Điện thoại và linh kiện là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất sang Trung Quốc, đạt 16,9 tỷ USD trong năm 2023.

Điện thoại và linh kiện là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất sang Trung Quốc, đạt 16,9 tỷ USD trong năm 2023.

Thương mại Việt Nam-Trung Quốc tăng ấn tượng

0:00 / 0:00
0:00
5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 77,5 tỷ USD, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó tăng cả ở chiều xuất khẩu và nhập máy móc, thiết bị, nguyên liệu đầu vào.

Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công thương) cho biết, bất chấp những diễn biến khó khăn của kinh tế, thương mại toàn cầu, xung đột địa chính trị, thương mại 2 chiều Việt Nam-Trung Quốc đang phục hồi ấn tượng.

Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam.

5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 77,5 tỷ USD, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu 22,64 tỷ USD, tăng 10,2%, nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 54,85 tỷ USD, tăng 33,1% so với cùng kỳ. Cán cân thương mại Việt Nam nhập siêu 32,2 tỷ USD.

Kết quả xuất nhập khẩu 5 tháng đã khởi sắc thấy rõ, bởi cả năm trước, thương mại 2 chiều Việt-Trung giảm 2,6% so với năm 2022, đạt 171,9 tỷ USD. Theo đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 61,2 tỷ USD, tăng 5,6%, nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 110,6 tỷ USD, giảm 6,6%; nhập siêu ở mức 49,4 tỷ USD, giảm 18,4%.

Dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu sang thị trường tỷ dân 5 tháng đầu năm 2024 là nhóm mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt hơn 4,7 tỷ USD, tăng 3,01% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 21% tỷ trọng xuất khẩu; tiếp đến là nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt hơn 4,6 tỷ USD, chiếm 20,7% tỷ trọng xuất khẩu.

Những nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng trong 5 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước còn có: Hàng rau quả tăng 32,9%; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 96,2%; hóa chất tăng 88,3%; hạt điều tăng 45,6%; cà phê tăng 52,9%; quặng và khoáng sản khác tăng 250,8%.

Thương mại song phương 2 nước còn nhiều dư địa tăng trưởng, dựa trên nhiều nhiều thỏa thuận hợp tác song phương, cũng như các hiệp định thương mại đa phương như: Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Hiện, Trung Quốc đang thúc đẩy việc gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)...

Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh (Trung Quốc) cho hay, nền kinh tế Trung Quốc đang có những dấu hiệu phục hồi rất tích cực. Trung Quốc đã ban hành nhiều chính sách về quản lý xuất nhập khẩu, trong đó nếu hàng hoá đáp ứng tiêu chuẩn sẽ tạo các điều kiện thuận lợi xuất khẩu vào thị trường này.

Đặc biệt, hợp tác thương mại Việt Nam-Trung Quốc được duy trì ổn định, dự báo đạt kết quả tốt so với mặt bằng chung quan hệ thương mại của Trung Quốc với đa số các đối tác thương mại lớn trên thế giới.

Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam có nhiều cơ hội để vào sâu thị trường tỷ dân, bởi, trong bối cảnh phí vận tải tàu biển tăng cao, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã và đang tìm kiếm nguồn cung nhập khẩu tại các khu vực lân cận, thay thế các doanh nghiệp châu Âu.

Các sản phẩm doanh nghiệp Trung Quốc quan tâm nhiều thời gian qua là nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo, nông thủy sản, đặc biệt Trung Quốc tiếp tục tăng cường nhập khẩu các loại nông sản nhiệt đới, trong đó có các sản phẩm nông sản trái cây chất lượng của Việt Nam như sầu riêng, dưa hấu, chuối...

Sáng 24/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Thủ đô Hà Nội, lên đường tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế thế giới tổ chức tại thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc (WEF Đại Liên 2024) và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 24 - 27/6/2024 theo lời mời của Thủ tướng Quốc vụ viện nước CHND Trung Hoa, Lý Cường và Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab.

Hội nghị WEF Đại Liên 2024 diễn ra từ ngày 25-27/6 với chủ đề “Những chân trời tăng trưởng mới” có quy mô lớn thứ hai sau Hội nghị WEF Davos với sự tham gia của 1.600 đại biểu, được tổ chức với tinh thần là nơi hội tụ, kiến tạo những ý tưởng mới, các lĩnh vực mới, mô hình tiên phong, sáng tạo sẽ định hình các ngành kinh tế trong tương lai.

Trong chuyến công tác, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn công tác có các hoạt động song phương với Trung Quốc nhằm duy trì trao đổi chiến lược cấp cao, tăng cường sự tin cậy chính trị, cụ thể hóa, triển khai hiệu quả nhận thức chung cấp cao và 2 bản Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc đạt được trong các chuyến thăm của Tổng Bí thư hai Đảng tới hai nước vừa qua; thúc đẩy hợp tác thực chất có tiến triển mới, nhất là trong các lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu như kết nối đường sắt qua biên giới, hợp tác kinh tế biên giới, thúc đẩy xuất khẩu nông sản chính ngạch của Việt Nam, thu hút đầu tư chất lượng cao, tăng cường hợp tác du lịch bền vững, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tin bài liên quan