Ông Phan Phương Anh, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ MB (MB Capital) cho biết, MB Capital quyết định đăng ký mua thêm 415.950 cổ phiếu PGC của Tổng công ty Gas Petrolimex, để nâng sở hữu tại đây lên 9,6% vốn bởi PGC là doanh nghiệp có nền tảng kinh doanh vững, minh bạch trong quản trị điều hành. Theo ông Phan Anh, bên cạnh các giao dịch thông thường hàng ngày, các quỹ cho MB Capital quản lý đang tiếp tục đánh giá cơ hội, tìm những doanh nghiệp tốt để gia tăng đầu tư.
Năm 2019, Gas Petrolimex đạt 200 tỷ đồng lợi nhuận, nhưng năm 2020, doanh nghiệp này chỉ đặt chỉ tiêu 140 tỷ đồng lợi nhuận do chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 và Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ. MB Capital đã đầu tư vào PGC từ 10 năm trước, nên hiểu Gas Petrolimex và có niềm tin vào khả năng phục hồi của Công ty trong 1 - 2 năm tới. Đây là lý do chính khiến công ty quản lý quỹ này quyết định tăng sở hữu tại PGC lên mức gần 10%.
Cổ phiếu HPG của CTCP Tập đoàn Hòa Phát tuần trước cũng nhận được sự gia tăng đầu tư của 2 thành viên thuộc Dragon Capital. Theo đó, Norges Bank và Grinling International Limited đã lần lượt mua vào 180.000 cổ phiếu và 380.000 cổ phiếu HPG, tăng số lượng cổ phiếu nắm giữ của cả nhóm từ 137,71 triệu cổ phiếu (4,99%) lên 138,27 triệu cổ phiếu (5,01%), chính thức trở thành cổ đông lớn của HPG. Dragon Capital cũng vừa mua thêm 2,2 triệu cổ phiếu KDH của CTCP Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền, nâng lượng nắm giữ lên 93,25 triệu đơn vị, tương đương 17,1% vốn.
HPG và HSG được ghi nhận là 2 mã tăng giá mạnh nhất tuần qua khi tăng lần lượt là 16,96% và 9,6%.
Nếu như tại HPG, một trong những yếu tố dẫn đến hiệu ứng tăng giá là việc quỹ ngoại gia tăng sở hữu, thì tại HSG, đà tăng duy trì hơn 2 tháng nay khi công ty này có 2 lần chủ động công bố ước tính kết quả kinh doanh tháng và trong kỳ trên HOSE với con số khả quan. Hiện nay, thị giá HSG đã tăng trên 100% so với thị giá 2 tháng trước đó. Trên nền giá này, bà Hoàng Thị Xuân Hương, vợ Chủ tịch HĐQT Lê Phước Vũ cũng là em gái Phó tổng giám đốc Hoàng Đức Huy vừa đăng ký bán toàn bộ 7,15 triệu cổ phiếu, tương đương 1,5% vốn. Giao dịch dự kiến thực hiện qua phương thức khớp lệnh và thỏa thuận, từ ngày 22/5 đến 20/6.
Chuyển giao sở hữu lớn cũng đang diễn ra ở khá nhiều doanh nghiệp trên sàn theo những hình thức khác nhau. Tại CTCP Sông Đà Hà Nội (ASD), Chủ tịch Đoàn Ngọc Ly vừa mua thêm trên 500.000 cổ phiếu để nâng lượng nắm giữ lên 901.000 cổ phiếu, tương đương 22,5% vốn cổ phần. Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Đoàn Ngọc Ly cho biết, ông tăng sở hữu tại ASD vì có niềm tin vào Công ty. Giao dịch mua lớn của Chủ tịch ASD được thực hiện ở mức giá 3.000 đồng/cổ phiếu, trong khi ASD là doanh nghiệp chưa từng kinh doanh thua lỗ kể từ năm 2016 đến nay.
Tại CTCP Công nghệ Sài Gòn Viễn Đông (SVT), ông Bùi Quang Mẫn, chồng bà Nguyễn Thị Thu, Phó chủ tịch HĐQT vừa đăng ký mua 500.000 cổ phiếu SVT từ ngày 26/5 đến 24/6 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Dự kiến giao dịch thành công, ông Mẫn sẽ nâng sở hữu tại SVT lên hơn 728.000 cổ phiếu, tỷ lệ 6,92%.
Tại CTCP Đại lý vận tải Safi (SFI), một cổ đông lớn đã mua vào lần lượt 500.000 cổ phiếu, 300.000 cổ phiếu và hơn 504.000 cổ phiếu trong 3 ngày 15, 18 và 19/5. Sau giao dịch, cổ đông này đã nâng sở hữu tại SFI từ hơn 982.000 cổ phiếu, tỷ lệ 6,58% lên hơn 2,28 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 15,32%...
Một giao dịch đáng kể khác mới đây là CTCP Tập đoàn Quản lý tài sản Trí Việt (TVC) đã mua 500.000 cổ phiếu của CTCP Chứng khoán Trí Việt, nâng lượng nắm giữ lên 33,1 triệu cổ phiếu, tương đương 68,2% vốn.
Theo quy định hiện hành, khi doanh nghiệp là công ty đại chúng, mọi giao dịch của cổ đông nội bộ, cổ đông lớn đều phải công bố thông tin trên sàn. Theo đó, nhiều cổ phiếu dù thanh khoản thấp, hay thậm chí không có thanh khoản, nhưng không có nghĩa ở đó không có gì đáng chú ý. Phía sau khoảng lặng của giá có những cuộc chuyển giao hoặc thâu mua lớn, sẽ được hiển lộ khi nhóm cổ đông đặc biệt công bố thông tin.