Điểm nghẽn của du lịch hiện nay là phổ cập về công nghệ.

Điểm nghẽn của du lịch hiện nay là phổ cập về công nghệ.

Gỡ điểm nghẽn cho ngành “công nghiệp không khói” bằng công nghệ

Công nghệ đang được xem là bài toán sống còn cho các doanh nghiệp du lịch vì có thể giải quyết nhiều nút thắt trong phát triển ngành “công nghiệp không khói”.

Ứng dụng công nghệ - nhìn từ trường hợp Thiên Minh 

Gần đây nhất, đích thân CEO Tập đoàn Thiên Minh, ông Trần Trọng Kiên, đã tổ chức một hội thảo về du lịch 4.0. Thông qua hội thảo này, ông Kiên kỳ vọng có thể tuyển được 20 IT developers (nhân sự phát triển công nghệ) nhằm giải quyết hàng trăm bài toán khác nhau mà Thiên Minh đang gặp phải.

Năm 2012, Buffalo Tours Thái Lan (tiền thân của Tập đoàn Thiên Minh) có một nhóm khoảng 35 người thực hiện nhiệm vụ đón khách tại sân bay. Với lưu lượng khách khoảng 1.000 người/ngày, những nhân viên này phải ngồi trước một tấm bảng lớn dò xem bao nhiêu khách cần đón thì viết lên bảng. Một người phụ trách gọi điện cho tất cả các lái xe để báo thông tin của khách và tên chuyến bay. Nhưng chỉ cần một chuyến bay bị delay, công việc phải lặp lại với số khách trên chuyến bay đó. 

Trước thực trạng này, người phụ trách công nghệ thông tin của Tập đoàn đã đưa ra giải pháp xây dựng một hệ thống kết nối dữ liệu các chuyến bay của các hãng hàng không. Song song với đó, mỗi lái xe được trang bị một chiếc máy tính bảng, xây dựng hệ thống kết nối với lái xe, đồng thời đưa thuật toán tính toán nhằm tối ưu hóa lộ trình từ sân bay tới các thành phố (chức năng cơ bản tương tự như google maps hiện nay).

Hệ thống này đồng thời tự động kết nối với thông tin khách cần đón và chuyển trực tiếp tới lái xe, thay vì cần người điều phối.

Giải pháp này đã giúp các lái xe nắm được chính xác thông tin khách hàng, không lãng phí thời gian chờ đợi, mà còn tăng số lần đón khách từ 5 chuyến lên 8 chuyến/ngày.

Công nghệ cho mỗi doanh nghiệp là “đo ni đóng giầy”, giải quyết bài toán riêng của doanh nghiệp nhằm nắm giữ lợi thế cạnh tranh riêng của doanh nghiệp.   

“Bài toán lớn nhất là vấn đề chất lượng dịch vụ đã được cải thiện khá tốt thông qua công nghệ. Tỷ lệ khách không được đón giảm từ 5% xuống còn 0,02%, thêm vào đó, đội quân 35 người điều phối giảm xuống còn 1 người, 34 người còn lại được điều chuyển đi bán tours. Doanh thu của đơn vị năm đó tăng thêm 10 triệu USD”, ông Kiên nhớ lại.

Đến nay, Tập đoàn Thiên Minh đã đầu tư hàng loạt ứng dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động kinh doanh du lịch như chatbot trên nền tảng Ivivu cùng quy trình đặt vé, đặt khách sạn hoàn toàn tự động nhờ ứng dụng trí tuệ nhân tạo, hay nhận dạng khuôn mặt khi khách check-in...

Tuy nhiên, CEO tập đoàn này cho biết, vẫn còn hàng trăm bài toán trong phát triển du lịch cần đến sự vào cuộc của công nghệ.

Mảnh đất tiềm năng cho công nghệ  

“Ngành du lịch vốn rất lớn, nhưng năng suất lao động thấp và đây chính là mảnh đất tiềm năng cho những người làm công nghệ”, ông Kiên nhấn mạnh.

Trên thực tế, một số doanh nghiệp công nghệ đã lựa chọn du lịch là ngành chủ đích để đầu tư như sàn du lịch trực tuyến Tripi; Công ty Toàn Dũng với mục tiêu quảng bá du lịch Việt Nam bằng công nghệ thực tế ảo; Công ty Giải pháp Kết nối Du lịch Việt (Travel Connect), Mytour… nhưng con số này chưa nhiều.

Giải thích lý do khiến nhiều doanh nghiệp công nghệ chưa mặn mà với mảnh đất tiềm năng này, ông Trần Bình Giang, Giám đốc điều hành Sàn du lịch trực tuyến Tripi cho biết, đầu tư công nghệ là bài toán dài hơi, nếu tính cả đầu tư hệ thống nhân sự, nguồn lực công nghệ có khi tốn tới 3-10 triệu USD trong thời gian từ 3 - 5 năm, nhưng nếu không cạnh tranh được thì kết quả là số 0. Đây là rủi ro quá lớn. Trong khi đó, nhân sự công nghệ cũng là bài toán rất đau đầu với các doanh nghiệp.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Công ty Du lịch Transviet cho rằng, nền công nghiệp 4.0 khiến các doanh nghiệp du lịch phải tự xây dựng đội ngũ IT với lý do, công nghệ cho mỗi doanh nghiệp là “đo ni đóng giầy”, giải quyết bài toán riêng của doanh nghiệp nhằm nắm giữ lợi thế cạnh tranh riêng của doanh nghiệp.

Trong khi đó, việc thuê doanh nghiệp công nghệ bên ngoài khá đắt đỏ, nhưng khi doanh nghiệp công nghệ đó bán sản phẩm cho doanh nghiệp khác, thì sẽ làm mất tính độc quyền của doanh nghiệp đặt hàng. Đây là nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp du lịch đều bị cuốn vào cuộc đua đầu tư công nghệ. 

Mặc dù vậy, ông Đạt cũng thừa nhận, công nghệ hiện đang phát triển quá nhanh khiến doanh nghiệp luôn luôn phải chạy theo cuộc đua này và nhiều doanh nghiệp nhỏ sẽ không đủ kinh phí để tiếp tục. 

“Điểm nghẽn của du lịch hiện nay là phổ cập về công nghệ. Đặc thù ngành du lịch là hầu hết doanh nghiệp vẫn ở quy mô vừa và nhỏ, nhưng nhiều doanh nghiệp cùng trả tiền cho những giải pháp chung về quản lý hoạt động du lịch, quảng bá trực tuyến… sẽ đem lại nguồn lợi không nhỏ ”, ông Đạt nhấn mạnh.

Trong khi đó, nhìn từ hiệu quả của nền kinh tế chia sẻ qua mô hình Airbnb, một doanh nghiệp công nghệ sở hữu lượng phòng nhiều nhất thế giới mà không cần sở hữu bất kỳ một sản phẩm bất động sản nào, ông Kiên cho rằng, doanh nghiệp công nghệ Việt Nam hoàn toàn có thể giải quyết bài toán thiếu phòng ở những khu du lịch đông khách bằng cách phát triển ứng dụng tận dụng phòng trống của các dự án bất động sản tại những điểm du lịch đó.

Tin bài liên quan