết một số vấn đề vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai, dự thảo Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 63/2017/NĐ-CP ngày 19/5/2017 của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội...