Sáu tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng bình quân của của 5 tỉnh Tây Nguyên đạt 7,83%, giá trị tổng sản phẩm đạt gần 62 nghìn tỷ đồng. Công tác thu hút đầu tư của các tỉnh trong khu vực có chuyển biến rất tích cực.
Các tỉnh đã trao giấy chứng nhận đầu tư, biên bản ghi nhớ cho 25 dự án của 24 nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước với tổng số vốn gần 86 nghìn tỷ đồng (khoảng 4 tỷ USD).
Cùng với phát triển kinh tế, 5 tỉnh chú trọng tới công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, thực hiện tốt các chương trình, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là chương trình 135, định canh, định cư.
Dự và chỉ đạo hội nghị, Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên biểu dương kết quả, thành tích của Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nguyên, sự nỗ lực của 5 tỉnh trong chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm.
Toàn cảnh Hội nghị
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tô Lâm cũng cho rằng, kinh tế, xã hội vùng Tây Nguyên còn nhiều khó khăn, hạn chế. Việc xây dựng thương hiệu hàng hóa và giải quyết đầu ra cho nông sản còn khó khăn; chưa có những dự án đầu tư quy mô lớn tạo bước đột phá cho phát triển; chưa có giải pháp căn cơ lâu dài để giảm nghèo bền vững, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số; công tác bảo vệ rừng của khu vực hiệu quả chưa cao, tình hình vi phạm luật bảo vệ và phát triển rừng còn diễn ra phức tạp; hệ thống chính trị ở cơ sở còn bộc lộ nhiều hạn chế.
Đồng thời, Thượng tướng Tô Lâm đề nghị Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cần nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng phát triển kinh tế, xã hội. Các tỉnh có giải pháp cụ thể để triển khai, khai thác, phát huy tối đa kết quả hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ 4.
Bên cạnh đó, cần rà soát, điều chỉnh chính sách để thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Thượng tướng Tô Lâm nhấn mạnh đến việc cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là trong lĩnh vực vay vốn đầu tư, giúp doanh nghiệp, nông dân tiếp cận vốn vay thuận lợi.
Thượng tướng Tô Lâm cũng đề nghị, các tỉnh cần tập trung, xử lý các vấn đề liên quan đến đất đai; thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tăng cường các giải pháp bảo vệ, phát triển rừng, coi bảo vệ tài nguyên, môi trường là nhiệm vụ cấp bách; đề xuất Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và thực hiện quy hoạch thủy lợi vùng Tây Nguyên thích ứng với biến đổi khí hậu; khẩn trương rà soát, đánh giá tác động của các dự án thủy điện đang hoạt động trong vùng đến tài nguyên môi trường, từ đó có hướng xử lý, khắc phục sai phạm, hạn chế.
Cùng với đó, Thượng tướng Tô Lâm đề nghị các tỉnh Tây Nguyên đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững, thực hiện tốt chương trình an sinh, xã hội.
Những thành tựu mà Tây Nguyên đạt được trong 15 năm qua đã đồng hành cùng cả nước trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Cũng chiều 17/7, tại TP. Pleiku, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tổ chức Lễ kỷ niệm 15 năm ngày thành lập.
15 năm qua, tăng trưởng kinh tế bình quân toàn vùng đạt trên 10%, cao hơn mức tăng trưởng 1-2% mà Bộ Chính trị đề ra tại Nghị quyết 37/2004 cho vùng. Thu nhập bình quân đầu người năm 2017 của các tỉnh đạt gần 40 triệu đồng, gấp 13 lần so với năm 2001.
Công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm được triển khai liên tục, rộng khắp bằng nhiều giải pháp có hiệu quả giúp tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng giảm gần 3%/năm.
Đồng thời, an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định, chủ quyền biên giới quốc gia được đảm bảo, hoạt động đối ngoại được mở rộng và đi vào hợp tác phát triển.
Những thành tựu mà Tây Nguyên đạt được trong 15 năm qua đã đồng hành cùng cả nước trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
“Đạt được những kết quả trên là do có sự lãnh đạo sáng suốt của Bộ Chính trị, Ban bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ và trực tiếp là Ban chỉ đạo Tây Nguyên; sự giúp đỡ có hiệu quả, phối hợp chặt chẽ của các ban, bộ ngành, đoàn thể trung ương, của các cấp ủy chính quyền các địa phương và vùng lân cận; sự hỗ trợ của nhân dân cả nước; đặc biệt là sự chung sức, đồng lòng, sự nỗ lực, cố gắng bền bỉ và quyết tâm chính trị cao của cấp ủy, chính quyền, của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên”, Thượng tướng Tô Lâm nhấn mạnh.
Ngày 17/7/2002, Bộ Chính trị (khóa IX) đã ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Tây Nguyên. Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nghị quyết, quyết định, chỉ thị của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên.
Tại lễ kỷ niệm 15 năm thành lập, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước trao tặng. Ban chỉ đạo Tây Nguyên cũng đã tiến hành trao kỷ niệm chương và bằng khen cho các cá nhân, tập thể có thành tích, đóng góp cho sự phát triển Tây Nguyên trong 15 năm qua.