Thương nhân phân phối tiếp tục kiến nghị về dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu

0:00 / 0:00
0:00
Cộng đồng thương nhân phân phối và bán lẻ xăng dầu kiến nghị Cơ quan quản lý có giải pháp để làm giảm vị thế độc quyền hoặc thống lĩnh thị trường của các doanh nghiệp lớn và siêu lớn trong lĩnh vực này.
Thương nhân phân phối nêu quan ngại về quy định mới trong Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu.

Thương nhân phân phối nêu quan ngại về quy định mới trong Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu.

Nội dung này được các thương nhân nêu trong kiến nghị mới nhất gửi tới Bộ trưởng Bộ Công thương, nhằm "phản bác" một số quy định trong Dự thảo lần 4 - Nghị định kinh doanh xăng dầu thay thế Nghị định 83/2014, các Nghị định 95/2021 và Nghị định 80/2023 sửa đổi,

Theo đơn kiến nghị, cộng đồng thương nhân phân phối và bán lẻ xăng dầu cho rằng quy định: "thương nhân phân phối chỉ được mua xăng dầu từ thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, không được mua bán xăng dầu lẫn nhau" chưa hợp lý, chưa có tính khách quan, khoa học.

Quy định này là hoàn toàn mới, bởi Nghị định 95/2021/NĐ-CP đang quy định các thương nhân phân phối được mua bán qua lại lẫn nhau.

Vì vậy với quy định trên, các thương nhân lo ngại, thương nhân đầu mối lãnh đạo thị trường, khiến các thành phần doanh nghiệp còn lại rơi vào thế phụ thuộc, làm thuê cho các thương nhân đầu mối. Việc này sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khi các thương nhân đầu mối hiện nay đang có vị thế độc quyền tự nhiên.

Nhóm thương nhân phân phối, bán lẻ xăng dầu cho rằng, Nghị định quy định điều kiện gì cũng phải tuân thủ theo đúng quy định của Luật Đầu tư và các luật liên quan.

Luật Đầu tư nêu rõ chỉ được quy định điều kiện kinh doanh nếu thấy "cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng". Và điều kiện đầu tư kinh doanh phải bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, tiết kiệm thời gian, chi phí tuân thủ của nhà đầu tư.

Việc Nghị định không cho phép các thương nhân phân phối mua bán lẫn nhau là vượt thẩm quyền và trái với Luật Đầu tư.

"Có nghĩa rằng, khi doanh nghiệp đã tuân thủ, đảm bảo đầy đủ các điều kiện kinh doanh như có giấy phép đủ điều kiện kinh doanh; có số cửa hàng sở hữu, số cửa hàng làm đại lý, kho - bể chứa, phương tiện vận tải, hệ thống phòng, chống cháy nổ, bảo vệ môi trường… theo quy định thì họ phải được tự do và có đầy đủ các quyền kinh doanh đã được quy định tại Luật Thương mại", nhóm thương nhân phân phối nêu.

Ngoài ra, đề xuất "không cho thương nhân phân phối mua hàng của nhau" đã được các Bộ, chuyên gia, trong đó có Bộ Tư pháp - đơn vị thẩm định Nghị định cho: Có nguy cơ vi phạm khoản 2 Điều 6 Luật Cạnh tranh năm 2018".

Trong đơn kiến nghị gửi Bộ trưởng Bộ Công thương, nhóm thương nhân phân phối đã đưa ra các kiến nghị.

Một là, cơ quan quản lý có giải pháp để làm giảm vị thế độc quyền hoặc thống lĩnh thị trường của các doanh nghiệp lớn và siêu lớn. Việc này giúp các nghiệp nhỏ và vừa trong hệ thống phân phối và bán lẻ không bị thôn tính.

Hai là, tiếp thu một số kiến nghị cấp bách như yêu cầu sửa dự thảo Nghị định cho thương nhân phân phối được mua xăng dầu của thương nhân phân phối khác như quy định tại Nghị định 95/2021.

Đồng thời bỏ cách quy định phân loại thương nhân, mà thay vào đó quy định đối tượng điều chỉnh của Nghị định là doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nói chung, với các điều kiện tiêu chuẩn kỹ thuật gắn liền với các hoạt động kinh doanh cụ thể như: Điều kiện kinh doanh nhập khẩu; điều kiện và tiêu chuẩn kho xăng; điều kiện và tiêu chuẩn phương tiện vận chuyển xăng dầu...

Cơ quan soạn thảo cần xem xét lại sự tồn tại của Quỹ bình ổn giá xăng dầu, vì quỹ này không hiệu quả và ít phát huy tác dụng thực chất. Trong khi đó, quỹ lại tạo gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp nói chung.

Ba là, cần đổi mới căn bản và thực chất việc giao quyền định giá, thỏa thuận về giá và cạnh tranh về giá theo quy định của Luật Giá theo hướng giá xăng dầu là mặt hàng không phải do Nhà nước định giá mà là mặt hàng bình ổn giá; còn việc quy định giá là do doanh nghiệp tự quyết định giá.

Đồng thời, phải nhất quán bảo đảm quyền thực sự cho doanh nghiệp tự định giá, thoả thuận về giá và cạnh tranh về giá theo tín hiệu khách quan của thị trường chứ không phải doanh nghiệp được quyền tự tính giá không vượt mức chi phí, lợi nhuận (hoặc mức giá tối đa) do Nhà nước quy định như dự thảo Nghị định.

"Giao quyền định giá xăng dầu cho doanh nghiệp không có nghĩa là Nhà nước "buông" hay "thả nổi" để doanh nghiệp tự định giá thế nào cũng được. Nhà nước vẫn phải kiểm soát, điều tiết quyền đó của doanh nghiệp bằng những hình thức thích hợp", nhóm thương nhân phân phối và bán lẻ xăng dầu lập luận.

Tiếp thu ý kiến của các thương nhân, Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương nói sẽ trình thêm phương án thương nhân phân phối xăng dầu được mua bán lẫn nhau (như quy định hiện hành), tạo điều kiện đa dạng hóa hệ thống phân phối xăng dầu.

Tin bài liên quan