Thương vụ lớn của đại gia Phương Hữu Việt

Thương vụ lớn của đại gia Phương Hữu Việt

(ĐTCK) Hai con nợ thuộc loại lớn nhất tỉnh Quảng Nam là Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu và Công ty TNHH Vàng Phước Sơn sẽ được tái cơ cấu để có thể trả nợ thuế khả thi?

Hy vọng đang nằm trong tay doanh nhân Phương Hữu Việt và Ngân hàng TMCP Việt Á, đơn vị có khả năng tham gia nắm cổ phần chi phối tại 2 công ty này.

Đại gia vào cuộc

Tháng 3/2015, Tập đoàn Besra, nắm giữ 85% cổ phần tại Phước Sơn và 80% cổ phần tại Bồng Miêu, hai mỏ vàng lớn nhất tại Việt Nam với trữ lượng ước tính khoảng 20 tấn vàng, đã công bố đàm phán bán cổ phần của Công ty Phước Sơn cho một tổ chức tài chính tại Việt Nam.

Tháng 6/2015, ông David Seton, Chủ tịch của Besra đã chính thức xác nhận việc Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) đàm phán mua lại cổ phần của Công ty Phước Sơn.

“Kế hoạch khởi động lại Công ty Phước Sơn đã sẵn sàng và đang đợi hoàn thiện các thỏa thuận mới của chúng tôi là VietABank”, Chủ tịch Besra khẳng định như vậy.

Besra nhận giấy phép khai thác mỏ Bồng Miêu năm 1997, tập trung xây dựng nhà máy và đưa vào hoạt động năm 2005. Mỏ Phước Sơn được cấp phép năm 1999 và tháng 6/2011 đi vào hoạt động.

Theo thống kê, hai công ty Bồng Miêu và Phước Sơn đã khai thác được hơn 60.000 ounces vàng. Tuy nhiên, cả hai đều vướng phải nợ nần, trong đó riêng nợ thuế lên tới gần 400 tỷ đồng và đã phải dừng hoạt động do Cục Thuế Quảng Nam áp dụng các biện pháp cưỡng chế hóa đơn.

Đề cập đến kế hoạch tái cơ cấu hai công ty vàng, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã nhiều lần nhắc tới và cho rằng, VietABank sẽ mua lại cả hai công ty vàng Phước Sơn và Bồng Miêu. Ông cũng hoan nghênh lãnh đạo VietABank đã chủ động phối hợp với Công ty Phước Sơn trong việc xây dựng đề án tái cơ cấu lại công ty để khôi phục sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho người lao động, có nguồn thu để thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước, trả nợ cho các nhà cung cấp dịch vụ, vật tư, hàng hóa.

Doanh nhân Phương Hữu Việt 

Nhận diện “sức khỏe” đại gia

VietABank do doanh nhân Phương Hữu Việt đảm nhận ghế Chủ tịch HĐQT, trong năm 2015 đã có nhiều thay đổi khá mạnh mẽ. 

Chẳng hạn như việc di chuyển trụ sở chính từ địa điểm cũ, số 115-121 Nguyễn Công Trứ, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP. HCM đến địa điểm mới, số 34A và 35B, phố Hàn Thuyên, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội; hay việc thông báo thoái một loạt các khoản đầu tư tài chính tại các doanh nghiệp niêm yết như Đất Xanh, Gỗ Trường Thành và mới nhất  vào ngày 8/3/2016, VietABank đã bán ra toàn bộ 929.500 cổ phiếu DSN của CTCP Công viên nước Đầm Sen, tương đương 11% vốn công ty này và thu về khoảng 84 tỷ đồng...

Trong các ngân hàng TMCP đang hoạt động tại Việt Nam, thương hiệu VietABank được đánh gia là chưa nổi bật. Tính đến cuối năm 2015, VietABank mới có vốn điều lệ 3.098 tỷ đồng.

Vào những ngày cuối của năm 2015, VietABank đã hoàn tất đợt chào bán riêng lẻ 23.130.020 cổ phiếu với giá bán 10.000 đồng/cổ phiếu. Với động thái này, kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 4.200 tỷ đồng theo nghị quyết ĐHCĐ 2015 của VietABank sẽ về đích. Theo lộ trình, Việt Á Bank sẽ tiếp tục tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng trong năm 2016.  Với quy mô vốn điều lệ như vậy, tổng tài sản trong khoảng 40.000-45.000 tỷ đồng, VietABank thuộc nhóm ngân hàng nhỏ của Việt Nam.

Hiệu quả kinh doanh của VietABank cũng thuộc nhóm thấp với 60 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế được ghi nhận trong năm 2014 và kế hoạch đạt 150 tỷ đồng trong năm 2015 (VietABank chưa công bố kết quả 2015 - PV). 2015 cũng là năm cuối trong lộ trình tái cơ cấu mà ngân hàng này chủ động thực hiện.

VietABank chưa mấy nổi trội, song người đứng đầu ngân hàng này lại là một doanh nhân tầm cỡ và nổi tiếng. Ông Phương Hữu Việt, sinh năm 1964, có trình độ chuyên môn là tiến sỹ kinh tế. Ngoài việc đảm nhận ghế Chủ tịch VietABank, ông còn là Chủ tịch Hội hợp tác phát triển kinh tế Việt Nam - Lào - Campuchia, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam - Liên bang Nga, Ủy viên Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội… Đế chế của ông mở rộng, trong đó nổi bật có Tập đoàn Việt Phương hiện đầu tư đa ngành nghề ở Việt Nam và nước ngoài, với quy mô trên 20 công ty thành viên. Bất động sản và khoáng sản là hai trong những ngành nghề kinh doanh chính của Tập đoàn.

Besra: “Việc đàm phán nợ thuế của Vàng Phước Sơn và Bồng Miêu với Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế vẫn đang được tiếp tục” . Nguồn: Besra 

Thương vụ thách thức

Trở lại với việc tái cơ cấu hai công ty vàng, VietABank hiện chưa lên tiếng chính thức về thương vụ này và thị trường cũng chưa có nhiều thông tin về kế hoạch tái cơ cấu Bồng Miêu và Phước Sơn. Song với sự tham gia của ông Phương Hữu Việt, giới phân tích cho rằng, hai công ty này sẽ nhanh chóng có những đổi mới.

Trong một công văn gửi Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế hồi tháng 9/2015 do Quyền Tổng giám đốc hai công ty Bồng Miêu và Phước Sơn là ông Paul Seton ký, đã đề nghị xác định lại số thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường mà doanh nghiệp phải nộp giai đoạn 2010-2014.

Cụ thể, Phước Sơn và Bồng Miêu cho rằng, trong giai đoạn 2010-2014, do chưa có quy định về tỷ lệ phần trăm quy đổi để xác định số lượng tài nguyên khai thác tính phí bảo vệ môi trường, biểu giá tính thuế tài nguyên tại địa phương chưa phù hợp với quy trình khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm của hai công ty, từ đó dẫn đến doanh nghiệp đã kê khai, nộp thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường không chính xác, phát sinh số phải nộp quá lớn, gây thiệt hại về tài chính và ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, đời sống người lao động tại doanh nghiệp.

Trong văn bản này, Phước Sơn và Bồng Miêu đã đề xuất công thức tính thuế và phí mới trong giai đoạn 2010-2014. Nếu được chấp thuận, họ sẽ tính toán lại và khai điều chỉnh số thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường đã nộp, từ đó xác định lại số nợ thuế của doanh nghiệp đối với Cục Thuế Quảng Nam. Với giải pháp này, họ cho biết, sẽ lập kế hoạch trả nợ thuế khả thi và tiếp tục hoạt động sản xuất tại hai mỏ Phước Sơn và Bồng Miêu nhằm tạo doanh thu, thực hiện nghĩa vụ trả nợ thuế.

Còn trong thông điệp mới nhất gửi các nhà đầu tư và cổ đông hồi cuối tháng 1/2016, Besra cho hay, đã có nhiều tiến triển tích cực liên quan đến “số phận” hai công ty vàng tại Việt Nam. Cụ thể, mỏ Bồng Miêu đã hoạt động trở lại dù công suất ở mức rất thấp. Còn Phước Sơn đã đạt được thỏa thuận về các khoản vay với một số tổ chức tài chính Việt Nam nhằm có thể sớm hoạt động trở lại trong vòng 6 tháng tới.

Tuy nhiên, Besra cũng chia sẻ rằng, dù các bên có nỗ lực rất lớn để cho hai công ty sớm được phép hoạt động bình thường trở lại, song mọi việc không dễ dàng.

Hiện việc đàm phán nợ thuế với Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế vẫn đang được tiếp tục với sự hỗ trợ tích cực của đối tác Việt Nam.                       

Tin bài liên quan