Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ chặng đường 25 năm

0:00 / 0:00
0:00
Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Hoa Kỳ đã tăng vọt từ mức 450 triệu USD năm 1995 lên 75,7 tỷ USD vào cuối năm 2019.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc hội kiến với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhân chuyến thăm Việt Nam dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 tại Hà Nội.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc hội kiến với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhân chuyến thăm Việt Nam dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 tại Hà Nội.

Hoạt động thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ có sự tăng trưởng mạnh mẽ và là một điểm sáng trong quan hệ giữa hai nước, đặc biệt là kể từ khi Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA) có hiệu lực.

Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, dẫn số liệu của của cơ quan thống kê Hoa Kỳ (Census) cho thấy, năm 1992 và 1993 chưa ghi nhận số liệu xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ nhưng chỉ 2 năm sau, vào năm 1995, khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, kim ngạch thương mại hai chiều đã đạt 450 triệu USD.

Tiếp sau đó, việc ký kết Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA) năm 2000 là một dấu mốc quan trọng, kịp thời tạo hành lang pháp lý thuận lợi, khơi dậy tiềm năng, tạo bước ngoặt thúc đẩy giao thương giữa hai nền kinh tế.

Nhờ Hiệp định BTA, thương mại song phương, đặc biệt là xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã tăng trưởng rõ nét trong giai đoạn 2001-2005 đạt tới 51% mỗi năm.

Nhìn tổng thể chặng đường 25 năm qua, số liệu của phía Hoa Kỳ ghi nhận kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng từ 450  triệu USD năm 1994 lên 75,7 tỷ USD, vào cuối năm 2019. Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ nhận định, kết quả ấn tượng này hiếm thấy trong thương mai quốc tế, nhất là trong điều kiện khó khăn như điểm xuất phát thấp, khoảng cách xa xôi, ít ưu đãi thương mại hơn so với các đối tác khác đã ký FTA với Việt Nam

Theo Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, kể từ khi BTA được ký kết năm 2000, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã thay đổi đáng kể. Trước kia, xuất khâu chủ yếu là nhóm hàng dệt may, da giày, thì hiện nay, nhóm hàng nông - thủy - hải sản đã tham gia vào danh mục các nhóm hàng xuất khẩu quan trọng.

Năm 2019, trong 5 nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất sang Hoa Kỳ, ngoài dệt may, giày dép, còn có điện thoại và linh kiện, máy tính và sản phẩm điện tử và đồ gỗ đều có mức tăng trưởng ấn tượng từ 9 - 24%.

Cơ cấu xuất khẩu đã thay đổi theo hướng tăng dần nhóm hàng chế biến, chế tạo, từng bước nâng cao giá trị gia tăng. Đáng lưu ý, hiện có tới 10 nhóm hàng xuất khẩu có giá trị trên 1 tỷ USD vào Hoa Kỳ, trong đó có các nhóm hàng giá trị lớn như dệt may (14,8 tỷ USD), điện thoại và linh kiện (8,8 tỷ USD), giày dép (6,6 tỷ USD), đồ gỗ (5,3 tỷ USD).

Việt Nam cũng nhập khẩu một lượng hàng hóa, nguyên liệu lớn từ Hoa Kỳ. Một số mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ Hoa Kỳ năm 2019 có: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 4,85 tỷ USD, tăng 59%; Bông đạt 1,57 tỷ USD, tăng 6,7%; Máy móc, thiết bị phụ tùng đạt 1,13 tỷ USD, tăng 8,1%; Chất dẻo nguyên liệu đạt 826,5 triệu USD, tăng 84,3%,...

Theo các đánh giá, cả Việt Nam và Hoa Kỳ đề có nhiều triển vọng hợp tác trong các lĩnh vực như năng lượng, y tế, hàng không, quốc phòng, giáo dục… Đây sẽ là nền tảng vững chắc để hai nước thúc đẩy trao đổi về những vấn đề chiến lược quan trọng trong tương lai.

Việt Nam luôn dành ưu tiên cao cho việc trao đổi, thảo luận tìm kiếm các giải pháp xử lý thỏa đáng những vấn đề còn tồn tại, đáp ứng một cách cao nhất lợi ích của cả hai nước.

Một trong những ưu tiên quan tâm thúc đẩy mang tính chiến lược của Hoa Kỳ với các nước đối tác tiềm năng trong thời gian tới để thực tế hóa Chiến lược Ấn Độ -Thái Bình Dương, là tập trung hợp tác phát triển nền kinh tế số và mở rộng tiếp cận thị trường dịch vụ.

Đây là lĩnh vực mà Hoa Kỳ có thế mạnh với nhiều doanh nghiệp có khả năng và tiềm lực cung cấp các giải pháp và dịch vụ trên nền tảng internet và đang muốn thúc đẩy thông qua các cuộc đàm phán song phương trong thời gian gần đây. Trong khi đó, các quy định pháp luật của Việt Nam trên lĩnh vực này còn chưa được xây dựng một cách có hệ thống và đồng bộ, nên có thể phát sinh nhiều vấn đề tồn tại, do cách hiểu khác biệt và chưa có giải pháp xử lý thỏa đáng.

Việt Nam và Hoa Kỳ đều thống nhất cho rằng quan hệ kinh tế, thương mại song phương giữa hai nước hiện đang trong giai đoạn phát triển tốt đẹp, được định hình theo hướng hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực.

Hoa Kỳ nhận định rằng thâm hụt thương mại không phải là vấn đề có thể giải quyết một sớm một chiều và đánh giá tích cực những hành động cụ thể của Việt Nam trong việc xử lý vấn đề này.

Tuy nhiên, Hoa Kỳ khẳng định đây là vấn đề Tổng thống Donald Trump đặc biệt quan tâm, vì vậy quan trọng nhất vào thời điểm hiện nay là cần nhanh chóng xử lý những vấn đề tồn tại và không làm phát sinh thêm những vấn đề mới trong quan hệ song phương.

Tin bài liên quan