Hệ thống hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân Việt Nam gần như không có

Hệ thống hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân Việt Nam gần như không có

(ĐTCK) Trên thế giới, để tạo nền tảng phát triển cho doanh nghiệp, các nước không tiếp cận theo hướng tháo gỡ khó khăn, mà sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi, trực tiếp đứng ra giúp đỡ doanh nghiệp. Trong khi đó tại Việt nam, Nhà nước mới chỉ hỗ trợ cho doanh nghiệp ở khâu gia nhập thị trường.

Đó là quan điểm của một số chuyên gia kinh tế, đại diện cơ quan nghiên cứu khi bàn về câu chuyện cải cách môi trường thể chế, tạo nền tảng cho sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam trong khuôn khổ hội thảo khoa học quốc tế “Dự báo tình hình kinh tế - xã hội phục vụ lập kế hoạch trung hạn trong bối cảnh hội nhập quốc tế” do Trung tâm thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia ( NCIF) tổ chức sáng ngày 2/12 tại Hà Nội.

Tại đây, Ths. Nguyễn Huy Hoàng, Phó trưởng Ban Thông tin doanh nghiệp và thị trường - NCIF đã trình bày những tác động bước đầu của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi đến hoạt động của doanh nghiệp năm 2015.

Những trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp của Singapore, Thái Lan hoạt động cực kỳ hiệu quả tại Việt nam. Trong khi đó, hệ thống hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam đang rất yếu, nếu không muốn nói là gần như không có.

Theo ông Hoàng, kể từ khi 2 luật này có hiệu lực, so với cùng kỳ 2014, số doanh nghiệp thành lập mới và vốn đăng ký đã tăng mạnh. Cụ thể, từ ngày 1/7 đến ngày 17/11, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 40.880 doanh nghiệp, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2014.

Dự kiến năm 2015 sẽ có khoảng 94.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.

Tháng 7 và tháng 8/2015, tổng số vốn doanh nghiệp đăng ký lần lượt là 40.780 tỷ đồng và 55.154 tỷ đồng, tăng 45,8% và 102,4% so với cùng kỳ 2014.

Những quy định mới về giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, quy định về con dấu…, được đánh giá là có tác động trực tiếp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh.

Ngoài ra, thời gian cấp giấy đăng ký thành lập mới doanh nghiệp giảm xuống 2,47 ngày, thấp hơn 2 ngày so với thời điểm trước khi có luật doanh nghiệp 2014.

Tuy nhiên, bình luận về những kết quả đạt được nói trên, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc giải quyết các vấn đề về thủ tục hành chính,  các quy định về đăng ký, giấy tờ… chưa hỗ trợ nhiều cho doanh nghiệp.

Theo ông Tuấn, thế giới không tiếp cận việc tạo nền tảng phát triển cho doanh nghiệp theo hướng tháo gỡ khó khăn, mà phải tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, các nước thường đứng ra hỗ trợ, trực tiếp giúp đỡ doanh nghiệp.

Chẳng hạn như những trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp của Singapore, Thái Lan hoạt động cực kỳ hiệu quả tại Việt nam. Trong khi đó, hệ thống hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam đang rất yếu, nếu không muốn nói là gần như không có.

Cũng theo đại diện của VCCI, khảo sát mới đây của đơn vị này về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan cho thấy,  tại Việt Nam hiện nay, doanh nghiệp tư nhân càng lớn thì chi phí tuân thủ kinh tế càng cao, doanh nghiệp nào càng thành công, thì tần suất tiếp nhận thanh tra kiểm tra càng nhiều.

Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, Luật Doanh nghiệp và luật Đầu tư mới chủ yếu tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khi gia nhập thị trường, trong khi con đường hoạt động của doanh nghiệp từ khi gia nhập thị trường cho đến sau này còn rất dài và gian nan.

Tin bài liên quan