143 tỷ USD: Vẫn thấp so với giá trị của Unilever
Hôm 17/2 vừa qua, Unilever, tập đoàn hàng tiêu dùng lớn thứ 3 thế giới về doanh thu, đã từ chối lời chào mua trị giá 143 tỷ USD từ phía Kraft Heinz, tập đoàn thực phẩm lớn nhất của Mỹ, với doanh thu gần 27 tỷ USD/năm.
Theo đó, Kraft Heinz cho biết, đã đề nghị mua lại cổ phiếu Unilever với giá 50 USD/cổ phiếu, cao hơn 18% so với mức giá đóng cửa phiên giao dịch gần nhất. Song, phía Unilever cho rằng, thương vụ này “về cơ bản là định giá thấp tiềm lực tài chính của hãng”.
Bên cạnh đó, Unilever đưa ra một lý do khác, đó là mô hình kinh doanh và chiến lược của 2 tập đoàn khá khác nhau. Trong khi Kraft Heinz muốn tập trung vào việc cắt giảm chi phí để tăng thu nhập, thì Unilever lại muốn đầu tư phát triển lĩnh vực chăm sóc nhà cửa và dịch vụ cá nhân.
Theo Giám đốc điều hành (CEO) Paul Polman của Unilever, dù lợi nhuận là yếu tố quan trọng, nhưng Unilever vẫn muốn bảo vệ tên tuổi của mình qua việc thúc đẩy các sáng kiến phát triển bền vững, bao gồm cả nỗ lực bảo vệ môi trường và nhân quyền.
Kraft Heinz rút lui nhanh gọn
Việc Unilever từ chối “bán mình” đã giáng một đòn không nhẹ vào tham vọng của Kraft Heinz, trong bối cảnh tập đoàn này đang phải vật lộn với tình trạng sụt giảm doanh số tại thị trường Hoa Kỳ và châu Âu - nơi người tiêu dùng đang có xu hướng chuyển dần từ mua thức ăn chế biến sẵn sang mua thức ăn tươi.
Chỉ 2 ngày sau khi Unilever từ chối sáp nhập, Kraft Heinz cũng chính thức rút lại đề xuất. Hai chủ đầu tư của Tập đoàn là Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett và 3G Capital của tỷ phú Jorge Paulo Lemann cho rằng, phản ứng tiêu cực của Unilever đã khiến một cuộc đàm phán thiện chí không thể xảy ra và phía Kraft Heinz không còn lựa chọn nào khác ngoài việc từ bỏ, tránh rủi ro cho những cơ hội đàm phán trong tương lai.
“Kraft Heinz muốn hợp tác trên cơ sở hữu nghị. Tuy nhiên, sau khi Unilever bày tỏ rõ quan điểm không muốn sáp nhập, chúng tôi đã lịch sự rút lại lời đề nghị để cả hai bên có thể tập trung vào những kế hoạch riêng. Kraft Heinz tôn trọng văn hóa kinh doanh, chiến lược và cách thức lãnh đạo của Unilever”, phát ngôn viên của Kraft Heinz nói.
Bản thân Tập đoàn Kraft Heinz hiện tại được Berkshire Hathaway và 3G Capital tạo nên bởi thương vụ sáp nhập trị giá 55 tỷ USD năm 2015 giữa Heinz và Kraft Foods. Tại Kraft Heinz, Berkshire Hathaway sở hữu khoảng 27% cổ phần và 3G Capital sở hữu khoảng 24% cổ phần. Trong báo cáo thường niên năm 2015, Berkshire Hathaway từng chia sẻ rằng, sẽ chỉ tham gia vào một thương vụ M&A thân thiện.
Nguyên tắc “không đeo đuổi” của Warren Buffet
Quyết định rút lui khiến nhiều người bất ngờ, bởi Warren Buffett dường như quyết định quá nhanh chóng. Tập đoàn Berkshire Hathaway của Buffett hiện đang có gần 80 tỷ USD tiền mặt dư thừa và gần như không sinh lời. Thương vụ này cũng nằm trong lĩnh vực mà Buffett đang kiếm được khá nhiều tiền khi kết hợp với 3G Capital.
Tuy nhiên, quyết định này là một minh chứng rõ rệt cho một trong những nguyên tắc đầu tư ưa thích của Buffett: không cần đeo đuổi những thương vụ. Theo ông, việc mua các công ty giống như một cú đánh bóng chày, bạn không nên thực hiện cú đánh nếu cảm thấy không thoải mái.
“Bí quyết trong việc đầu tư là hãy chỉ ngồi ở đó, quan sát diễn biến và chờ đến thời điểm phù hợp nhất. Nếu mọi người cứ la hét và thúc giục bạn thực hiện cú đánh, thì hãy cứ lờ đi”, Buffett nói trong bộ phim tài liệu “Trở thành Warren Buffett” trên kênh HBO.
Warren Buffett không muốn bị kéo vào những cuộc thương lượng giá dai dẳng. Ông cho biết, mình thích đưa ra lời mời chào mạnh mẽ ngay từ lúc đầu và rất hạn chế việc tăng giá. Trước đó, ông cũng từng bỏ dở một số thương vụ, chẳng hạn như nỗ lực thâu tóm các tài sản cốt lõi của Yahoo! Inc, hay công ty mỹ phẩm Avon Products.