Không giống như những mùa lễ hội vừa qua, người ta ít lo ngại hơn về bất kỳ sự chậm trễ nào làm hỏng kỳ lễ Giáng sinh vì hầu hết các kho đồ chơi và thực phẩm đã được tích trữ. Tuy nhiên, các vấn đề này đã gây ra rủi ro mới cho nền kinh tế toàn cầu vào năm 2024.
Khoảng 12% thương mại toàn cầu đi qua Biển Đỏ, nơi có kênh đào Suez ở phía Bắc và eo biển Bab-el-Mandeb ở phía Nam. Kể từ giữa tháng 11/2023, hơn 10 tàu quá cảnh đã bị ảnh hưởng bởi các cuộc căng thẳng quân sự quanh Biển Đỏ. Nhiều công ty vận tải biển đã phản ứng bằng cách hoãn các chuyến đi xuyên khu vực - tuyến đường quan trọng giữa châu Á và châu Âu. Tập đoàn dầu mỏ BP vừa thông báo đã tạm dừng các chuyến hàng qua eo biển này với lý do “tình hình an ninh ngày càng xấu đi”.
Vì khu vực này là kênh vận chuyển hàng hóa quan trọng đối với dầu, khí đốt tự nhiên hóa lỏng và hàng tiêu dùng, nên tình trạng thiếu hụt và tắc nghẽn có thể đẩy lạm phát lên cao. Chi phí vận chuyển và phí bảo hiểm cho một số tàu đi qua khu vực này cũng đang tăng lên.
Chỉ số áp lực chuỗi cung ứng toàn cầu đang gia tăng trở lại |
Maersk cũng thông báo sẽ định tuyến lại các tàu quanh Mũi Hảo Vọng. Nếu những động thái này xảy ra nhiều hơn, chi phí giao dịch toàn cầu sẽ tăng cao hơn. Theo nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển Clarksons, các tuyến đường vòng quanh châu Phi bổ sung thêm 3.200 dặm và thêm 9 ngày di chuyển trên một hành trình điển hình giữa châu Á và châu Âu. Giá dầu và khí đốt cho đến nay vẫn chưa tăng đáng kể.
Các vấn đề ở kênh đào Suez cũng có nguy cơ kết hợp với những cú sốc ở nơi khác. Trên khắp thế giới, kênh đào Panama đang phải hứng chịu mực nước thấp liên quan đến hạn hán. Theo Capital Economics, kênh đào giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương chỉ hoạt động với 55% công suất bình thường. Việc vận chuyển sẽ bị hạn chế trong những tháng tới và giá cả đã tăng lên. Kênh đào này thường vận chuyển 5% thương mại đường biển, đặc biệt là nhiên liệu và ngũ cốc của Mỹ đến châu Á.
Tác động trực tiếp đối với lạm phát toàn cầu phụ thuộc vào thời gian tồn tại của cả hai sự tắc nghẽn này và liệu các cú sốc khác có kết hợp với nhau hay không. Chỉ báo về áp lực chuỗi cung ứng của Fed New York đã tăng lên, mặc dù từ mức thấp. Tác động tổng hợp cũng không rõ ràng. Giá khí đốt ở châu Âu gần đây đã giảm do khả năng LNG của Mỹ đến châu Á thông qua kênh đào Panama có thể được chuyển hướng đến châu Âu.
Để hạn chế hậu quả kinh tế, điều cần thiết là phải nhanh chóng có được sự bảo vệ của hải quân tới Biển Đỏ. Một liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu nhằm đảm bảo an ninh cho vận chuyển hàng hóa đang có đà phát triển. Trong khi đó, mực nước ở kênh đào Panama đã được cải thiện. Tuy nhiên, không có sự phát triển nào có thể khiến các doanh nghiệp hoặc các nhà hoạch định chính sách tự tin rằng các vấn đề đã được giải quyết.
Một số công ty đã đa dạng hóa các tuyến cung ứng hậu đại dịch. Cú sốc này nhấn mạnh sự cần thiết của các lựa chọn, nhưng các tuyến kênh đào Suez và Panama có ít lựa chọn thay thế khả thi. Theo ước tính từ nhóm phân tích thương mại MDS Transmodal, các tuyến xung quanh hai kênh đào chính chiếm hơn một nửa số lượng vận chuyển container theo lịch trình giữa châu Á và Bắc Mỹ trong quý III. Điều này có nghĩa là các cơ quan chức năng phải đầu tư vào khả năng phục hồi của các điểm giao thương quan trọng, cả về an ninh và khả năng thích ứng với khí hậu, cũng như bằng cách cải thiện hiệu quả của cảng và các tuyến vận tải thay thế.
Đại dịch và xung đột Nga-Ukraine có thể chỉ là sự kiện chỉ xảy ra một lần, nhưng những cú sốc đối với kênh đào Panama và Suez là lời nhắc nhở rằng, cùng với biến đổi khí hậu và rủi ro địa chính trị ngày càng gia tăng, sự bất ổn trong chuỗi cung ứng vẫn sẽ tiếp tục tồn tại.