Thường vụ Quốc hội chuẩn bị xem xét chính sách tài khóa, tiền tệ bổ sung

0:00 / 0:00
0:00
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về Đề án xây dựng cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Một buổi họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Một buổi họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Theo chương trình dự kiến phiên họp thứ sáu, chiều 9/12/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về Đề án xây dựng cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Vào chiều 6/12, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đã thẩm tra sơ bộ nội dung này, tuy nhiên, thông tin cụ thể vẫn chưa được công bố.

Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã nhiều lần đề cập về gói hỗ trợ nói trên với yêu cầu thiết kế quy mô và liều lượng phù hợp, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa đáp ứng nhiệm vụ trước mắt, vừa đáp ứng yêu cầu dài hạn về phát triển bền vững.

Chủ tịch Quốc hội cũng nói rõ đây là những chính sách ngoài khung khổ Quốc hội đã quyết định, là chính sách tiền tệ tài khoá bổ sung.

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam diễn ra vào ngày 5/12, Nhóm nghiên cứu Thường trực Ủy ban Kinh tế và các chuyên gia cũng đã đề xuất gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế khoảng 445.760 tỷ đồng.

Trước đó, tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá XV, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng thông tin về gói hỗ trợ lãi suất lấy nguồn ngân sách trung ương, khoảng 20.000 tỷ đồng/năm trong hai năm, hỗ trợ lãi suất 2-3% cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề của dịch, nhưng có đủ điều kiện vay để phát triển.

Bên cạnh gói hỗ trợ, tại đợt 1 của phiên họp thứ sáu này (8-10/12), Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đầu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Xem xét việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và gia hạn thời gian lưu giữ hàng hóa tại cửa hàng miễn thuế, kho của doanh nghiệp bán hàng miễn thuế, hàng hóa gửi kho ngoại quan.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến đối với Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2019-2021 và xem xét, quyết định mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2022-202.

Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 cũng nằm trong nội dung của phiên họp.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Cần Thơ, việc chuẩn bị kỳ họp bất thường của Quốc hội khóa XV.

Tin bài liên quan