FDI trước thách thức thu hút tập đoàn đa quốc gia

FDI trước thách thức thu hút tập đoàn đa quốc gia

(ĐTCK) Theo nhận định của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2015 là năm khá thành công trong thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm đều đạt 22,757 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2014. 

Đây là tín hiệu tốt cho nền kinh tế, thể hiện sự cải thiện rõ nét môi trường đầu tư kinh doanh, góp phần tăng sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Cùng với kết quả khả quan này, hơn 70% số DN Nhật Bản xác nhận sẵn sàng thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam trong tương lai gần, trong khi Mỹ thể hiện tham vọng sớm trở thành nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam.

Theo nhận định của Cục Đầu tư nước ngoài, xu hướng rất đáng quan tâm là dòng vốn FDI đổ mạnh vào Việt Nam phần lớn vẫn tập trung vào lĩnh vực sản xuất hàng điện tử. Cụ thể, theo thông tin mới nhất, trong những ngày đầu tháng 1/2016, một trong những dự án FDI đầu tiên được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư là dự án của Công ty United More SDN.Bhd (Malaysia), với vốn đầu tư khoảng 21 triệu USD.

United More dự định xây dựng nhà máy Aureumaex Precision Plastics, chuyên sản xuất khung màn hình và vỏ sau nhựa cho các loại TV thông minh, TV LCD và hướng đến trở thành nhà cung cấp cho tổ hợp Samsung SEHC có vốn đầu tư 2 tỷ USD, dự kiến đi vào hoạt động trong tháng 2/2016 tại Khu công nghệ cao TP. HCM (SHTP).

Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang mong muốn tham gia vào các dự án phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng như cảng biển, sân bay, đường sắt, đường ô tô. Dự báo, nhu cầu về vốn đối với các dự án, hạng mục này lên tới vài chục tỷ USD trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, với hàng chục dự án lớn. Đây sẽ là danh mục hấp dẫn, đáng được nhà đầu tư tham gia nghiên cứu, tiến tới triển khai đầu tư theo hình thức đối tác công-tư, là hình thức mới, thông thoáng và được Chính phủ, địa phương khuyến khích trong tương lai.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả khả quan, song theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vấn đề thu hút vốn FDI đã đến lúc cần được xem xét, chọn lọc trong bối cảnh Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới, xuất hiện các đối tác kinh tế và hiệp định thương mại tự do mới. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định, năm 2016, sẽ có sự chọn lọc đối với những dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài.

“Việc chọn lọc đối với dự án FDI sẽ theo hướng tập trung thu hút các dự án có chất lượng cao, góp phần gia tăng tiềm lực cho nền kinh tế và tạo nhiều công ăn việc làm, đảm bảo ổn định xã hội. Hoạt động thu hút FDI sẽ gắn liền với việc nâng cao vị thế của các DN trong nước để kết nối 2 khu vực DN vừa và nhỏ, DN hỗ trợ với DN FDI, hướng đến chuyển giao công nghệ nhằm tạo ra giá trị sản phẩm cao”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết.

Mặt khác, việc thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là các tập đoàn lớn, tập đoàn đã quốc gia đang ngày càng trở nên khó khăn, bởi làn sóng đầu tư nước ngoài chưa hề hồi phục, thậm chí còn co hẹp hơn do nhiều biến động phức tạp về kinh tế, chính trị, xã hội trên toàn cầu, cũng như ảnh hưởng tiêu cực của giá dầu làm sụt giảm mạnh nguồn thu đối với nhiều quốc gia.

Do vậy, để nâng cao chất lượng hoạt động của khu vực FDI, các chuyên gia khuyến nghị Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư và kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư thông qua việc triển khai thực hiện tốt các luật mới đã ban hành.

Để tăng cường thu hút các dự án FDI, Cục Đầu tư Nước ngoài cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục có các chính sách thu hút đầu tư, ưu đãi cho các DN dựa trên 3 trụ cột: ưu đãi thuế thu nhập DN, thuế nhập khẩu, chi phí thuê đất... Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả và chất lượng thu hút FDI trong năm 2016 và những năm tới, sẽ ưu tiên thu hút các dự án đầu tư hướng đến chuyển giao công nghệ nguồn, sản xuất ở chuỗi giá trị cao hơn, nâng cao công tác quản lý..., góp phần tăng nội lực cho nền kinh tế Việt Nam.

Tin bài liên quan