Thường vụ Quốc hội chuẩn bị cho ý kiến kết quả phòng chống tham nhũng

0:00 / 0:00
0:00
Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp thứ ba sẽ cho ý kiến nhiều nội dung chuẩn bị trình Quốc hội tại kỳ họp thứ hai, trong đó có công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021.
Phiên họp thứ hai của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Phiên họp thứ hai của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Từ ngày 13/9-22/9/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành phiên họp thứ ba, cho ý kiến nhiều nội dung chuẩn bị trình Quốc hội tại kỳ họp thứ hai, trong đó có công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021.

Cụ thể, về công tác xây dựng pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về các dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Điện ảnh (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê, Luật Cảnh sát cơ động, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa, báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội cũng được xem xét tại phiên họp này.

Nội dung dự kiến còn có việc cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về kết quả triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội..

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét, quyết định ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.

Liên quan đến công tác giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét báo cáo tình hình giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri; báo cáo kết quả tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội (tháng 8/2021).

Các kế hoạch chi tiết và đề cương giám sát của các chuyên đề: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”; “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”; “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ 1/7/2016-1/7/2021”; “Việc thực hiện các nghị quyết của UBTVQH về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021”.

Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn xem xét, cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2021 và kế hoạch kiểm toán năm 2022 của Kiểm toán nhà nước.

Các báo cáo công tác năm 2021 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021 cũng được đặt lên bàn nghị sự của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Đây cũng là các nội dung đã được Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tiến hành thẩm tra sơ bộ đầu tháng 9 vừa qua.

Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2021 công tác phòng chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng, có mặt cao hơn năm trước. Sự phối hợp đồng bộ giữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực ngày càng chặt chẽ, có hiệu quả;.

Phòng chống tham nhũng đã gắn với công tác tổ chức, cán bộ, xử lý nghiêm sai phạm theo quy định về kỷ luật của Đảng, Nhà nước và xử lý hình sự; khẳng định quyết tâm mạnh mẽ, “không ngừng”, “không nghỉ”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Các cấp, các ngành đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng của 26.576 lượt cán bộ, công chức, viên chức. Năm 2021 có 51 người đứng đầu đã bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó 16 người bị xử lý hình sự, 35 người đã bị xử lý kỷ luật (khiển trách 16 người, cảnh cáo 10 người, cách chức 9 người).

Tin bài liên quan