Khi nắm quyền Nhà Trắng trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Donald Trump đã áp đặt một loạt thuế đối với 250 tỷ USD giá trị hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, bất chấp cảnh báo rằng thuế sẽ làm tăng giá và gây tổn hại cho người tiêu dùng Mỹ. Ảnh: AFP
"Người đàn ông thuế quan"
Mặc dù Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden cũng đặt cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc lên hàng đầu trong chính sách kinh tế của mình, nhưng các nhà kinh tế và chuyên gia thương mại lại phần lớn kỳ vọng ông Trump sẽ mạnh tay cắt giảm hơn nữa và gây bất ổn cho quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ông Eswar Prasad, giáo sư kinh tế tại Đại học Cornell, cho biết: "Chiến thắng của ông Trump rất có thể sẽ làm gia tăng xung đột về thương mại và kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc, làm tăng thêm sự chia rẽ về thương mại và tài chính giữa hai nước".
Ông Trump được cho là sẽ đối đầu với Phó tổng thống đương nhiệm Kamala Harris trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 sau khi Tổng thống Biden rút lui khỏi cuộc đua và ủng hộ phó tướng ra tranh cử. Theo ông Prasad và các chuyên gia khác, cách tiếp cận của bà Harris với Trung Quốc có thể sẽ tương tự như cách tiếp cận của ông Biden.
Từng đứng đầu bộ phận nghiên cứu tài chính và Trung Quốc của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), ông Prasad lý giải, mặc dù ông Trump và ông Biden đều có quan điểm bảo hộ, nhưng chiến lược và chiến thuật của họ khác nhau rất nhiều.
"Ông Trump dựa vào thuế quan để ngăn chặn hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Ông Biden - trong khi vẫn giữ nguyên các mức thuế đó và thậm chí tăng thuế đối với một số mặt hàng nhập khẩu - đã tập trung nhiều hơn vào việc hạn chế khả năng tiếp cận chuyển giao công nghệ và chip máy tính của Trung Quốc", ông Prasad phân tích.
Sự chuyển hướng lớn nhất của ông Trump khỏi chính sách thương mại thời Tổng thống Biden có thể là thuế quan đánh vào Trung Quốc.
Tháng 3/2018, Tổng thống Trump khi đó, người tự mô tả mình là "Tarrif Man" (người đàn ông thuế quan), đã châm ngòi cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình. Ông chủ Nhà Trắng đã áp đặt một loạt thuế đối với 250 tỷ USD giá trị hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, bất chấp cảnh báo rằng thuế sẽ làm tăng giá và gây tổn hại cho người tiêu dùng Mỹ.
Sau khi đánh bại ông Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020, Tổng thống Biden vẫn giữ nguyên mức thuế của người tiền nhiệm và thậm chí còn bổ sung mức thuế của riêng mình, đơn cử là công bố các mức thuế mới cứng rắn đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc trị giá khoảng 18 tỷ USD, bao gồm xe điện, pin năng lượng mặt trời, pin lithium, thép và nhôm.
Các chuyên gia dự đoán với đài CNBC rằng bà Harris sẽ tiếp tục phần lớn chính sách thuế quan của Tổng thống Biden nếu trở thành chủ nhân Nhà Trắng sau cuộc bầu cử vào tháng 11 năm nay. Trong khi đó, ông Trump đã đề xuất tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc ít nhất 60%.
Ông Stephen Weymouth, giáo sư kinh tế chính trị quốc tế tại Đại học Georgetown, cho biết: "Tôi chắc chắn không biết liệu ông Trump có sẵn sàng theo đuổi các biện pháp thuế quan cực đoan như vậy hay không, nhưng tôi tin rằng ông ấy có thể sẽ tăng thuế ở một mức độ nào đó trong nhiệm kỳ thứ hai".
Còn nhà kinh tế học Stephen Roach cho rằng việc ông Trump tăng thuế trong nhiệm kỳ thứ hai sẽ có "chức năng tương đương với lựa chọn hạt nhân" trong xung đột kinh tế quốc tế.
Ông William Reinsch, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho biết thuế quan mà ông Trump muốn áp dụng có nguy cơ dẫn đến một cuộc chiến thương mại khác, sẽ chấm dứt hầu hết hoạt động trao đổi hàng hóa giữa hai nước với "chi phí kinh tế khổng lồ".
Ông Reinsch cho rằng, ngay cả khi mục tiêu của ông Trump không phải là tách biệt hoàn toàn kinh tế với Trung Quốc mà là buộc Bắc Kinh đàm phán một thỏa thuận thương mại thuận lợi hơn, thì có rất ít lý do để tin rằng điều đó sẽ hiệu quả.
Năm 2019, chính quyền cựu Tổng thống Trump đã đạt được "thỏa thuận thương mại giai đoạn 1" với Trung Quốc, nhưng rất ít điều khoản được thực hiện và các giai đoạn tiếp theo không thành hiện thực.
Một số nhà bình luận cho rằng việc ông Trump chọn JD Vance làm phó tướng của mình cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 càng cho thấy đảng Cộng hòa nghiêm túc với các kế hoạch thuế quan của ông. Ông JD Vance, thượng nghị sĩ đến từ bang Ohio ủng hộ mạnh mẽ việc áp thuế đối với Trung Quốc, xác định Bắc Kinh này là mối đe dọa lớn nhất mà Washington phải đối mặt.
Ông Arthur Dong, giáo sư chiến lược và kinh tế tại Georgetown, bình luận: "Nếu tôi là một nhà hoạch định chính sách Trung Quốc, sự lựa chọn đó sẽ khiến tôi run rẩy".
Chiến tranh công nghệ
Nhìn lại, các chính sách quan trọng của chính quyền Biden-Harris tập trung vào việc hạn chế khả năng tiếp cận chuyển giao công nghệ của Trung Quốc và thúc đẩy các khoản trợ cấp trong nước để phát triển các ngành công nghệ cao và chuỗi cung ứng ở Mỹ.
Chính quyền Biden-Harris đã mở rộng đáng kể danh sách các công nghệ và công ty Trung Quốc chịu sự kiểm soát xuất khẩu của Mỹ, trong nỗ lực cắt giảm hỗ trợ cho các ngành công nghệ quan trọng ở Trung Quốc, chẳng hạn như chất bán dẫn tiên tiến. Trước đó, chính quyền cựu Tổng thống Trump cũng đã ban hành một số biện pháp kiểm soát tương tự.
Chính quyền Tổng thống Biden cũng đã ban hành các quy định hạn chế đầu tư của Mỹ vào các công ty Trung Quốc đang phát triển các công nghệ nhạy cảm, với lý do lo ngại về an ninh quốc gia.
Có lẽ động thái lớn nhất của Tổng thống Biden là đã ký ban hành Đạo luật CHIPS vào tháng 8/2022, với khoản chi gần 53 tỷ USD để đầu tư vào nghiên cứu và sản xuất chất bán dẫn trong nước nhằm tăng khả năng cạnh tranh với Trung Quốc.
Ông Chris Miller, tác giả cuốn sách "Chiến tranh chip bán dẫn" cho rằng, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và Đạo luật CHIPS đã được thông qua với sự ủng hộ của lưỡng đảng ở Washington, và do đó, những chính sách như vậy có thể vẫn là ưu tiên, bất kể kết quả bầu cử tháng 11 ra sao.
"Tôi kỳ vọng rằng Mỹ sẽ tăng cường các hạn chế lên một hoặc hai mức, bất kể ai thắng cử", ông Miller nói.
Tác động tới mặt trận ngoại giao
Bà Rorry Daniels, giám đốc điều hành Viện Chính sách Xã hội Châu Á (ASPI), cho biết nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump cũng sẽ tác động đến chính sách ngoại giao và đối thoại của Mỹ với Bắc Kinh, bên cạnh các vấn đề thương mại.
Bà Daniels cho biết các kênh để hai nước thảo luận các vấn đề chính sách đã giảm đáng kể dưới thời cựu Tổng thống Trump, trong khi chính quyền đương nhiệm của Tổng thống Biden lại nhấn mạnh những nỗ lực tham gia ngoại giao của mình.
Chính quyền hiện tại cũng đã tìm kiếm sự phối hợp chặt chẽ hơn với "các đối tác có cùng chí hướng", chẳng hạn như vận động hành lang Nhật Bản và Hà Lan hợp tác trong các hạn chế về chất bán dẫn.
"Điều đó vừa giúp giảm thiểu tác động tiêu cực từ các hành động chính sách thương mại của ông ấy, đồng thời khiến chúng trở nên hiệu quả hơn theo nhiều cách", ông Nick Marro, nhà phân tích hàng đầu về thương mại toàn cầu của công ty tình báo kinh tế EIU, đánh giá.
Mặt khác, ông Marro cho rằng ông Trump chọn cách tiếp cận “tự hành động” hơn, khiến việc áp dụng các biện pháp của Mỹ đối với Trung Quốc trở nên nhanh chóng hơn.
Trong khi cách tiếp cận "thận trọng và thận trọng hơn" của chính quyền Biden-Harris trong quan hệ thương mại và ngoại giao với Trung Quốc đã giúp ổn định mối quan hệ nhiều hơn.
"Có cảm giác rằng, bất kể đảng nào ngồi trong Nhà Trắng, quan hệ Mỹ - Trung sẽ tiếp tục đi xuống trong suốt thời gian còn lại của thập kỷ này", nhà phân tích của EIU lo ngại.