Năm 2016,  mục tiêu tăng trưởng GDP có thể sẽ ở mức 6,7%

Năm 2016, mục tiêu tăng trưởng GDP có thể sẽ ở mức 6,7%

Việt Nam vững tay lái nền kinh tế 2016

(ĐTCK) Với tiến trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới, Việt Nam đang và sẽ tiếp tục đinh hướng đẩy mạnh tăng trưởng bền vững theo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Thông điệp này đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định trước cộng đồng DN cùng các nhà đầu tư tại Diễn đàn đầu tư toàn cầu Việt Nam tổ chức sáng 30/9, tại Hà Nội.

Năm 2016, kinh tế Việt Nam sẽ tốt hơn

Chia sẻ trước hơn 700 đại biểu đến từ 32 quốc gia trên thế giới tham dự Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, 5 năm trước đây, tức là vào năm 2010-2011, nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam xuất hiện những vấn đề lớn do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và khủng hoảng nợ công châu Âu.

Cuối năm 2010, lạm phát Việt Nam tăng lên 11,75%, buộc Chính phủ đã phải ra Nghị quyết 11/2011 điều chỉnh mục tiêu cơ bản cho 5 năm tới, thay vì phát triển mạnh thì tập trung cho ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tăng trưởng ở mức phù hợp. Mục tiêu đặt ra trong 3 năm từ 2011-2013 là đưa lạm phát về mức kiểm soát được và ổn định kinh tế vĩ mô để 2 năm tiếp theo 2014 -2015 nâng dần sức tăng trưởng của nền kinh tế.

Thực tế, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, đây là một bài toán rất khó và là một phép thử năng lực điều hành của Chính phủ. Sau 5 năm, nhìn lại cả quá trình có thể thấy Việt Nam đã hoàn thành thực hiện các mục tiêu đề ra.

“Năm 2012, lạm phát của Việt Nam là 18,3%, cao thứ hai thế giới chỉ sau Venezuela. Đến năm 2013, lạm phát đã được kiểm soát, cuối năm 2013 lạm phát chỉ còn 5-6%. 9 tháng đầu năm nay, lạm phát chỉ 0,4%, với dự báo đến hết năm 2015 này, nếu có thay đổi thì cũng không quá 1,5%”, Bộ trưởng nói.

Tăng trưởng kinh tế từ đáy 5,25% vào năm 2013, tăng dần lên 5,98% vào năm 2014, cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra là 5,8%. Năm 2015, mục tiêu đặt ra là 6,2% nhưng 9 tháng đầu năm, tăng trưởng GDP đã đạt 6,5%.

“Dự báo cả năm 2015, tăng trưởng đạt ít nhất là 6,53% nếu không có diễn biến đặc biệt xảy ra. Tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm của Việt Nam gần mức 6%. Năm 2016, mức tăng trưởng dự kiến là 6,7%”, Bộ trưởng nhận định.

Theo Bộ trưởng, năm 2015, dù nền kinh tế có dấu hiệu sáng lên, nhưng vẫn là một năm đầy khó khăn, thử thách trong nhiệm kỳ của Chính phủ. “Chịu ảnh hưởng của vấn đề Nga - Ucraina, nợ công châu Âu, giá dầu rơi sâu từ cuối năm 2014…, chúng ta dự toán xuất khẩu dầu giá 110 USD/thùng, nhưng thực tế phải bán với giá chưa đến 50 USD/thùng. Dù vậy, Việt Nam vẫn đảm bảo nguồn thu ngân sách, giữ vững tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, các chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam đều tốt hơn”, Bộ trưởng nói.

Năm 2015, Việt Nam đang trên đường về đích mục tiêu phát triển kinh tế từ sự “chèo lái” của Chính phủ. Năm 2016, theo Bộ trưởng Vinh, mục tiêu tăng trưởng GDP có thể sẽ ở mức 6,7%. Nền kinh tế khởi sắc, nhưng không thể chủ quan, Chính phủ cần giám sát hiệu quả hơn nữa, nhất là với những vấn đề nóng bỏng như lãi suất.

“FED có thể tăng lãi suất tới đây trong bối cảnh lãi suất thế giới đang thấp. Đây là tình huống bất thường kéo dài đã vài năm nay, việc FED tăng lãi suất còn phụ thuộc vào các yếu tố khách quan của thế giới và khu vực, song Việt Nam cần phải sẵn sàng ở mức độ toàn cầu khi lãi suất trên thế giới tăng cao trở lại”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đánh giá chặng đường 23 năm phát triển của Việt Nam, ông Peter  Ryder, Tổng giám đốc Indochina Capital mô tả là một sự “phi thường”.

“Tôi đã có mặt ở Việt Nam từ những năm 1992, đáng ngạc nhiên khi quan sát phát triển 23 năm qua của Việt Nam. Có những lúc thăng, trầm nhưng vẫn tiếp tục xu hướng đi lên vững chắc. Có tới 90% dân số Việt Nam có cuộc sống hơn hẳn trước đây”, ông Ryder nhận xét.

Ông cũng khẳng định, Việt Nam ngày càng được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và biết tới, với khả năng chống chọi trước khó khăn cùng một nền chính trị, kinh tế ổn định. Tuy nhiên, ông lưu ý, Việt Nam cần có tầm nhìn dài hạn vì sự phát triển bền vững, chứ không thể mong thành công ngay trong ngắn hạn được. 

Bước vào cuộc chơi toàn cầu

Nhìn nhận viễn cảnh thị trường Việt Nam, ông Jonathan Choi, Chủ tịch Tập đoàn Sunwah và Tập đoàn VinaCapital cho biết, cơ hội các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới là rất lớn.

“Việt Nam có mối quan hệ tốt với Mỹ và có quan hệ tốt với các nước lân cận trong khu vực, đó là những lợi thế. Việt Nam cần hoàn thiện cơ chế thị trường, đảm bảo chính sách nhất quán. Đó sẽ là tiền đề để cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư dài hạn tại Việt Nam”, ông Choi khuyến nghị.

Nhận định về những cơ hội từ FTA mang lại, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen cho rằng, hội nhập là quyết định rất đúng đắn, mở ra cho Việt Nam cơ hội mang tính lịch sử, cân bằng mối quan hệ để phát triển.

“Tuy nhiên, tôi cho rằng, kinh tế Việt Nam cần phải được dẫn dắt bởi những tập đoàn của Việt Nam thì mới tự chủ trước mắt và lâu dài. Đối với những doanh nghiệp FDI, thu hút họ vào là tốt cho nền kinh tế, nhưng hiện nay, tỷ trọng DN FDI trong nhiều ngành quá lớn. Chẳng hạn, trong ngành của chúng tôi, thực tế này có thể làm mất đi cơ hội phát triển của doanh nghiệp Việt Nam”, ông Vũ nói.

Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCK Sài Gòn (SSI), ông Nguyễn Duy Hưng cho rằng, trước đây, hầu như các nước và Việt Nam đều dựa vào nguồn vốn ODA để phát triển. Tuy nhiên, tới đây, Việt Nam phải tiếp cận nguồn vốn mới, tạo sức ép phải sử dụng hiệu quả hơn.

Ông Hưng nhận định, khi TPP mở ra, bản thân doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội đem sản phẩm ra nước ngoài và khẳng định, DN không cần sự bảo hộ. Tuy nhiên, làm thế nào để nền kinh tế nước ta có nhiều DN lớn như Vingroup, đủ sức tiếp nhận dòng vốn lớn, thực thi các dự án lớn, là việc Chính phủ Việt Nam cần quan tâm nhiều hơn.

Trước trăn trở của DN, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định, Việt Nam nhất quán định hướng đi theo nền kinh tế thị trường và hội nhập mạnh hơn vào kinh tế quốc tế. Trong bối cảnh toàn cầu như hiện nay, không nước nào không hội nhập, chỉ là sớm hay muộn. “Khi tham vào các cam kết quốc tế, Việt Nam phải chấp nhận cuộc chơi với thế giới.

Trong cuộc chơi này có 2 điều cần phải làm là phải sửa đổi thể chế kinh tế, hệ thống luật pháp để tương thích với các cam kết và phù hợp với bạn bè quốc tế. Bên cạnh đó, khi hội nhập quốc tế, các doanh nghiệp trong nước phải chấp nhận cạnh tranh, chấp nhận sẽ bật lên hoặc thất bại như một quy luật tất yếu”, Bộ trưởng nói. “Việt Nam cần phải chuẩn bị kỹ, từ Chính phủ tới doanh nghiệp, nếu không chuẩn bị tốt thì lợi ích sẽ không được như kỳ vọng mà ngược lại, phải đối mặt thách thức. Nếu không vững vàng thì Việt Nam sẽ mất thị trường ngay trên sân nhà”, Bộ trưởng nhận định.

Cũng theo Bộ trưởng, hội nhập như con dao 2 lưỡi. “Chúng ta mới nói nhiều lợi thế, nhưng cần nhìn rõ thách thức và chủ động giải pháp. Chính phủ và DN cần sát cánh tạo ra sự thay đổi về nguồn lực, vốn, quản trị và thúc đẩy xuất khẩu. Mục tiêu đặt ra là phải phát triển mạnh DN trong nước. Điều đáng tiếc là vừa qua chưa làm tốt việc này, nên thời gian tới cần đi nhanh hơn”, Bộ trưởng nhấn mạnh.     

“Doanh nghiệp Việt Nam phải nắm rõ thách thức hội nhập”

Ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia Cơ quan thường trú tại Việt Nam, Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB)

Việt Nam có nhiều cơ hội khi hội nhập quốc tế, nhưng cũng không ít thách thức. Tuy nhiên, theo cảm nhận của tôi, dường như các doanh nghiệp FDI chuẩn bị sẵn sàng hơn trước những thách thức sắp tới. Các doanh nghiệp FDI đã đi trước trong cuộc chơi này, họ có tri thức, hiểu biết các điểm khác nhau trong khu vực, còn các doanh nghiệp của Việt Nam dường như chưa được như vậy. Vì vậy, quan trọng đối với các doanh nghiệp Việt Nam là phải nắm rõ thách thức và có giải pháp ứng biến với thách thức đó.

“Việt Nam có triển vọng và tiềm năng rất lớn”

Ông Alain Cany, Chủ tịch Jardine Matheson Việt Nam

Tôi đã ở Việt Nam trong thời kỳ khủng hoảng, lạm phát cao, dù nhiều khó khăn, song Chính phủ vẫn xử lý tốt để ổn định kinh tế trong giai đoạn khó khăn đó. Nếu muốn thành công tại Việt Nam, cần có cách tiếp cận dài hạn và quan trọng là tìm đối tác phù hợp.

So với quốc gia khác, Việt Nam có triển vọng và tiềm năng rất lớn. Sự lãnh đạo mạnh, sẵn sàng hội nhập quốc tế nhất quán. Nỗ lực rà soát cải tiến luật pháp, chuẩn bị ký FTA, chuẩn bị trở thành thành viên TPP. Đó là những lợi thế lớn của Việt Nam đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hội nhập tốt nhất trên thế giới.

Bên cạnh đó, sự phối hợp tốt của các bộ, ngành, sự cởi mở của Chính phủ, các bộ, ngành… sẵn sàng đối thoại trực tiếp với DN là lợi thế lớn so với các nước ASEAN khác. Nhiều nhà đầu tư nhận thấy những lợi thế này và hoàn toàn tự tin khi đến Việt Nam tìm cơ hội đầu tư lâu dài.

“Việt Nam đang có điều kiện tốt cho TTCK phát triển”

Ông Kevin Snowball, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ PXP Vietnam

Việt Nam là thị trường mới nổi, đang phát triển, vượt qua nhiều thời điểm nguy ngập như 2011. Tuy nhiên, đến nay lạm phát gần bằng 0%, thâm hụt thương mại thấp. Có lẽ đó là kết quả của nhiều yếu tố khác nhau và sẽ giúp Việt Nam trở thành điểm thu hút vốn và đang có điều kiện tốt cho TTCK phát triển.

Bên cạnh đó, Việt Nam có môi trường ổn định nên rủi ro đầu tư không đáng lo ngại như tại Thái Lan vừa qua. Mặt khác, hệ thống chính trị tốt, ổn định là lợi thế rất lớn so với Indonesia với nhiều bất ổn bầu cử, còn Philippine tăng trưởng tốt nhưng không có nhiều ý tưởng tốt. Như vậy, có thể thấy bối cảnh Việt Nam tốt hơn các quốc gia khác và giúp TTCK bùng nổ hơn.

Việc bỏ giới hạn room là rất quan trọng, thực ra đã đưa ra từ năm 2006. Với chính sách nới lỏng sở hữu nước ngoài, nhiều nhà đầu tư sẽ đến Việt Nam, thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và tạo điều kiện cho DN nước ngoài tiếp cận thị trường nội địa.

Tin bài liên quan